(Xây dựng) - Từ tháng 8/2020, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành kết luận kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công Dự án đường cất hạ cánh số 2 tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Theo kết luận kiểm toán, UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan đã có nhiều sai sót, tồn tại, hạn chế cần phải chấn chỉnh trong công tác quản lý dự án, đồng thời phải làm rõ, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể. Tuy nhiên, đến nay nhiều nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện dứt điểm.
Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh (Ảnh: N.N). |
Nhiều sai phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư
Dự án đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh (dự án) được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 21/01/2015 với tổng mức đầu tư được duyệt là gần 1.936 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện dự án trong 36 tháng.
Theo báo cáo kiểm toán ngày 3/8/2020 của Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII, trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải có văn bản thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về trách nhiệm quyết định đầu tư dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng không thực hiện việc lập, phê duyệt chủ trương đầu tư để đủ điều kiện đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 theo danh mục quy định tại Phụ lục số 04, Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, dự án được duyệt không thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là không đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án - thiết kế cơ sở còn nhiều sai sót: UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt dự án lần đầu, trong hồ sơ thiết kế cơ sở đã tính toán kết cấu đảm bảo chất lượng cho công trình, tuy nhiên đến khi phê duyệt điều chỉnh dự án đã điều chỉnh kết cấu, điều này đã làm tăng giá trị giai đoạn 2 của dự án hơn 112 tỷ đồng?
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, dự toán gói thầu, dự toán điều chỉnh một số định mức chưa đủ cơ sở để lập dự toán hơn 63,040 tỷ đồng, trong đó: 55,18 tỷ đồng định mức bảo dưỡng bêtông xi măng bằng chất tạo màng, 7,86 tỷ đồng định mức phá dỡ kết cấu bêtông đường cất hạ cánh cũ. Điều này cho thấy, công tác khảo sát, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán - dự toán gói thầu chưa thực hiện việc khảo sát, đánh giá đầy đủ các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn để có sự so sánh đơn giá tại hiện trường phục vụ cho công tác lập dự toán.
Điều đáng nói ở đây, tại dự toán gói thầu kiểm toán, mặc dù Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiểm tra và có kết luận, nhưng Chủ đầu tư vẫn trình UBND tỉnh để điều chỉnh tăng giá dự toán gói thầu kiểm toán từ 1,829 tỷ đồng lên 3,061 tỷ đồng.
Kiến nghị xử lý tài chính hơn 74,7 tỷ đồng
Có thể nói, trong quá trình quản lý, triển khai dự án đường cất hạ cánh số 2, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan còn nhiều sai sót, hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến tính kinh tế của dự án. Việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng, đơn giá trong quá trình lập dự toán, hợp đồng, nghiệm thu thanh toán còn chưa chặt chẽ, nghiệm thu thanh toán khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu làm tăng chi phí đầu tư 52,274 tỷ đồng (trong đó: Sai khối lượng, đơn giá, định mức 4,571 tỷ đồng; thanh toán khi chưa đủ cơ sở 47,703 tỷ đồng) và sai sót trong giá trị hợp đồng còn lại hơn 22,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án này là công trình giao thông thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải, việc ngân sách tỉnh bố trí 900 tỷ đồng chi trả cho dự án này là không đúng nhiệm vụ chi theo nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn vốn, trái với quy định tại Luật Ngân sách năm 2002. Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan tham mưu.
Bên cạnh đó, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa phải chịu trách nhiệm chính về việc thẩm định, phê duyệt dự toán không phát hiện các sai sót làm tăng giá trị gói thầu được duyệt; ký kết hợp đồng kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán sau thời điểm Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiểm tra và kết luận.
Đường cất hạ cánh số 2 được đưa vào khai thác từ tháng 5/2019 (Ảnh: N.N). |
Khánh Hòa chậm thực hiện nhiều kiến nghị của kiểm toán
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 74,7 tỷ đồng, trong đó: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 2,275 tỷ đồng, giảm thanh toán 2,296 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng còn lại 17,645 tỷ đồng và giảm khác 52,528 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm điểm các tập thể, cá nhân trong việc không thực hiện việc lập chủ trương đầu tư để đủ điều kiện đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn; chỉ đạo cơ quan thanh tra làm rõ việc tham mưu điều chỉnh dự án - thiết kế cơ sở làm tăng chi phí giai đoạn 2 số tiền hơn 112 tỷ đồng; kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc bố trí ngân sách tỉnh 900 tỷ đồng chi trả cho dự án không đúng nhiệm vụ chi.
Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2020 đến nay, nhiều nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện dứt điểm. Ngày 29/7/2021, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII đã có văn bản tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa “Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cụ thể: Không tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa; tham mưu, trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 không đúng với tình hình nguồn vốn của dự án; bố trí ngân sách tỉnh 900 tỷ đồng để chi trả cho dự án là không đúng nhiệm vụ chi; không tổ chức thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối theo Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ”. Đồng thời, kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 1,7 tỷ đồng theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo các cơ quan của địa phương thực hiện và báo cáo đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Mới đây, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ có giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, xử lý dứt điểm các kiến nghị chưa được thực hiện. Đồng thời, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa hoặc không thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Vì vậy, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, UBND tỉnh Khánh Hòa cần có sự quyết liệt, kịp thời trong việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Phi Long
Theo