Thứ tư 08/05/2024 09:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hồi âm bài báo “Yên Bái: Một công trình hàng trăm tỷ của Tổng Liên đoàn lao động đang trở thành “phế tích””

20:45 | 08/04/2019

(Xây dựng) - Báo Xây dựng nhận được Văn bản số 462/TLĐ ngày 4/4/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phản ánh “Báo điện tử Xây dựng đăng bài phản ánh thiếu chính xác về Khách sạn du lịch Công đoàn Thác Bà (Yên Bái)”. Công văn do ông Nguyễn Minh Dũng – Trưởng Ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký.

Sau khi nghiên cứu văn bản, đối chiếu với bài báo viết, Báo Xây dựng có ý kiến như sau:

Thứ nhất, vì không có hồ sơ thiết kế nên tác giả bài báo không rõ tên gọi khu nghỉ dưỡng này là gì, xin được thống nhất gọi tên chính xác như văn bản là “Khách sạn du lịch Công đoàn Thác Bà”. Do khách sạn cũng chưa xếp hạng vì vậy chúng tôi cũng xin không gọi khu vực này là “khu nghỉ dưỡng cao cấp”.

Thứ hai, bài báo viết “với hàng trăm ha đất” đây là sai sót lỗi chính tả, thực chất là “hàng ha đất” chúng tôi xin lỗi và được đính chính, chính xác như văn bản của Tổng Liên đoàn là diện tích khách sạn thực quản lý là 33.841m2 (3,38ha).

Thứ ba, bài báo viết: Nếu tính kinh phí đầu tư trong giai đoạn hiện nay phải tốn hàng trăm tỷ đồng. Nhưng theo công văn: Theo quyết định bàn giao là 2.853.000.000 đồng (hai tỷ tám trăm năm mươi ba triệu đồng) nguyên giá tài sản cố định là 4.058.000.000 đồng (bốn tỷ không trăm năm mươi tám triệu đồng). Văn bản cũng đã nêu ngày 05/10/2012, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyết định số 1507/TLĐ về việc đồng ý giao cho Liên đoàn Yên Bái bán Khách sạn du lịch Công đoàn Thác Bà và sau khi thuê đơn vị thẩm định giá thì giá khởi điểm để đấu giá là 7.093.000.000 đồng (bảy tỷ không trăm chín mươi ba triệu đồng).

Báo Xây dựng cho rằng bài báo nêu “hàng trăm tỷ đồng” là con số ước lệ, được tính theo đơn giá thị trường hiện nay là có cơ sở khoa học và nếu tranh cãi về con số này thì chưa có lời kết, con số đó chỉ được khẳng định khi toàn khu vực Khách sạn du lịch Công đoàn Thác Bà được công khai đấu giá với giá thời điểm hiện nay kể cả 3,38ha đất thì giá khởi điểm để đấu giá không phải là 7 tỷ và giá trúng thầu sẽ là con số khẳng định về giá trị của khu khách sạn này.

Xin nói thêm, đây là mảnh đất đắc địa để xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng bên cạnh hồ Thác Bà được khách du lịch đánh giá như một “Hạ Long trên cạn”. Trên khu đất hiện nay còn 7 hoặc 8 dãy nhà 2 tầng. Nó sẽ trở thành một “khu nghỉ cao cấp” thật sự sau khi được một nhà đầu tư tu bổ cải tạo. Một vấn đề khác, sau khi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái, lãnh đạo tỉnh cho biết xưởng nghiền đá bên cạnh khách sạn hiện nay không có trong quy hoạch và sẽ được di chuyển khi khu nghỉ dưỡng này được cải tạo, chỉnh trang đưa vào hoạt động.

Kính thưa ông Nguyễn Minh Dũng – Trưởng Ban Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo công văn ông ký, ông cho rằng: Công trình Khách sạn du lịch Công đoàn Thác Bà như bài báo đề cập đang trong giai đoạn xử lý theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, không như bài báo nêu. Công trình này Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa vào đề án sắp xếp lại theo hình thực bán doanh nghiệp và đã được phê duyệt tại thông báo 406-TB/TW ngày 31/12/2010 của Ban Bí thư Trung ương…

Như vậy, công trình này đã bỏ trống 9 năm với một quy trình xử lý quá dài kể từ khi có Quyết định của Ban Bí thư Trung ương như ông nêu là phù hợp?

Chúng tôi cho rằng, những từ ngữ viết trong bài báo, tác giả không có ý xúc phạm đến tổ chức, các nhân nào. Nếu có sự bức xúc thì đây là bức xúc của nhân dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cũng như của toàn thể nhân dân tỉnh Yên Bái và tác giả trước một thực trạng thiếu trách nhiệm với đồng vốn của Nhà nước mà điều đó là không thể chấp nhận được. Nếu ông cho rằng giá trị khu này không phải hàng trăm tỷ mà chỉ là 4 tỷ hoặc 7 tỷ giá khởi điểm thì cá nhân ông và những người có trách nhiệm sẽ chịu trách nhiệm ít hơn sao?

Bạn đọc Báo Xây dựng vẫn tiếp tục đề nghị ông và những người có trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải thực sự cầu thị và thấy hết trách nhiệm của mình trong việc để lãng phí tiền của đất nước và nhân dân gần chục năm qua. Vấn đề này đã được quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Cụ thể, Điều 78: Xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại (Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí).

Khoản 2: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì bị xử lý như sau:

a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành;

b) Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Để khẳng định việc đúng, sai trong nội dung bài báo, Báo Xây dựng cho rằng cần có một cơ quan thanh, kiểm tra độc lập công khai công bố kết quả cho nhân dân được biết.

Báo Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load