Thứ hai 16/12/2024 08:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Khai thác nước ngầm quá mức vùng Đồng bằng sông Cửu Long

10:36 | 26/11/2019

(Xây dựng) - Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố có tổng diện tích hơn 3,9 triệu ha. Với điều kiện thuận lợi, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là một trong những đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản đứng đầu Việt Nam mà còn lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên hiện nay, với tình hình khai thác nước dưới đất với quy mô lớn tại một số vùng ben biển như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đã làm giảm mực nước ngầm, gây ô nhiễm cũng như gây mặn nguồn nước.

khai thac nuoc ngam qua muc vung dong bang song cuu long
Nếu quản lý tốt việc khai thác nước từ dưới lòng đất thì tốc độ sụt lún vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ được giảm thiểu trong thời gian tới (Nguồn: Internet).

Thực tế cho thấy, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn nước dưới đất vượt trội hơn so với nhiều nước khác do tính chất phân bố rộng rãi, trữ lượng lớn, không bị hạn chế bởi tính chất mùa thu và được bảo vệ một cách tự nhiên khỏi ô nhiễm. Nhưng hiện tại, việc khai thác nguồn nước dưới đất đang làm gia tăng sụt lún nền đất tại đây.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) cho biết, dù ở khu vực đô thị hay nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì sụt lún đất đều có xu hướng tiếp tục với cùng cấp độ như những năm qua. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tuổi địa chất còn rất trẻ, chỉ khoảng 6.000 năm và sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình hình thành nên đồng bằng và mức độ sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích do các cơn lũ mang lại hàng năm. Do đó, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu rõ hơn tại sao xảy ra hiện tượng sụt lún đất cũng như những chiến lược ứng phó, trong đó việc khẩn cấp cần làm ngay là phải giảm nhẹ và thích ứng với sụt lún.

Theo ông Andreas Renck - đại diện Viện Liên bang Các khoa học trái đất và Tài nguyên thiên nhiên (BGR), hình ảnh từ vệ tinh của EU cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long đang bị chìm xuống trung bình với mức độ khoảng 11 mm/năm. Đặc biệt, ở một số nơi, tốc độ sụt lún diễn ra nhanh hơn so với mực nước biển dâng, có thể lên đến 50 mm/năm. Đáng chú ý, hiện tượng này đang ngày càng diễn ra nhanh hơn. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này thì đời sống, sinh kế của hàng chục triệu dân trong khu vực sẽ bị đe dọa, trong đó nghiêm trọng nhất vẫn là người dân sống tại các khu vực ven biển.

Đặc biệt, những dữ liệu và thông tin nguồn nước dưới đất đóng vai trò trọng tâm trong quá trình ra quyết định, từ thiết kế chính sách đến các khía cạnh thực hiện như cấp phép khai thác, thẩm định sự tuân thủ các quy định của pháp luật… cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn thiếu và cần sớm được khắc phục.

Đồng quan điểm trên, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất đang rất phân tán, không đồng bộ, không thống nhất để có khả năng kết nối, liên thông, tích hợp gây nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Bên cạnh đó, công tác công bố, công khai còn chưa được chú trọng.

Nếu thông tin, dữ liệu tài nguyên nước dưới đất được tích hợp đầy đủ, được cập nhật liên tục theo thời gian thực và kết quả phân tích, dự báo… thì sẽ căn cứ khách quan và khoa học phục vụ lập chiến lược, quy hoạch, hoạch định chính sách, từ đó sẽ có vai trò quyết định tiên quyết cho sự phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, độ lún trung bình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2cm mỗi năm, nơi có độ lún lớn nhất là ở bán đảo Cà Mau. Nguyên nhân được chỉ ra chính là do tầng đất mặt dưới sâu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là lớp cát trong khi đó nền đất thì 80% là đất yếu nên chỉ việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông cũng đã xuất hiện lún. Cùng với đó, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm bị khai thác cũng là nguyên nhân chính của sụt lún.

Đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích và khoảng 19% dân số của Việt Nam. Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách và triển khai các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này. Đặc biệt là Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững khu vực này.

Nhưng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức bởi khu vực này rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất. Khai thác nước ngầm là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng sụt lún đất. Do vậy, nếu quản lý tốt việc khai thác nước từ dưới lòng đất thì tốc độ sụt lún nhờ đó có thể sẽ được giảm thiểu trong thời gian tới…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load