(Xây dựng) - Dựa trên kết quả về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; căn cứ dự báo thời cơ, thuận lợi và hạn chế cũng như thách thức, Quảng Ngãi đã chủ động xây dựng và lựa chọn phương án tăng trưởng năm 2025 để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang. |
Theo đó, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh Quảng Ngãi với các chỉ tiêu chủ yếu sau:
Ước tính giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khoảng 3,5%; sản lượng dầu dự kiến khoảng 7 triệu tấn (bằng năm 2022), sản lượng thép dự kiến khoảng 6,8 triệu tấn (trong đó, dự kiến Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với kế hoạch đi vào vận hành chạy thử dây chuyền 1 vào đầu năm 2025 với sản lượng khoảng 1,33 triệu tấn, bằng 50-60% của sản lượng dự kiến khoảng 2,336 triệu tấn).
Đầu năm 2025, dây chuyền 1 của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ đi vào hoạt động. |
Với giả định này thì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5 - 8,5%. GRDP bình quân đầu người khoảng 4.710 USD; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 71-72%; trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 46-47%;
Năng suất lao động xã hội tăng 7,5 - 8,5%; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 38.000-39.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%. Đồng thời thực hiện đạt dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao về thu ngân sách Nhà nước; phấn đấu vượt chỉ tiêu giao 5%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,21%; trong đó, miền núi giảm 11,07%, đồng bằng giảm 0,35%.
Tỷ trọng đóng góp của dầu, thép quyết định đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 là hết sức nặng nề; phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ, đó là phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đặt ra.
Năm 2025, Trung ương giao dự toán thu cho Quảng Ngãi cao nhất từ trước đến nay. |
Chính vì vậy, không tự mãn với những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục nỗ lực, đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt trong hành động; phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường; đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra.
Nhìn lại năm 2024 để thấy rằng, bên cạnh các cơ hội và thuận lợi, tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; nhất là trong những tháng đầu năm, với những biến động trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, phần nào đã tác động đến tâm tư, tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Đầu năm 2024, Quảng Ngãi đối mặt với biến động lớn trong đội ngũ lãnh đạo. |
Trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Vượt qua khó khăn, Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội. |
Cụ thể, trong năm 2024, Quảng Ngãi đã thực hiện đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, trong đó, có 9 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 4,07%, vượt kế hoạch đề ra; khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP; GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.460 USD/người. Thu ngân sách vượt chỉ tiêu Trung ương giao (15,5%), ước đạt hơn 29,5 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 đạt 39 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2023.
Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức sôi nổi, cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, các hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức dưới nhiều hình thức; hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại như kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến giao thương được thực hiện thường xuyên. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện.
Lê Danh
Theo