(Xây dựng) - Tại khu vực huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh hiện có hơn chục doanh nghiệp khai thác đá trên một vùng rải rác. Tuy nhiên, tổng sản lượng đạt rất thấp so với công suất đăng ký cấp phép. Điều đáng nói là tại sao người ta không cấp phép khai thác mỏ tập trung để giảm thiểu tác động xấu đến cảnh quan, môi trường và xã hội?
Một công trường khai thác, chế biến đá vôi tại Hoành Bồ.
Trong khi năm 2017 UBND tỉnh này vừa ra Quyết định 1423 phạt một chủ mỏ 270 triệu đồng vì khai thác vượt định lượng cho phép.
Con đường dân sinh “ oằn mình cõng đá” khiến những người dân dùng gỗ hoặc đồ vật ngăn cản xe chở đá ra vào.
Một số chủ mỏ đá tại khu vực đường vào trại giam thôn Đồng Vải, xã Thống Nhất, Hoành Bồ liên tục than vãn về sự chống đối của đồng bào dân tộc thiểu số vì có sự ảnh hưởng đến môi trường sống của họ.
Mặc dù con đường dẫn vào mỏ được doanh nghiệp bỏ tiền ra đổ bê tông nhưng người dân vẫn phản đối vì cho rằng đó là con đường phục vụ dân sinh chứ không phải phục vụ sản xuất vận chuyển đá.
Có lẽ khi cấp mỏ khai thác đá cho Cty Hòa Bình cơ quan chức năng đã chưa đánh giá đúng, đủ tác động môi trường đến trường tiểu học liền kề mỏ đá Hòa Bình này.
Trường tiểu học Đồng Vải nằm ngay gần mỏ đá của Cty Hòa Bình, giáo viên, học sinh thì cho rằng rất ảnh hưởng đến học tập như bụi, tiếng ồn và thậm chí nổ mìn nữa. Tuy nhiên, Cty khai thác thì nói là đã khắc phục rất tốt.
Mục sở thị thấy một số xe vận tải đá tại khu Đồng Vải được người ta cắt thùng khi đăng kiểm, sau đó cơi thùng trở lại để chở quá tải.
Mỏ đá của Trại giam do Cty CP Đông Hải Quảng Ninh hợp đồng khai thác cũng luôn luôn chịu sức ép ngăn cản vận chuyển của bà con. Trời mưa thì bùn đất lép nhép, lầy lội tại các con đường vào khu khai thác đá đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Trời nắng thì bụi mù là không thể tránh khỏi.
Ở một đoạn đường khác không khó khi bắt gặp cảnh xe tải dàn hàng ngang, ung dung chạy trên con đường lớp nhớp bùn, đất.
Rất mong các cấp chính quyền cấm hoặc ngừng việc cấp phép hình thành mỏ khai thác đá mới hoặc dừng cấp phép khi mỏ đã đáo hạn tại khu vực huyện Hoành Bồ. Khai thác ồ ạt, rải rác manh mún các mỏ đá có thể coi như là một sự phí phạm tài nguyên, xâm phạm môi trường và cuộc sống.
Lợi nhuận chủ mỏ nhận, còn lại phần của người dân bản địa là bùn, đất khi trời mưa và bụi bẩn khi trời nắng - một “ nét” đặc trưng tại những con đường dân sinh thôn Đồng Vải.
Đáng lẽ ngay từ đầu Quảng Ninh cần một quy hoạch vị trí khai thác các mỏ đá tập trung phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường xây dựng. Hình thức cấp phép dàn trải có thể giống như một sự xí chỗ, xí phần, khiến những doanh nghiệp đủ sức, đủ tầm không thể phát huy năng lực. Trong khi những doanh nghiệp nhỏ, lẻ lại có cơ hội ôm đồm giống như kiểu “ Rạm đón cửa ràng”.
Văn Nguyễn
Theo