(Xây dựng) - Không những thiếu các loại giấy phép hoạt động, hàng chục trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đang ngày ngày xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm tiếng ồn và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Trạm trộn bê tông Việt Nhật còn thiếu hồ sơ pháp lý. |
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu bê tông thương phẩm ngày càng cao. Các khu vực giáp nội đô như huyện Hoài Đức, "mọc" lên rất nhiều trạm trộn bê tông, tập trung tại các xã: An Thượng, Song Phương, Di Trạch, Kim Chung, Lại Yên và An Khánh. Đáng nói là không ít trạm "sở hữu" nhiều "không" như: Không giấy phép hoạt động, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không giấy phép khai thác nước ngầm, không giấy phép xả thải…
Mới đây, Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh của người dân xã An Khánh, huyện Hoài Đức về việc trạm trộn bê tông Việt Nhật (km10 đường Đại lộ Thăng Long, xã An Khánh) hoạt động gây ô nhiễm môi trường, giấy tờ pháp lý chưa đầy đủ.
Đoạn đường gom Đại lộ Thăng Long, lối đi vào trạm trộn bê tông Việt Nhật. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, con đường gom Đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn xã An Khánh tồn tại nhiều trạm trộn bê tông. Ở những khu vực này, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, trời mưa bùn đất lầy lội, ngày nắng bụi bay mù mịt.
Ông Nguyễn Văn Long, người dân xã An Khánh bức xúc cho biết: Xe tải, xe bồn qua lại liên tục trên tuyến đường này khiến việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn và nguy hiểm, không ít vụ va chạm đã xảy ra. “Không hiểu sao các trạm trộn bê tông xuất hiện tại đây ngày một nhiều, hoạt động cả ngày lẫn đêm, ngày nào chúng tôi cũng bị hành hạ bởi tiếng ồn và bụi bẩn, nguồn nước giếng khoan cũng bị các trạm trộn bê tông hút hết vì họ khoan giếng sâu hơn và dùng nước nhiều”, ông Long chia sẻ.
Trước những phản ánh của người dân, bà Nguyễn Thị Mây – đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nhật cho biết: Nội dung phản ánh của người dân là chưa đúng thực tế. Khi chúng tôi về đây đã tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh luôn, việc này UBND xã An Khánh và huyện Hoài Đức đã nắm rất rõ. Trạm trộn bê tông này chúng tôi mua lại của Công ty An Bình và giữ nguyên hiện trạng, hiện đang trong quá trình bàn giao. Tháng 10/2019, chúng tôi bắt đầu ký hợp đồng, dự kiến tháng 12/2019 hoàn tất các thủ tục bàn giao. Tuy nhiên, ông Giám đốc bên đó không liên hệ được, có thông tin An Bình đang vỡ nợ nên các thủ tục chúng tôi vẫn chưa ký xong. Chúng tôi đã hỏi phía bên xã, họ đang bảo phải làm hồ sơ bàn giao xong xuôi họ mới hướng dẫn tiếp được.
Sau đó lại dịch bệnh, thị trường khó khăn nên chúng tôi cũng chưa làm gì cả. Máy móc đều dừng hoạt động hết, có gì mà xả thải đâu. “Hệ thống xả thải đã xây kín hết, không thoát đi đâu cả. Nó có rãnh chảy ra bể lọc, trong chu trình mình sản xuất mình lại bơm lên thôi” – Bà Mây cho biết thêm.
Vấn đề xả thải của trạm trộn bê tông Việt Nhật cần được kiểm tra, làm rõ. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, cán bộ địa chính xã An Khánh cho biết: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nhật mới về đây mua lại tài sản của bê tông An Bình (Công ty Cổ phần xây dựng và kỹ thuật An Bình – PV). Trạm này có 3 chủ, đầu tiên là 1 doanh nghiệp được tỉnh Hà Tây giao đất làm Cụm công nghiệp An Khánh, có quyết định giao đất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, doanh nghiệp này cho Công ty Cổ phần Phục Hưng số 8 mượn làm trạm trộn bê tông, nhưng cũng chỉ 1 thời gian lại chuyển sang Công ty Cổ phần xây dựng và kỹ thuật An Bình.
Đợt tháng 5 vừa rồi xã có phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức đi kiểm tra. Họ (Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nhật – PV) có cung cấp cho 1 hợp đồng nhận chuyển nhượng lại tài sản của An Bình và cung cấp văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội về địa điểm hoạt động, quy hoạch địa điểm sản xuất vật liệu xây dựng. Theo đó, Sở Xây dựng có trả lời việc bố trí, duy trì trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần xây dựng và kỹ thuật An Bình là phù hợp với các quy hoạch.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nhật chưa xuất trình được một số giấy phép như: giấy phép xả thải vào nguồn nước; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; hồ sơ liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy; báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức chủ trì, xã phối hợp. Trong nội dung văn bản kiểm tra đã yêu cầu công ty tạm dừng và hoàn thiện tất cả thủ tục, hồ sơ giấy tờ. Bởi vì về vị trí là được rồi chỉ còn các giấy phép khác thôi. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, Đội chưa làm việc lại với đơn vị này.
“Ở đây có lý do khách quan, bởi đợt vừa rồi hết thời hạn thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị nên Đội không lập được hồ sơ. Xã không lập hồ sơ là do: Liên quan đến biên bản kiểm tra và biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng là Đội phải lập xong đó luân chuyển về xã. Xã căn cứ đủ thẩm quyền thì sẽ ban hành quyết định xử phạt nếu không sẽ chuyển cấp trên. Nên hiện tại mới dừng lại từ đợt kiểm tra từ tháng 5.
“Hoài Đức nói chung và An Khánh nói riêng rất đau đầu việc trạm trộn bê tông. Trước đây khi các đơn vị này về lập trạm trộn thì chưa có hồ sơ đâu, mãi sau đơn vị mới hoàn thiện hồ sơ dần dần. Về giấy phép hoạt động qua nhiều chủ rồi, hoạt động cầm chừng, làm căng quá họ dọn, không hiệu quả lại chuyển. Tôi nghĩ rằng hồ sơ họ cũng chẳng bàn giao lại gì nhiều đâu. Vì thực tế khu vực này cũng không sử dụng được lâu, sau khu này được quy hoạch làm đất ở đô thị. Khi chuyển đất thành đô thị thì các công ty này phải chuyển đi” – Vị cán bộ này cho biết thêm.
Đề nghị UBND huyện Hoài Đức có biện pháp quyết liệt, trong việc xử lý dứt điểm những tồn tại đang gây nhức nhối cho môi trường và sức khỏe người dân. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Khánh An – Thanh Thanh
Theo