Thứ hai 06/05/2024 06:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích

11:41 | 10/04/2023

(Xây dựng) – Khu đô thị Nam An Khánh từng được quảng bá là “thiên đường cuộc sống” của huyện Hoài Đức. Dù đã xây dựng xong phần thô từ lâu, nhưng tới nay khu đô thị này vẫn vắng bóng người vào ở. Điều này gây nên sự lãng phí về tài nguyên đất, hạ tầng một cách nghiêm trọng, nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự nảy sinh.

Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích
Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) trong khung cảnh không bóng người, tiêu điều, nhếch nhác.

Tìm hiểu được biết, Dự án được khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích xây dựng gần 190ha, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, nơi đây có 4 phân khu chính là khu hỗn hợp, khu hồ lớn, khu hồ nhỏ và khu mở rộng. Các sản phẩm có đủ các hạng mục như biệt thự đơn lập, song lập, liền kề, nhà vườn, shophouse, chung cư các loại, diện tích từ 133 - 884m2. Sau 15 năm, dự án vẫn còn dang dở, chưa đồng bộ về hạ tầng. Một vài phân khu đã xây dựng xong, nhiều dãy nhà đã hoàn thành phần thô từ nhiều năm trước nhưng không thể hoàn thiện hẳn và chưa có người vào ở.

Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích
Dự án mới chỉ hoàn thiện phần thô, đến nay vẫn vắng bóng và bỏ hoang.

Thực trạng cho thấy khu vực này chưa được hoàn thiện về hạ tầng, dịch vụ tiện ích xung quanh vẫn còn đang thiếu thốn, đặc biệt là vấn đề an ninh chưa được quản lý chặt chẽ. Những yếu tố khách quan trên khiến người có nhu cầu mua khá ái ngại khi tiếp cận với Nam An Khánh.

Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích
Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích
Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích
Với mức đầu tư hàng trăm tỷ nhưng đến nay những căn biệt thự này chỉ để cho cỏ dại mọc um tùm gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.

Đến đầu năm 2009, trước bối cảnh thị trường nhà đất phía Tây Hà Nội lao dốc, thị trường địa ốc đóng băng, dự án Khu đô thị Nam An Khánh cũng lâm cảnh dở dang do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Năm 2014, chủ đầu tư Sudico đã hợp tác với Techcom Development (thuộc Techcombank) và trong năm 2015, tiếp tục ký phụ lục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Techcom Development với giá trị chuyển nhượng tăng thêm gần 900 tỷ đồng (tổng giá trị hợp đồng là 2.100 tỷ đồng). Sudico cũng đã chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất HH2D với giá trị hợp đồng là 263 tỷ đồng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho MB với giá trị hợp đồng 203 tỷ đồng.

Như vậy, dư luận đặt câu hỏi, liệu vấn đề tài chính có đang là trở ngại khiến cho dự án “chững” quá lâu?

Để có thông tin khách quan tới bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với phía chủ đầu tư Sudico Sông Đà. Đại diện chủ đầu tư cho biết: Nguyên nhân dự án chậm tiến độ nhiều năm bởi lẽ, Dự án Nam An Khánh được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư là dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, thời gian từ năm 2004 – 2008. Tuy nhiên, đến năm 2007, tỉnh Hà Tây (cũ) mới chính thức giao đất cho Sudico. Như vậy, phải sau gần 3 năm kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sudico mới được bàn giao đất. Tính chất của dự án là vừa giao đất, vừa giải phóng mặt bằng, vừa đầu tư xây dựng. Do đó, ngay sau khi được giao đất, Sudico đã thực hiện vừa giải phóng mặt bằng đến đâu vừa làm hạ tầng đến đó. Tại thời điểm đó công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn. Với phương án khắc phục, Chủ đầu tư chủ trương vận động từng bước, hỗ trợ cho người dân trong quá trình di dời, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng giải phóng mặt bằng và địa phương để người dân đồng thuận.

Hiện nay, khi dự án bị bỏ hoang dẫn đến việc người lao động sinh sống tại các biệt thự kéo theo hệ luỵ nghiêm trọng về an sinh xã hội và gây khó khăn trong công tác quản lý của trật tự xã hội địa phương. Bên cạnh đó, một số khu nhà liền kề bỏ hoang được một số cá nhân sử dụng để làm kho bãi hoặc nhà ở cho công nhân. Những công nhân lấy vải bạt che cửa, xây tạm bể nước sinh hoạt, quây tôn làm nhà vệ sinh, phơi quần áo ngay cửa ra vào.

Trước thực trạng này, đại diện Sudico cũng khẳng định: Đây là những lao động được các chủ nhà tự cho thuê, cho mượn vào ở. Việc kiểm tra, quản lý và có các biện pháp xử lý thuộc về chính quyền địa phương, không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Tuy nhiên, Ban Quản lý của Chủ đầu tư Sudico đã chủ động phối hợp, thường xuyên giao bảo vệ dự án nhắc nhở người lao động thực hiện khai báo cư trú theo quy định.

Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích
Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích
Mối nguy hiểm về an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ tại những biệt thự này.
Khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội): Loạt công trình hoang tàn như phế tích
Trên một vài website, giá biệt thự tại Nam An Khánh được rao bán ở mức giá 23-30 tỷ đồng. Nhưng một vài khu vực dự án vẫn chỉ nằm trong tình trạng là lạnh lẽo và có hiện tượng xuống cấp theo thời gian.

Theo tìm hiểu được biết, dự án Khu đô thị Nam An Khánh cũng thường xuyên được điểm danh là một trong những dự án bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.

Về vấn đề trên, đại diện Sudico có giải thích: Do thời gian qua thị trường bất động sản trầm lắng, nên nhiều khách hàng đầu tư biệt thự chỉ giữ đất, chờ chuyển biến tích cực của thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng một số căn biệt thự bỏ hoang, gây mất mỹ quan chung của dự án. Hiện tại, trong dự án có tồn tại một số công trình do chủ đầu tư cấp 2 thực hiện, chỉ dừng lại ở dạng xây thô, không hoàn thiện mặt ngoài gây mất mỹ quan đô thị. Với vai trò chủ đầu tư cấp 1, Sudico thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư cấp 2 có phương án hoàn thiện mặt ngoài đảm bảo thống nhất về thông số, chỉ tiêu kiến trúc và màu sắc đồng bộ tổng thể chung dự án.

Khách quan để thấy, nếu dự án bỏ hoang, không đưa vào sử dụng chứng tỏ năng lực hoạt động đầu tư không hiệu quả, không đúng đối tượng. Điều này ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống xã hội của người dân. Để tránh gây lãng phí tài nguyên đất và đảm bảo an sinh xã hội, đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thanh kiểm tra, rà soát, đánh giá lại năng lực của chủ đầu tư và sớm có biện pháp xử lý.

Thảo Phương – Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load