Thứ sáu 26/04/2024 17:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lạc quan về thị trường BĐS hậu Covid-19

15:41 | 10/06/2020

(Xây dựng) - Phục hồi và khởi sắc cùng chuỗi tín hiệu lạc quan hậu Covid-19, theo các chuyên gia và những ông lớn địa ốc, xu hướng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam được nhận định sẽ bùng nổ trong thời gian tới với nhiều nền tảng ổn định và đầy tiềm năng.

lac quan ve thi truong bds hau covid 19
Bất động sản nhà ở vẫn là kênh rất đáng quan tâm.

Với kinh nghiệm thị trường, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nhận định, thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Hà Nội có trên dưới 1.000 tòa nhà, là rất nhỏ so với Thượng Hải - Trung Quốc, Singapore có hàng trăm nghìn tòa nhà.

Theo ông, tâm lý của người Việt Nam là muốn ở nhà riêng, nên nhu cầu với thị trường bất động sản rất lớn. "Kinh tế Việt Nam không ảnh hưởng quá nhiều bởi Covid-19, Chúng ta không nhìn vào Covid-19 mà để buồn và thấy ảm đạm mà phải nhìn vào tương lai với tâm thế tích cực", ông Dũng nói.

Nói về tương lai của ngành BĐS, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: "Dù là nói trong hội trường lớn hay ở quán café, luôn tin tưởng về thị trường. Từ trước đến nay, dù đã trải qua nhiều khủng hoảng, tôi vẫn lạc quan và vượt qua khủng hoảng 2008 - 2013 với kết quả tích cực".

Vị doanh nhân này cũng cho rằng, BĐS không lý do gì mà trầm lắng và không lạc quan. Theo ông Quyết, bây giờ là thời điểm vàng để những người từ tích lũy ít đến đầu tư lớn mua BĐS giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn.

Ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhắc lại giai đoạn 2009 - 2010, thời điểm BĐS nhiều khó khăn hơn, khan hiếm tiền, thanh khoản, nợ xấu gia tăng, hệ thống ngân hàng gần như sụp đổ, gần như không có giao dịch BĐS. Nhưng từ 2014, thị trường địa ốc hứng khởi dần dần. "Vậy thì không có lý do gì thị trường không vượt qua Covid-19", vị chuyên gia lạc quan.

Các phân khúc BĐS hiện chia thành 3 nhóm: liên quan đến nhà ở, BĐS thương mại (bán lẻ, phân phối, logistics) và BĐS công nghiệp. Ở nhóm BĐS công nghiệp, hiện cả nước có 550 KCN, đang hoạt động khoảng 326, trong đó lấp đầy là khoảng 60%.

Ông Thành nhận định, về chính sách và pháp lý, hiện Nhà nước đã có nhiều hỗ trợ các DN BĐS giãn, hoãn thuế, các gói hỗ trợ về gia hạn tiền thuế và thuê đất, hiện kiến nghị miễn giảm thuế phí, đang trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Về pháp lý hay các luật, nghị định, hiện có Nghị định 20 chống chuyển giá cũng là tín hiệu tốt.

Đồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh - đại diện Deloitte một lần nữa khẳng định, xu hướng BĐS là rất lạc quan. Trong đó, cùng với các phân khúc như nhà ở, văn phòng, BĐS công nghiệp "sẽ là điểm rất sáng" vì xu hướng dịch chuyển sản xuất, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chiến lược "Trung Quốc +1". "Trước đây, nếu như đầu tư BĐS hướng đến ưu đãi, thuế, giảm giá đất, thì ngày nay BĐS cần sự kết nối hạ tầng đầy đủ, gồm logistics, năng suất lao động, công nghiệp phụ trợ. Hiện Việt Nam đang có bao nhiêu phần?", bà Thanh nói.

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng tin rằng, trong ngắn hạn hết năm nay sẽ có khởi sắc nhưng khá thấp vì hiện có nhiều kênh đầu tư tốt hơn. Người dân tâm lý vẫn chờ BĐS xuống giá. Tuy nhiên BĐS vẫn có cơ hội từ dân số trẻ, nhu cầu nhà ở nhiều, mức sống người dân tăng cao. Riêng BĐS du lịch là kênh có tốc độ tăng giá nhanh nhất.

Trong đó, ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng giám đốc Eurowindow cũng tin rằng trong nguy có cơ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay Covid-19 đều tiềm ẩn cơ hội và thách thức. Đơn cử như Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang một cách ồ ạt tạo nên làn sóng đầu tư BĐS công nghiệp. Từ đó, thị trường sẽ có sự sàng lọc tự nhiên, loại bỏ những DN BĐS yếu kém.

Dưới góc nhìn của nhiều DN, thị trường BĐS hậu Covid-19 vẫn còn nhiều điểm sáng, đặc biệt là BĐS công nghiệp. Bằng tâm thế tích cực này, trong thời gian tới, các chính sách sẽ dần hoàn thiện hơn, đây là điều kiện thuận lợi để DN BĐS "rộng đường" phát triển.

Huyền Lê

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load