Thứ bảy 27/04/2024 00:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kiểm soát chất lượng xây dựng bảo đảm phòng cháy chữa cháy

16:34 | 16/12/2021

(Xây dựng) - Thời gian qua, với sự tăng cường kiểm soát về chất lượng xây dựng, kiểm soát về các yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì về cơ bản, tình hình cháy nổ trong các công trình xây dựng đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn.

kiem soat chat luong xay dung bao dam phong chay chua chay
Kiểm tra công tác PCCC tại chung cư.

Thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn

Cho đến nay, Quy chuẩn liên quan PCCC đã được điều chỉnh, cho phù hợp với công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng và sự phát triển của ngành xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho người khai thác, sử dụng theo đúng công năng thiết kế của công trình. Hệ thống các tiêu chuẩn về PCCC cũng thường xuyên được Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, xây dụng, ban hành cơ bản đầy đủ.

Tuy nhiên, do thực tế phát triển của ngành xây dựng trong những năm gần đây, một số công trình được đầu tư xây dựng trên 150m, nhiều hơn 3 tầng hầm đã hoặc đang chuẩn bị đầu tư xây dựng chưa có quy định cụ thể về PCCC; các công trình nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích sử dụng khác không thuộc phạm vi áp dụng của các quy chuẩn hiện hành và chưa có các tiêu chuẩn phù hợp. Vì vậy, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện và sớm ban hành trong thời gian tới.

Đối với việc xử lý các đối tượng công trình không đảm bảo an toàn về PCCC

Đối với các công trình tồn tại trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực, thời gian qua Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp bổ sung. Các giải pháp này đã được Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an để xem xét, nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương từng bước áp dụng. Về lâu dài, Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương có lộ trình cải tạo, chỉnh trang đô thị để từng bước giải quyết triệt để các vấn đề này.

Đối với các công trình xây dựng không đáp ứng các yêu cầu về PCCC được xây dựng sau năm 2001: Các công trình xây dựng từ năm 2013 phải được cơ quan cảnh sát PCCC nghiệm thu về PCCC, được cơ quan chuyên môn về xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng... Tuy nhiên, cá biệt vẫn còn một số Chủ đầu tư không tuân thủ các quy định về PCCC.

Đối với các công trình này, cần giao cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời yêu cầu Chủ đầu tư tổ chức khắc phục các tồn tại.

Về vấn đề quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ PCCC

Đối với các công trình chung cư, theo quy định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm vận hành, bảo trì công trình (trong đó có hệ thống PCCC) được giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Tuy nhiên, mô hình này đang hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định. Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP trong đó đã quy định rõ trách nhiệm bảo trì công trình của Chủ đầu tư, Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh quy định của pháp luật về Nhà ở theo hướng quy định rõ quyền, trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư trong việc vận hành, bảo trì công trình (trong đó có hệ thống PCCC); khuyến khích sử dụng mô hình thuê các công ty chuyên nghiệp quản lý, vận hành công trình để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường việc kiểm tra thực hiện bảo trì công trình của các Chủ đầu tư, Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình, Ban quản trị nhà chung cư nhằm giảm thiểu nguy cơ về cháy, nổ.

Về quản lý, giám sát việc lắp đặt hệ thống, thiết bị điện

Tại một số công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, các công trình cải tạo nhà ở, chuyển đổi công năng do chủ nhà tự tổ chức thực hiện, công tác đảm bảo an toàn lao động chưa được chú trọng. Bộ Xây dựng cũng đang soát xét Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng, trong đó có cập nhật các yêu cầu về đảm bảo an toàn cháy trong thi công trên công trường.

Về công tác đảm bảo quy hoạch PCCC

Về hành lang kỹ thuật đã sửa đổi, bổ sung; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế hệ thống cấp nước, trong đó có hệ thống cấp nước PCCC đã đầy đủ và cơ bản đáp ứng yêu cầu… Tuy nhiên, nhiều khu đô thị cũ được xây dựng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực không đảm bảo các quy định của các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về an toàn cháy cho công trình… Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đối với các khu vực đô thị cũ. Về lâu dài, Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương có lộ trình cải tạo, chỉnh trang đô thị để từng bước giải quyết triệt để vấn đề này.

Về tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra

Trong quá trình thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng, các tồn tại, khiếm khuyết trong công tác PCCC được phát hiện đều đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tổ chức khắc phục.

Trong những năm gần đây, không xảy ra trường hợp, cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư khi công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Một số trường hợp chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa công trình vào khai thác, sử dụng được cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng thông báo tới đơn vị chức năng của Bộ Công an để phối hợp xử lý…

Những đề xuất, kiến nghị

Hệ thống hệ thống văn bản QPPL về quản lý xây dựng, PCCC cơ bản đầy đủ và đồng bộ; hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được hoàn thiện, cơ bản phủ kín các lĩnh vực là công cụ hữu hiệu để quản lý về công tác PCCC tại các công trình xây dựng. Sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong công tác PCCC thường xuyên và có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác PCCC hiệu quả, Bộ Xây dựng kiến nghị:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng các công trình, đảm bảo các yêu cầu về PCCC thông qua kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác cấp phép quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng và PCCC. Tăng cường phối hợp trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng với thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng với kiểm tra nghiệm thu về PCCC nhằm phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành.

Có chế tài xử lý vi phạm và yêu cầu khắc phục các điều kiện đảm bảo PCCC đối với các công trình được xây dựng từ lâu (trước giai đoạn Luật PCCC năm 2001) nhưng không đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Tăng cường xử phạt các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng các công trình xây dựng nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế điều chỉnh, thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC.

Nghiên cứu lộ trình trong việc cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về đảm bảo an toàn PCCC. Tăng cường, bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC cho các khu dân cư hình thành từ lâu đời nhưng không đáp ứng được các điều kiện về PCCC theo quy định hiện hành.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2015 đến năm 2019, trên cả nước đã xảy ra khoảng 17.844 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông cơ giới và cháy rừng. Trong đó, cháy nổ tại các cơ sở là 7.445 vụ, số vụ cháy nhà dân là 7.850 vụ; số vụ cháy ở thành thị chiếm khoảng 55,5% số lượng các vụ cháy.

Bảo Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load