Sau 5 năm làm việc, một kỹ sư xây dựng thường có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, không ít kỹ sư chỉ mất 2 - 3 năm sau khi ra trường để có mức lương 2.000 USD.
Mỗi năm, ngành xây dựng ở Việt Nam cần 400.000 - 500.000 lao động (Ảnh: T.S). |
Chia sẻ tại Ngày hội tuyển dụng tại TPHCM mới đây, TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thông tin, mỗi năm ngành xây dựng ở Việt Nam cần 400.000 - 500.000 lao động. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động làm việc trong ngành xây dựng vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12 - 13 triệu người.
Ông Dũng nhận định, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không thể cạnh tranh khi đấu thầu các dự án trong và ngoài nước
"Nhiều công trình lớn ở nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát và vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp… ", TS Đặng Việt Dũng thông tin thêm.
Cùng bàn về vấn đề trên, Kỹ sư Ngô Văn Mẫn (chuyên gia xây dựng tại TPHCM) cho rằng, thời gian qua, ngành xây dựng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong đào tạo chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực trong thời đại 4.0.
Hiện nay, tỷ lệ nhân lực ngành xây dựng qua đào tạo ở Việt Nam đạt khoảng 65%. Tuy vậy, chất lượng các kỹ sư mới ra trường chưa thực sự đạt "chuẩn quốc tế" nên bị thua thiệt nhiều với nhân sự nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhân sự ngành xây dựng chưa đáp ứng được kỳ vọng (Ảnh: T.S). |
Ông Mẫn cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mức thu nhập của sinh viên ngành xây dựng khi mới ra trường còn thấp. Chính mức thu nhập chưa hấp dẫn nên nhiều sinh viên chưa thực sự đầu tư vào chất lượng chuyên môn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
"Sinh viên mới ra trường thu nhập chỉ 5 - 7 triệu đồng/tháng, nếu chăm chỉ đi công trường thì thu nhập vẫn chỉ ở mức 10 triệu đồng/tháng. Do đó, nhiều kỹ sư vừa học chuyên môn vừa học thêm một nghề "tay trái" để tăng thu nhập", ông Mẫn khẳng định.
Phân tích thêm về mức thu nhập của nhân sự ngành xây dựng, ông Mẫn cho rằng, không ít sinh viên sau khi ra trường 2, 3 năm đã có mức thu nhập 2.000 USD. Do vậy, sinh viên cần phải nhìn vào những khía cạnh tích cực để hoàn thiện bản thân.
"Để có thu nhập 2.000 USD, các kỹ sư xây dựng cần phải thật giỏi về chuyên môn, có kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, có tính kỷ luật cao trong công việc, giỏi tiếng Anh. Đặc biệt, phải làm trong các tập đoàn lớn hoặc được giao phụ trách những công việc quan trọng", ông Mẫn nói thêm.
Ông Jacobo Perez Polaino - Tổng giám đốc Sika Việt Nam (Ảnh: Q.P). |
Nhận định về nhân sự ngành xây dựng, ông Jacobo Perez Polaino - Tổng Giám đốc Sika Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi có đội ngũ nhân sự trẻ, năng động so với khu vực. Sau 29 năm doanh nghiệp này có mặt tại Việt Nam, nhân sự người Việt mỗi ngày một đông hơn, hiện chiếm khoảng 95%. 5% nhân sự nước ngoài là những vị trí thuộc Ban Giám đốc công ty.
"Tôi khẳng định nhân sự người Việt hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh với nhân sự nước ngoài. Tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực 4.0, Việt Nam cần đầu tư nâng cao chất lượng nhân sự, tập trung xây dựng nguồn nhân lực cạnh tranh từ việc đầu tư giáo dục", ông Jacobo Perez Polaino nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Sika Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng cần tự đào tạo, phát triển nhân sự tại chỗ. Cần phải xác định, người lao động là tài sản lớn nhất của công ty để có kế hoạch phát triển cho từng nhân viên và nâng cao chất lượng nhân sự.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội thảo và đào tạo cho sinh viên tại các trường đại học mà chúng tôi có quan hệ đối tác như Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải. Tôi nghĩ, những việc liên kết hỗ trợ sinh viên sẽ là tiền đề để người học hiểu rõ vai trò, vị trí của công việc mình sẽ đảm nhiệm để tự rèn luyện bản thân", Tổng giám đốc Sika Việt Nam nêu giải pháp.
Theo Xuân Hinh/Dantri.com.vn