(Xây dựng) – Giai đoạn 2021-2024 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 117.893 tỷ đồng, bằng 108,4% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025 được giao (kế hoạch giao 108.798 tỷ đồng). Trung bình, mỗi ngày Quảng Ngãi thu ngân sách gần 81 tỷ đồng, lọt top đầu những địa phương có số thu cao nhất nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất góp tỷ trọng lớn vào số thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. |
Tỉnh nhỏ nhưng thu lớn
Là tỉnh lẻ, nhưng nhiệm vụ quan trọng này luôn được Quảng Ngãi đặt lên hàng đầu, luôn bám sát chỉ đạo và tận dụng những lợi thế sẵn có để nỗ lực thực hiện, số thu hàng năm đều vượt dự toán được giao.
Riêng năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước của Quảng Ngãi ước đạt hơn 29.500 tỷ đồng, vượt 15,5% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt hơn 17.700 tỷ đồng, bằng 95,2% dự toán do HĐND tỉnh giao.
Số liệu khả quan trên được Quảng Ngãi hoàn thành trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cũng như nhiều biến động, thách thức xảy đến trong tỉnh, trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi luôn lắng nghe, quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh. |
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, có nhiều khoản thu trong năm 2024 đạt cao so với kế hoạch. Đó là thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đóng trên địa bàn 10.474 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh Quảng Ngãi giao.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11.788 tỷ đồng, đạt 151,5%, trong đó Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đóng 7.669 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn hơn 2.900 tỷ đồng.
Hòa Phát đóng góp 7.669 tỷ đồng thông qua hoạt động xuất nhập khẩu cho Quảng Ngãi. |
Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng thu được 810 tỷ đồng từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ công nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh hơn 3.740 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân hơn 615 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khoản thu đạt thấp so với dự toán cấp trên giao, nhất là thu tiền sử dụng đất chỉ đạt hơn 405 tỷ đồng, bằng 15,6% dự toán được giao. Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, các khoản thu đạt thấp là do thị trường bất động sản trầm lắng, các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không có người tham gia đấu giá.
Thị trường trầm lắng, các dự án bất động sản gặp vướng mắc khiến nguồn thu từ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gặp khó. |
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quảng Ngãi xác định sẽ gặp nhiều thách thức để duy trì mạch tăng trưởng, thu ngân sách. Nhất là những tháng đầu năm, việc biến động đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp tỉnh và tinh thần làm việc của một số cán bộ, công chức còn cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm. Từ đây ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, dân số hơn 1,24 triệu người, bao gồm 13 đơn vị hành chính cấp huyện. Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2023 gần 127.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 hơn 101 triệu đồng/năm.
Quảng Ngãi sở hữu nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kết nối liên vùng; nhưng kết cấu hạ tầng địa phương chưa được đầu tư đồng bộ. |
Dù luôn dẫn đầu miền Trung về thu ngân sách, thường xuyên lọt top đầu những địa phương có số thu cao của cả nước; nhưng Quảng Ngãi “hưởng” thành quả chưa tương xứng, nguồn lực bố trí để tái đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương chưa theo kịp tốc độ phát triển, không phản ánh đúng mức độ đóng góp của địa phương. Cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng nhà đầu tư và người dân chắp vá, không đồng bộ; công tác duy tu sửa chữa không kịp thời dẫn đến hư hỏng và xuống cấp, làm phát sinh nhiều hệ luỵ, giảm sức hút của Quảng Ngãi trong mắt nhà đầu tư và kìm hãm phát triển.
Năm 2025, Trung ương giao dự toán cao kỷ lục
Năm 2025 được tỉnh Quảng Ngãi xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định; là năm có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đề ra.
Do đó, Quảng Ngãi đã chủ động dự lường những cơ hội, thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen mà địa phương phải vượt qua trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Năm 2025, Trung ương giao dự toán thu ngân sách cao kỷ lục cho Quảng Ngãi. |
Trong đó, việc Trung ương giao dự toán thu năm 2025 cho tỉnh lên đến 31.950 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với các năm và tăng 25,7% so với dự toán giao năm 2024 (25.420 tỷ đồng), vượt 8,3% so với kết quả thực hiện năm 2024; trong khi giá dầu trên thị trường thế giới đang giảm so với dự toán giá dầu Trung ương giao (80 USD/thùng). Đây là mục tiêu phấn đấu, nhưng cũng là áp lực để địa phương thực hiện hoàn thành chỉ tiêu.
Giá dầu trên đà giảm được dự báo sẽ gây áp lực cho kế hoạch thu ngân sách năm 2025 của Quảng Ngãi. |
Cùng với đó, mấy năm trở lại đây thị trường bất động sản trên địa bàn Quảng Ngãi trầm lắng, các dự án bất động sản trong và ngoài ngân sách đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, nên khả năng trong năm 2025 triển khai chậm, thu tiền sử dụng đất dự kiến đạt thấp.
Ngoài ra, dự báo nguồn thu của một số doanh nghiệp có khả năng đạt thấp, như: Thu từ Nhà máy bia Dung Quất; tiền cấp quyền trả tiền một lần, thuế thu nhập cá nhân từ các Công ty Happy Furniter, Hòa Phát, Doosan; thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Millennium, Điện GE, VSIP; tiền cấp quyền khu vực biển. Cũng như hạ tầng để thu hút đầu tư còn hạn chế,.. sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và thu hút đầu tư phát triển trong năm của tỉnh.
Lê Danh
Theo