(Xây dựng) - Trưởng thành từ thực tế, đội ngũ kỹ thuật toàn VICEM đã và đang khẳng định năng lực, phát huy thế mạnh với những đột phá, sáng tạo lớn.
Kiểm tra lại vòi đốt trước khi đốt lò. |
Thành công tiếp nối
22 giờ đêm ngày 28/3, trong làn sương mỏng của rét nàng Bân, công trường dự án cải tạo Calciner off - line kiểu downdraft của FCB sang dạng Calciner in - line tại VICEM Hoàng Mai vẫn nhộn nhịp, sáng đèn. Ánh lửa hàn lấp lánh; tiếng khoan cắt ầm ĩ, xua tan tĩnh mịch của đêm lạnh. Các phần việc còn lại được gấp rút hoàn thiện, kỹ sư kiểm tra lại lần cuối, công nhân dọn dẹp mặt bằng, di chuyển tháo giáo… Lãnh đạo đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu túc trực, đôn đốc.
22h30 phút đêm 28/3, sau 26 ngày dừng lò sửa chữa lớn, ngọn lửa lò rực đỏ ở lò quay được đốt lại trong niềm hân hoan của cán bộ, công nhân VICEM, VICEM Hoàng Mai và các nhà thầu. Với VICEM Hoàng Mai, đây là đợt sửa chữa lớn nhất, dừng lò lâu nhất sau hơn 20 năm hoạt động và là bước đột phá lớn thay đổi căn bản trong sản xuất của VICEM Hoàng Mai.
Ông Nguyễn Ngọc Tình - Phó Tổng Giám đốc VICEM Hoàng Mai vui mừng chia sẻ: Chúng tôi mong đợi giây phút này, thực sự rất vui mừng. Đây là dự án đầu tiên các kỹ sư VICEM tự làm chủ toàn bộ dự án, từ thiết kế, thi công, vận hành, không thuê chuyên gia, nên khối lượng công việc lớn, phần việc nhiều.
Lần đầu tại Việt Nam, các kỹ sư Việt tự cải tạo kinlhood; canciner. Đây là phần việc khó, liên quan nhiều đến công nghệ, vận hành và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả trong sản xuất. Thay đổi lấy gió sẽ thay đổi hệ thống động lực, thiết bị lớn, công nghệ phức tạp; di chuyển vị trí lấy nhiệt, thu hồi nhiệt ghi cuối ghi 1 sang kinlhood, chuyển về đầu lò; phải tính toán cân bằng nhiệt, vị trí lấy gió 3. Nhưng chúng tôi quyết tâm thiết kế, thi công, cải tạo lại kinlhood và đã thành công.
Sau khi sấy lò 36 tiếng, đủ nhiệt độ yêu cầu, đúng 14h 08 phút ngày 30/3, VICEM Hoàng Mai cấp liệu trở lại. 15h30 phút cùng ngày, mẻ clinker đầu tiên ra ghi, đánh dấu thành công của dự án.
Lò được đốt trở lại trong niềm hân hoan của tập thể cán bộ, công nhân VICEM. |
Kết tinh trí tuệ tập thể
Phải nhấn mạnh rằng, dự án cải tạo Calciner và tháp trao đổi nhiệt ở VICEM Hoàng Mai là kết tinh trí tuệ tập thể VICEM; đó là sự ủng hộ, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, của lãnh đạo Tổng Công ty và VICEM Hoàng Mai, đứng đầu là Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh; là nỗ lực đêm ngày của đội ngũ kỹ thuật Tổng công ty, VICEM Hoàng Mai và đai diện kỹ thuật của VICEM Bút Sơn, VICEM Hải Phòng, VICEM Bỉm Sơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hải - Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty cho biết, VICEM đã cử đội ngũ kỹ thuật của Tổng Công ty trực tiếp chỉ đạo, giám sát dự án cải tạo tại VICEM Hoàng Mai. Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty VICEM phối hợp với VICEM Hoàng Mai thiết kế công nghệ; thiết kế thiết bị; lên phương án lắp đặt; giám sát nhà thầu chế tạo thiết bị tại hiện trường. Đồng thời, lên phương án thiết kế dầm thép thay dầm bê tông, để đỡ calciner; giám sát lắp đặt; chỉ đạo công tác chạy thử, vận hành, hoàn thiện.
Ông Nguyễn Văn Chảng - Trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty VICEM chia sẻ: Thành công của dự án đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc từ thực tế của đội ngũ kỹ thuật toàn VICEM, gây tiếng vang lớn trong ngành và VICEM tự tin và hoàn toàn làm chủ công nghệ, cải tạo chiều sâu dây chuyền cũ. “Theo chỉ đạo của Đảng uỷ, Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc VICEM, cán bộ VICEM sẽ tự thực hiện các dự án cải tạo tiếp theo, không thuê tư vấn nước ngoài. Trong tình hình giá nguyên nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là than, tăng cao như hiện nay, dự án cải tạo đã và đang phát huy tác dụng, chứng minh hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường” - ông Chảng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới sáng tạo
Tiếp nối thành công, trong giai đoạn 2021 - 2025, VICEM tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đổi mới, sáng tạo, bám sát các chỉ tiêu theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020; đặc biệt đẩy mạnh xử lý chất thải và tro, xỉ, thạch cao nhân tạo làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Đối với các đơn vị đáp ứng các điều kiện xử lý chất thải để thay thế nguyên, nhiên liệu theo quy định, phấn đấu đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng.
Nghiên cứu các sản phẩm clinker và xi măng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo (đá vôi, sét), giảm phát thải ra môi trường và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt, thu hồi triệt để nhiệt không hữu ích để tối ưu và giảm giá thành sản xuất. Nghiên cứu sản xuất các chủng loại xi măng mác cao, xi măng bền sun phát cung cấp cho công trình biển.
Khát vọng kinh tế tuần hoàn, trước mắt tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; biến xi măng thành ngành kinh tế tổng hợp để giải quyết các vấn đề môi trường cho đất nước đang được VICEM và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện quyết liệt. Hiện đại hóa ngành Xi măng cần tỷ lệ kỹ sư cao hơn công nhân, bởi hầu hết các công đoạn sản xuất đều điểu khiển tự động, ít sử dụng lao động trực tiếp. Với 16 dây chuyền, 7 thương hiệu, 10 nhà máy, VICEM trở thành doanh nghiệp đi đầu đổi mới sáng tạo trong ngành Xi măng; đội ngũ kỹ thuật VICEM bắt kịp trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới. VICEM đang dẫn đầu và phát huy thế mạnh, xứng đáng là doanh nghiệp trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam, hướng tới sản xuất xanh, bền vững.
Vũ Huyền - Anh Đức
Theo