(Xây dựng) - Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nơi lưu giữ các giá trị về văn hóa, kiến trúc độc đáo và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích tại Thủ đô Hà Nội.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích 18,395ha, bao gồm: Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như: Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.
Trong lịch sử, Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Đó chính là giá trị nổi bật và độc đáo của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Những giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long không chỉ thể hiện ở những di tích, di vật hiện hữu được phát lộ mà còn lắng đọng ở chiều sâu văn hóa phi vật thể và những giá trị tinh thần vô giá, được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bao gồm hai cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất của Việt Nam.
Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng di tích Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp đó năm 2010, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long càng khẳng định là niềm tự nào của nhân dân Thủ đô và cả nước, là sự vinh danh những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội. Đồng thời, mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị cho di sản.
Hiện nay, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một địa chỉ tham quan nổi tiếng của Hà Nội. Từ cổng 19C Hoàng Diệu, du khách tham quan đi qua sân Quảng trường Đoan Môn, đến thăm lầu Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, di tích Cách mạng D67, lầu Hậu Lâu, tiếp đó đi qua đoạn đường được lắp đặt hệ thống đèn đặc biệt để tham quan khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu tại hai khu vực A và B với nhiều phế tích kiến trúc như: Dấu vết nền cung điện, các đoạn thành, giếng cổ…
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa trong suốt chiều dài hơn 1000 năm, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là niềm tự hào của tất cả người dân Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh về Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long:
Nơi lưu giữ những di vật khảo cổ.
Mặt trước khu di tích.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nơi lưu giữ các giá trị về văn hóa, kiến trúc độc đáo.
Nơi đây thu hút rất nhiều khách tham quan du lịch.
Quang Dương
Theo