(Xây dựng) - Xe đầu kéo, xe có trọng tải lớn chở cát vượt trạm cân, hoạt động xuyên đêm suốt sáng, náo loạn cả khu dân cư, gây hư hỏng đường sá, ảnh hưởng đến môi trường, an toàn giao thông, cá biệt hơn là có dấu hiệu khai thác cát vượt trữ lượng. Thế nhưng, chính quyền huyện Krông Pa và ngành chức năng tỉnh Gia Lai không có biện pháp xử lý triệt để, đã để sai phạm tái diễn thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài tại mỏ cát của Công ty Cổ phần Xây dựng Tây Nguyên Gia Lai. Vụ việc đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Sáu tàu hút cát và nhiều máy móc thiết bị phục vụ khai thác khoáng sản tại mỏ cát Tây Nguyên. |
Nhiều sai phạm
Ngày 27/3/2018, UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần Xây dựng Tây Nguyên Gia Lai được khai thác cát xây dựng bằng phương pháp lộ thiên, mỏ cát thuộc xã Chư Gu và xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai (gọi tắt là Mỏ cát Tây Nguyên). Diện tích khu vực khai thác 6ha; trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế và khai thác 173.000 m3/17 năm; công suất khai thác 10.000m3 cát xây dựng nguyên khối/năm. Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm (quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật Khoáng sản).
Xe chở đầy cát không che đậy, vượt trạm cân. Ngành chức năng tỉnh Gia Lai có biết hay đã “đi đêm” với doanh nghiệp? |
Tuy nhiên theo người dân ở buôn Chư Bang, mỏ cát Tây Nguyên có quá nhiều sai phạm nhưng chính quyền địa phương tỏ ra “bất lực”? Để tìm hiểu rõ hơn, Phóng viên Báo điện tử Xây dựng có mặt tại hiện trường nhiều ngày đêm trong tháng 11 và tháng 12 năm 2023 và ghi nhận thực tế đang diễn ra đúng với nội dung phản ánh của người dân.
Tại khu vực khai thác có 6 tàu nằm dưới sông, hoạt động hết công suất để hút cát lên bờ. Chủ mỏ cho dùng nhiều máy đào cỡ lớn múc cát lên thùng xe đầu kéo, xe ben chở cát đi tiêu thụ cả ngày và đêm. Đặc biệt, đoàn xe chở đầy cát không cho xe lên cân, thường xuyên chở cát xuyên đêm đến sáng, không chấp hành thời gian hoạt động theo quy định.
Một trong sáu con tàu hút cát. |
Theo tính toán của đại diện một doanh nghiệp chuyên khai thác cát, công suất của 6 tàu hút cát với tần suất cao, ước tính mỗi ngày khai thác khoảng 6.000m3 cát. Và lưu lượng hàng chục chuyến xe trọng tải lớn vận chuyển cát ra khỏi mỏ cũng đủ để chứng minh rằng, mỏ cát Tây Nguyên chỉ khai thác 2 ngày là đã đạt khoảng 12.000m3, vượt trữ lượng được khai thác trong một năm. Với trữ lượng cho phép mỏ cát Tây Nguyên khai thác 10.000m3/năm thì mỗi ngày chỉ được khai thác hơn 30m3 cát, tương đương với gần 2 chuyến xe ben Howo 4 chân.
Xe chở cát được chất đầy, có ngọn cao hơn thành thùng. Khả năng cao là khai thác vượt trữ lượng. |
Như vậy, mỗi năm Công ty Cổ phần Xây dựng Tây Nguyên Gia Lai “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản của Nhà nước là bao nhiêu m3 cát? Và thu lợi bất chính là bao nhiêu tiền? Câu hỏi này xin dành riêng cho chính quyền huyện Krông Pa và ngành chức năng tỉnh Gia Lai.
Không chỉ có nguy cơ gây thất thoát nguồn tài nguyên, từng ngày đêm, đoàn xe chở cát có dấu hiệu quá khổ quá tải đã làm hư hỏng nặng đường giao thông của thôn Chư Bang và tuyến Quốc lộ 25, gây mất an toàn giao thông, khói bụi gây ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự.
Xe đầu kéo từ trong mỏ cát Tây Nguyên ra Quốc lộ 25 gây cản trở và nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông. |
Tối ngày 9/12, Phóng viên có mặt tại khu vực mỏ cát Tây Nguyên và chứng kiến trong 15 phút có tới 5 chuyến xe đầu kéo và xe ben tấp nập chở cát ra khỏi mỏ, lưu thông theo Quốc lộ 25 về hướng Đăk Lăk, Phú Yên và Pleiku. Thống kê sơ bộ mỗi ngày đêm có hàng chục chuyến xe chở cát ra khỏi mỏ, mỗi xe có khối lượng từ trên 10m3 đến 60m3 cát.
Từng đoàn xe đầu kéo chở cát ra khỏi mỏ trong đêm, bất chấp quy định cấm hoạt động ngoài giờ. |
Ngành chức năng có buông lỏng quản lý?
Theo người dân ở khu vực gần mỏ cát Tây Nguyên, đoạn đường qua Buôn Chư Bang, xã Chư Gu là tuyến đường dân sinh, nhưng Công ty Cổ phần Xây dựng Tây Nguyên Gia Lai sử dụng để vận chuyển cát. Con đường này được đấu nối với Quốc lộ 25. Năm năm trở lại đây, lượng xe ra vào khu mỏ cát ngày càng nhiều, mỗi ngày đêm có hàng chục chuyến đến gần một trăm chuyến xe chở cát. Phần lớn đều là xe tải trọng lớn, xe đầu kéo đã cày nát con đường nông thôn trước đây được đổ bê tông khang trang, sạch đẹp. Hiện tại, đường đã xuống cấp nghiêm trọng, chủ mỏ cát đã cho rải đá và đổ đất nhưng tình trạng lỗ chỗ “ổ gà, ổ voi” ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì lầy lội trơn trượt.
Đường bê tông nông thôn của buôn Chư Bang mỗi ngày đêm phải “cõng” hàng chục chuyến xe chở cát quá khổ, có dấu hiệu quá tải nên bị biến dạng, hư hỏng nặng. |
Bức xúc trước tình trạng hoạt động ngoài giờ quy định của mỏ cát và xe trọng tải làm hư hỏng đường sá, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực mỏ, một người dân sống gần khu vực mỏ cát cho biết: “Các xe chở cát hoạt động cả ngày lẫn đêm, khiến khu vực quanh đây khi nào cũng trong tình trạng khói bụi, ồn ào, ô nhiễm và làm mất giấc ngủ của chúng tôi. Mỗi lần các cháu nhỏ ra ngoài chơi tôi đều đi theo nhắc nhở vì sợ xe chở cát va chạm, bởi đường thì nhỏ hẹp mà toàn loại xe rất lớn, nhiều tài xế chạy rất ẩu. Người dân đã nhiều lần phản đối và đưa ra ý kiến trong các buổi họp dân về những ảnh hưởng nặng nề của hoạt động khai thác cát đối với cuộc sống hàng ngày, nhưng không thấy lực lượng chức năng có thẩm quyền ngăn chặn”.
Hoạt động khai thác cát rầm rộ của các tàu hút cát cũng khiến một người dân khác ở buôn Chư Bang, xã Chư Gu lo lắng “Nhà mình có đất canh tác gần khu vực mỏ cát, vào mùa mưa lũ, mình cũng lo ngại hoạt động khai thác cát có thể ảnh hưởng gây sạt lở. Chúng tôi ý kiến nhiều lần và sau đó họ cam kết không chở cát bằng xe đầu kéo, xe trọng tải lớn. Nhưng thực tế bây giờ chủ yếu chở cát bằng xe đầu kéo đi qua đường của buôn Chư Bang”.
Trả lời phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hồ Văn Thảo - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “Đã nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Tây Nguyên Gia Lai. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của người dân sau những buổi tiếp xúc cử tri. Đồng thời, buộc doanh nghiệp phải làm đường 10m nội đồng phía bên xã Chư Drăng để thay thế cho việc đi vào đường dân sinh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhiều lần tôi đi thể dục lúc 4 giờ sáng cũng thấy xe chở cát từ mỏ ra và có chỉ đạo xử lý”.
Trả lời phỏng vấn, ông Phạm Minh Trung - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai khẳng định: “Sở chưa nắm được việc xe chở cát vượt trạm cân, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay các hoạt động tại mỏ cát Tây Nguyên”.
Để nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, Cục Thuế tỉnh Gia Lai và UBND huyện Krông Pa có trách nhiệm trả lời cho dư luận biết, nhiều năm qua công tác quản lý Nhà nước đối với mỏ cát Tây Nguyên được thực hiện như thế nào? Đã làm hết trách trách nhiệm hay chưa? Các số liệu qua cân điện tử và giám sát camera tại mỏ cát Tây Nguyên có được truyền dữ liệu về hệ thống quản lý của ngành hay không? Tại sao người dân phản ánh nhiều lần về sai phạm tại mỏ cát nhưng không xử lý?
Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động khai thác và vận chuyển của mỏ cát Tây Nguyên:
Bá Tứ
Theo