(Xây dựng) - Chiều 11/12, Học viện Tài chính phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về chủ đề “Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo là diễn đàn để ngành Hải quan trao đổi, thảo luận tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hàng hóa, xuất khẩu nhập khẩu của cơ quan hải quan các cấp và góp phần tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đồng chí Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính đồng chủ trì Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo. |
FTA cơ hội lớn cho nền kinh tế phát triển
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do nhiều tầng nấc. Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có độ mở rất lớn với chỉ số kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu so với GDP những năm gần đây luôn ở khoảng 200%.
Tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có tất cả các nước phát triển, các nước thuộc nền kinh tế mới nổi và các nước trong khu vực, như: AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP, CPTPP, UKVFTA, RCEP, EVFTA… Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đàm phán ký kết thành công các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và RCEP) với những đặc trưng là: Các cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ hơn; mở rộng cam kết sang cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm Chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…
Cùng với quá trình thực thi các FTA thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2012 là 1.036 tỷ USD thì trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2021 là 4.110 tỷ USD, gấp 4 lần của 10 năm trước đó. Kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 là 681,1 tỷ USD, gấp 6 lần so với bình quân năm giai đoạn 2002 – 2012 và tăng khoảng 50% so với bình quân năm của giai đoạn 2013 - 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2024 đã là 681,14 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của năm 2023.
TS. Nguyễn Đình Chiến, Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính báo cáo tham luận về “Tác động của thực thi các hiệp định thương mại tự do đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam”. |
Sự gia tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu còn là sự đa dạng hóa về các loại hình thương mại và các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử với hàng nghìn sàn thương mại điện tử đã làm khối lượng đơn hàng giá trị nhỏ xuất khẩu, nhập khẩu gia tăng ở mức độ vô cùng lớn trong vài năm gần đây. Chỉ tính riêng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam qua sàn thương mại điện tử mỗi ngày trung bình có khoảng 4 đến 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ. Những điều này tạo ra áp lực và thách thức rất lớn đòi hỏi phải đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cả về phương thức quản lý, công nghệ quản lý và con người thực thi nhiệm vụ quản lý thuế.
Cải cách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Tính đến nay, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết nhiều FTA và quá trình thực thi các FTA này đã mang lại các cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng thông qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài... Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi các FTA cũng phát sinh những thách thức, khó khăn trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như các doanh nghiệp nói riêng.
Ông Vũ Văn Hải, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ngãi phát biểu tại Hội thảo. |
Việc thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã và đang có tác động nhiều mặt, cả tích cực và những thách thức đối với nhiều lĩnh vực kinh tế như: thương mại quốc tế, đầu tư trong nước và nước ngoài. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội và hạn chế được những khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, cần nhận diện rõ cơ hội và thách thức mà việc thực thi các FTA đặt ra. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần có những giải pháp cần thiết để Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế từ các FTA trong phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý và các đại biểu đã thảo luận làm rõ nhiều nội dung về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA ở Việt Nam như: Bối cảnh, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ảnh hưởng đến việc ký kết và thực thi các FTA cũng như quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Tác động của việc thực thi các FTA đến thương mại và đầu tư của Việt Nam; Những điều kiện thuận lợi và những thách thức của việc thực thi các FTA đối với công tác quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA; Đánh giá thực trạng quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh thực thi các FTA, trong đó làm rõ thực trạng quản lý thuế đối với từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu cũng như thực trạng thực hiện các nghiệp vụ hải quan trong quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Đề xuất các giải pháp quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA ở Việt Nam, trong đó làm rõ các giải pháp về chính sách, về điều kiện công nghệ, chuyển đổi số, về con người và về kỹ thuật, nghiệp vụ cho phù hợp với điều kiện thực thi các FTA.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Thực tế cho thấy, FTA thế hệ mới là bước phát triển mang tính đột phá của các hiệp định thương mại tự do, vượt qua giới hạn của FTA truyền thống cả về phạm vi cam kết lẫn mức độ yêu cầu thực thi, đồng thời mang lại nhiều cơ hội cho thương mại nội ngành và quản lý thuế tại Việt Nam. Việc tận dụng những cơ hội này đòi hỏi phải có một chiến lược quản lý thuế linh hoạt, hiệu quả, đồng thời khắc phục những thách thức còn tồn tại để đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Ngày 20/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 624/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Một trong sáu yêu cầu và quan điểm phát triển Hải quan Việt Nam là: “Phát triển Hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả; thực thi đầy đủ, toàn diện các cam kết quốc tế về thuế xuất nhập khẩu, hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã ký kết; ứng phó hiệu quả với các thay đổi liên quan tới các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. |
Như Ý
Theo