Bộ Giao thông Vận tải tỏ rõ sự sốt ruột khi kế hoạch khởi công các gói thầu của dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đã chưa thể thực hiện theo đúng tiến độ.
Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến đường giao thông miền núi. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Khẳng định đã có nhiều văn bản yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay Ban Quản lý dự án 2 mới thực hiện xong việc lựa chọn nhà thầu của 5/11 gói thầu xây lắp, dẫn đến công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu cho dự án chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, việc phối hợp giải trình với nhà tài trợ mất nhiều thời gian.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 tăng cường nhân sự tổ chuyên gia đấu thầu có đủ năng lực, trình độ; chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp, giải trình làm việc với nhà tài trợ ADB để được chấp thuận các kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu và các thủ tục khác liên quan đến điều kiện trao thầu.
Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông Vận tải về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo đúng quy định pháp luật về đấu thầu của Việt Nam.
Về tiến độ triển khai dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện tại, 5/11 gói thầu (XL01, XL05, XL06, XL08, XL09) đang được triển khai với sản lượng đạt khoảng hơn 5%, cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
Theo kế hoạch, 4 gói thầu tiếp theo gồm XL02, XL03, XL04, XL10 dự kiến sẽ triển khai thi công vào cuối tháng 9/2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Hai gói thầu còn lại là XL07 và XL11 dự kiến sẽ được ký hợp đồng với nhà thầu trong tháng 10/2022 để triển khai thi công.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.
Dự án có tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia là gần 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 43,5 triệu USD.
Quy mô của dự án gồm 2 tuyến bao gồm, tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội-Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội-Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)