(Xây dựng) - Việc tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu tại Việt Nam được coi là điều tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới gặp biến động mạnh bởi đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị và sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng truyền tải và lưu trữ chưa đồng bộ vẫn là rào cản lớn, gây ra tình trạng quá tải ở một số khu vực và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng mới.
Toàn cảnh Diễn đàn “Nhân diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam". |
Vì vậy, để thu hút các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng, sáng ngày 17/10/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức diễn đàn: "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam". Chương trình có sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đồng hành cùng với Diễn đàn
Tại diễn đàn, các diễn giả cùng nhau thảo luận, hướng đến mục tiêu phân tích các xu hướng mới nổi, xác định các thách thức tiềm ẩn và đưa ra những giải pháp thiết thực, giúp Việt Nam không chỉ ứng phó mà còn tận dụng những cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: "Sau COP26, chúng ta đã thấy các cam kết quốc gia và doanh nghiệp ngày càng tăng đối với quá trình phi carbon hóa và tính bền vững của môi trường, đặc biệt là về sử dụng năng lượng cho các hoạt động và chuỗi cung ứng. Phong trào toàn cầu này đang đẩy nhanh đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và các tài sản khác để tạo ra một hệ thống điện phi carbon hóa như một xương sống cốt lõi của nền kinh tế năng lượng carbon thấp trên toàn thế giới".
Việc chuyển đổi này không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra cơ hội đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. |
Để đạt được tầm nhìn dài hạn, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Việt Nam cần triển khai một chiến lược phát triển nhằm hạn chế phát thải carbon và hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050, phù hợp với xu thế toàn cầu. Ngoài lợi ích môi trường, chiến lược này cũng hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả kinh tế vượt trội so với lộ trình phát thải cao.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách định hướng, tiêu biểu như Nghị quyết số 55-NQ/TW năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 888/QĐ-TTg năm 2022 về các nhiệm vụ triển khai cam kết COP26, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Quyết định số 500/QĐ-TTg năm 2023 đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh rằng quá trình này đòi hỏi không chỉ quyết tâm chính trị của các quốc gia mà còn cần sự phối hợp toàn diện giữa các bên liên quan. Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển đóng vai trò tiên phong, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ cho các quốc gia đang phát triển, giúp họ có đủ nguồn lực và năng lực để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện chuyển đổi năng lượng bền vững.
Các chính sách khuyến khích đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, giúp công suất lắp đặt năng lượng tái tạo chiếm khoảng 30% tổng công suất quốc gia.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đều có chung một nhận định, tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu chính là một xu hướng không thể đảo ngược đối với Việt Nam. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để quốc gia nắm bắt và vươn lên trong nền kinh tế năng lượng tái tạo.
Kiến Tài
Theo