(Xây dựng) – Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 4662/BXD-GĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng về Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ Xây dựng đã ban hành Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (Ảnh: Internet). |
Để đảm bảo hoạt động thi công xây dựng thích ứng an toàn và linh hoạt với dịch Covid-19, Bộ Xây dựng có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện 2 nội dung quan trọng: Một là tổ chức phổ biến cho các cơ quan, tổ chức và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn triển khai, áp dụng “Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Hai là tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện Hướng dẫn nêu trên của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần lập tức phản hồi về Bộ Xây dựng để kịp thời giải quyết. Đáng chú ý, “Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” ban hành kèm Văn bản số 4662/BXD-GĐ ngày 10/11/2021 sẽ thay thế cho “Hướng dẫn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19trên công trường xây dựng” ban hành kèm theo Văn bản số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 của Bộ Xây dựng.
Về phạm vi áp dụng, Hướng dẫn tạm thời này áp dụng cho hoạt động thi công xây dựng công trình trên lành thổ Việt Nam, bao gồm cả hoạt động sản xuất vật tư, vật liệu, cấu kiện đúc sẵn tại công trường.
Đối tượng áp dụng là chủ đầu tư, chủ quản lý, sử dụng công trình; các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trên công trường: khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng, thi công xây dụng, cung ứng vật tư…; các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ có liên quan đến hoạt động thi công xây dựng tại công trình và người lao động làm việc trên công trường thuộc thẩm quyền quản lý của các tổ chức nêu trên.
Theo đó, tất cả những tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng của Hướng dẫn này đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế, các Bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương về phòng, chống dịch Covid-19.
Người lao động cần Kế hoạch phòng chống dịch của Ban chỉ đạo công trường và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân (Ảnh: Internet). |
Trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động xây dựng
Ngoài yêu cầu chung về phòng, chống dịch Covid-19, Hướng dẫn của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và người lao động nhằm đảm bảo hoạt động thi công xây dựng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trong đó, chủ đầu tư cần thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19trên công trường, gồm để thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19trên công trường trước khi thi công và định kỳ trong quá trình thi công xây dựng; căn cứ kết quả đánh giá, thực hiện các biện pháp khắc phục các tồn tại (nếu có) để quyết định việc tổ chức thi công xây dựng công trình; chấp thuận Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19trên công trường do các nhà thầu lập; Tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch trên công trường tương ứng với cấp độ dịch tại khu vực xây dựng công trình theo Kế hoạch…
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng phải làm việc cùng nhà thầu để xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin cho người lao động, và định kỳ, đột xuất giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Đối với các nhà thầu, trách nhiệm của họ là thành lập Tổ công tác phụ trách phòng, chống dịch Covid-19, hoặc Tổ an toàn Covid-19phù hợp với quy mô, đặc điểm, nhiệm vụ thi công trên công trường; lập Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19trên công trường, phổ biến, thực hiện Kế hoạch và thường xuyên kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhằm điều chỉnh phù hợp; phối hợp với chủ đầu tư và chính quyền địa phương để tiêm vắc-xin cho người lao động; định kỳ, đột xuất giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch để có phương án khắc phục các tồn tại (nếu có).
Đáng chú ý, chủ đầu tư và các nhà thầu của những công trình nhà ở riêng lẻ không cần thực hiện các trách nhiệm nêu trên, nhưng vẫn phải có Biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn cụ thể trong Hướng dẫn của Bộ Xây dựng ban hành kèm Văn bản số 4662/BXD-GĐ ngày 10/11/2021. Trong khi đó, người lao động có trách nhiệm tuân thủ Kế hoạch phòng chống dịch, quy định của Ban chỉ đạo và các quy định về phòng, chống dịch của đơn vị quản lý, của địa phương nơi cư trú, công tác; tuân thủ nguyên tắc 5K; sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thiết bị, dụng cụ y tế được cấp phát trên công trường; chủ động tự theo dõi sức khỏe, không giấu các biểu hiện nghi mắc Covid-19và hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường có những gì?
Theo Hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường sẽ bao gồm nội dung và các biện pháp cụ thể. Trong đó, nội dung của Kế hoạch cần phải có thông tin chung của công trường; phân công, quy định cụ thể người có trách nhiệm thực hiện, thời gian thực hiện, người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động thi công xây dựng; quy định về quản lý thông tin dịch tễ của người lao động, khách đến làm việc, giao dịch tại công trường; phương án tổ chức thi công xây dựng tại công trường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tương ứng với từng cấp độ dịch; phương án xử trí và bố trí khu vực cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có biểu hiện nghi mắc Covid-19, hoặc có ca mắc Covid-19và F1, F2; phương án tổ chức xét nghiệm, cách ly y tế…
Về các biện pháp cụ thể, Hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã nêu ra 14 biện pháp để áp dụng với 4 cấp độ dịch theo phân loại tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Trong đó, phạm vi đánh giá cấp độ dịch tại mỗi khu vực công trình xây dựng sẽ dựa theo phạm vi đánh giá cấp độ dịch quy mô cấp xã (hoặc dưới cấp xã) tại địa phương nơi công trình thi công xây dựng. Trường hợp công trình trải dài theo tuyến trên nhiều khu vực có các cấp độ dịch khác nhau, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng sẽ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với từng cấp độ dịch ở khu vực đó.
Dịch Phong (tổng hợp)
Theo