(Xây dựng) - Đến Công ty CP Xi măng VICEM Hoàng Mai những ngày cuối tháng 3, nhà máy trở thành công trường khi đang dừng lò sửa chữa, cải tạo lớn, sau hơn 20 năm hoạt động. Công trường nhộn nhịp, thi công 24/24 giờ, tiếng máy cắt, khoan, máy hàn... sôi động ngày đêm.
Công nhân tập trung làm việc. |
Quyết liệt đổi mới sáng tạo
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, giải quyết “nút thắt” trong dây chuyền công nghệ được VICEM và các đơn vị thành viên triển khai quyết liệt, hiệu quả. Nếu như cải tạo ở VICEM Bút Sơn, dây chuyền 3 nhà máy xi măng VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, thì ở VICEM Hoàng Mai, việc cải tạo Calciner off - line kiểu downdraft của FCB sang dạng Calciner in - line, hoàn toàn do VICEM Hoàng Mai tự làm; dưới sự hỗ trợ tích cực của VICEM và các đơn vị thành viên.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó tổng giám đốc Công ty CP MIS - 1 trong 3 nhà thầu thi công dự án - cho biết: Là ngành đặc thù, dừng lò là thiệt hại kinh tế, chi phí đốt lại lò rất cao (khoảng 2 - 3 tỷ trở lên, tuỳ quy mô công suất), nên đợt sửa chữa này được VICEM Hoàng Mai tận dụng hiệu quả, các nhà thầu tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ.
Hiện trên công trường có hơn 300 công nhân, chia ca thi công liên tục 24/24 giờ, đảm bảo bám sát tiến độ, đưa công trình về đích đúng hẹn. Trong quá trình thi công, các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư giải quyết triệt để nên an toàn lao động và chất lượng công trình, tiến độ được đảm bảo.
“Khó khăn duy nhất mà chúng tôi gặp phải đó là dịch bệnh. Có giai đoạn đỉnh điểm, vài chục công nhân cùng nhiễm Covid -19, trong đó có cả tôi, gây khó khăn cho thi công. Được sự tạo điều kiện và giúp đỡ của chủ đầu tư, chúng tôi được sắp xếp khu cách ly riêng cho công nhân nhiễm Covid -19. Họ được nghỉ ngơi, điều trị. Nhờ đó mà sức khoẻ nhanh chóng phục hồi, sớm quay lại làm việc” - ông Huy cho biết.
Báo cáo với lãnh đạo VICEM về tiến độ công trình, đại diện nhà thầu nhấn mạnh: Hiện công việc sắp hoàn thành và đáp ứng tiến độ. Sau ngày 28/3 là tháo giáo và đến 29/3, VICEM Hoàng Mai sấy lò và hoạt động trở lại để clinker tiếp tục ra lò vào đầu tháng 4.
Kiểm tra trực tiếp tại công trường, ông Lê Hữu Hà - Phó tổng giám đốc VICEM hoan nghênh, ghi nhận sự nỗ lực của VICEM Hoàng Mai và các nhà thầu thi công. “Cần lưu ý xử lý hộp giảm tốc và móng, các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công cần xử lý triệt để, để vận hành an toàn, đảm bảo các thông số kỹ thuật. Thành công của dự án là tiền đề để các kỹ sư của VICEM tự tin triển khai các dự án tiếp theo” - ông Hà nhấn mạnh.
Khác biệt và thách thức
Ông Nguyễn Ngọc Tình - Phó tổng giám đốc VICEM Hoàng Mai cho biết: Lò nung VICEM Hoàng Mai là lò quay khô, 3 bệ, công nghệ FCB Pháp, năng suất 4.000 tấn clinker/ngày. Sau hơn 20 năm vận hành, thiết bị đã lạc hậu. Nhiều năm trước, VICEM Hoàng Mai lên chương trình cải tiến, cải tạo lò nung nhưng do kinh phí, cộng với thời gian dừng lò dài nên lãnh đạo VICEM và VICEM Hoàng Mai rất cân nhắc.
Giờ là thời điểm thuận lợi bởi 4 năm qua, các đơn vị thành viên trong VICEM đã cải tạo hệ thống lò nung thành công là VICEM Bút Sơn, VICEM Hải Phòng, VICEM Hoàng Thạch. Thành công và kinh nghiệm của các đơn vị là động lực để VICEM Hoàng Mai triển khai dự án.
Nhiều hạng mục được đẩy nhanh tiến độ. |
“Điều khác biệt và cũng là thách thức với VICEM Hoàng Mai đó là dự án đầu tiên trong VICEM không thuê tư vấn, thiết kế, giám sát từ các chuyên gia nước ngoài; không mua thiết bị từ nước ngoài; tất cả đều do các kỹ sư trong nước thực hiện và thiết bị được nội địa hoá 100%. Nếu thuê chuyên gia tư vấn thiết kế, giám sát hết 1 triệu USD. Tiến độ đặt ra rút ngắn 3-5 ngày” - ông Tình cho biết.
Được sự hỗ trợ của Phòng kỹ thuật Tổng công ty, VICEM Bút Sơn cộng kiến thức thực tiễn của VICEM Hoàng Mai; các kỹ sư của VICEM đã đưa ra mô hình thiết kế mô phỏng; sau đó chia 2 giai đoạn thực hiện.
Năm 2021, VICEM Hoàng Mai thực hiện giai đoạn 1, đó là tập trung các công việc đơn giản, nội địa hoá ở Việt Nam, chuyển một phần ghi BMH cũ sang IKN; tăng năng suất và thu hồi bụi sau tháp; tăng làm mát để thu hồi nhiệt. Tháng 3/2021, giai đoạn 1 hoàn thành đã giúp VICEM Hoàng Mai tăng năng suất 100 - 150 tấn clinker/ngày, tương đương tăng 5 - 7%; tiêu hao nhiệt giảm 15 kcal/kg clinker so với năm 2020; nhiệt độ khí thải ra khỏi tháp trao đổi nhiệt giảm 25 -30 độ so với trước cải tạo; hiệu suất thu hồi nhiệt ghi làm lạnh đạt 70,5%.
Bước ngoặt với VICEM Hoàng Mai
Tiếp nối thành công giai đoạn 1, VICEM Hoàng Mai triển khai giai đoạn 2, tập trung cải tạo Calciner, tháp trao đổi nhiệt; vị trí lấy nhiệt gió 2, 3… Theo ông Tình, giai đoạn 2 thực hiện cải tạo chuyên sâu, bảo dưỡng, bảo trì, thay thế thiết bị công nghệ, từ khai thác đá vôi đến vận chuyển clinker lên si lô, sấy lò…
“Chúng tôi rà soát, đánh giá toàn bộ, lên sơ đồ tính toán tổng thể rồi cụ thể từng bu lông, ốc vít… Dưới sự hỗ trợ và chỉ đạo quyết liệt của Tổng công ty; VICEM Hoàng Mai quyết tâm, nỗ lực. Chúng tôi tính toán động lực học, khí động lực; chia các nhóm để làm; nhóm cơ khí, động lực học, công nghệ, công trình rồi khớp nối với nhau, tạo thành hệ thống nhịp nhàng” - Phó tổng giám đốc VICEM Hoàng Mai chia sẻ.
Thiết kế cơ khí và thiết kế công nghệ đều do VICEM Hoàng Mai tự làm. Việc cải tạo thay đổi hoàn toàn thông số, công nghệ, đòi hỏi kiểm soát thông số sau cải tạo, VICEM Hoàng Mai tự thiết kế và hiện tính toán trên toàn hệ thống đã đáp ứng tốt.
Thành công trong dự án cải tạo ở VICEM Hoàng Mai mở ra bước ngoặt mới cho VICEM nói chung và VICEM Hoàng Mai trong kiểm soát thiết bị công nghệ; tự thay thế thiết bị và công nghệ; không phụ thuộc nước ngoài; giúp tăng năng suất lò nung; giảm tiêu hao nhiệt điện và giảm phát thải; sử dụng hiệu quả các nhiên liệu thay thế, đặc biệt là rác thải công nghiệp.
Thảo Nguyên
Theo