Thứ ba 05/11/2024 07:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hiệp Hòa (Bắc Giang): Gần 2 thập kỷ sau dồn điền đổi thửa, chính quyền vẫn chưa thể xử lý dứt điểm kiến nghị của người dân

23:05 | 07/08/2021

(Xây dựng) – Năm 2004, người dân thôn Tứ, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) thực hiện dồn điền đổi thửa theo chính sách của Nhà nước. Thế nhưng việc dồn điền đổi thửa lại xảy ra rất nhiều sai phạm, gần 20 năm qua người dân phải gửi đơn thư đi khắp nơi, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

hiep hoa bac giang gan 2 thap ky sau don dien doi thua chinh quyen van chua the xu ly dut diem kien nghi cua nguoi dan
Hàng loạt cán bộ thời điểm đó đã được nhận thừa diện tích khiến người dân vô cùng bức xúc.

Phát lộ hàng loạt sai phạm sau thanh tra

Trong đơn tố cáo gửi Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện cho người dân thôn Tứ cho biết: Năm 2004, thôn Tứ thực hiện việc dồn điền đổi thửa theo chủ trương, chính sách của Nhà nước. Nhận thấy rằng, việc làm này sẽ có lợi cho người dân trong việc canh tác nông nghiệp, người dân thôn Tứ đã tiến hành dồn điền đổi thửa theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc dồn điền đổi thửa, người dân đã phát hiện nhiều điểm bất thường, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi như: Nhiều người dân đã không được trả đủ diện tích trong khi một số cán bộ thôn và người thân lại được nhận thêm hàng trăm m2 đất; diện tích đất công ích cao một cách bất thường; nhiều cá nhân không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn nhận được định suất…

Trước những bất thường nêu trên, người dân thôn Tứ đã ngay lập tức có đơn thư gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang yêu cầu xác minh làm rõ những bất cập và trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân. Đồng thời, xử lý các cán bộ đã để xảy ra sai phạm.

Đến ngày 30/5/2007, Thanh tra huyện Hiệp Hòa đã có Kết luận số 12/KL-TTr giải quyết đơn tố cáo của một số công dân thôn Tứ, xã Lương Phong. Tại Kết luận nêu trên, Thanh tra huyện Hiệp Hòa đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình dồn điền đổi thửa trên địa bàn thôn Tứ, xã Lương Phong.

Theo đó, Kết luận Thanh tra đã chỉ ra việc một số cán bộ chính quyền cơ sở và người thân đã thực hiện việc gắp phiếu và chia ruộng không đúng quy định. Cụ thể, 05 hộ gia đình gồm: Gia đình các ông Nguyễn Văn Hải, ông Trần Văn Hành – Bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Văn Tuyển – Bí thư Chi bộ thôn, bà Nguyễn Thị Thạch, Nguyễn Văn Duẩn đăng ký ở một vùng nhưng khi gắp phiếu và chia lại ruộng lại nhận ở vùng khác, không nhận theo số phiếu đã chọn. Khuyết điểm trên thuộc về Bí thư Đảng ủy – Trưởng ban dồn điền đổi thửa của xã Lương Phong.

Người dân thôn Tứ tố cáo 20 hộ là cán bộ và người thân đã nhận thừa diện tích, trong đó có 02 hộ là cán bộ xã, 18 hộ là cán bộ thôn và người thân của họ. Qua thanh tra, kiểm tra thực tế đo đạc ở các thửa ruộng của những hộ được tập thể giao so với tiêu chuẩn, Đoàn thanh tra huyện Hiệp Hòa đã phát hiện có 19 hộ nhận thừa diện tích. Đáng chú ý, gia đình ông Nguyễn Đức Việt – Trưởng thôn, Phó ban dồn điền đổi thửa của thôn Tứ đã nhận thừa 864,3m2.

Đối với nội dung tố cáo của công dân liên quan tới việc lãnh đạo thôn Tứ đã giao thừa 06 định suất so với năm 1992 (năm 1992 chỉ có 956 định suất nhưng khi dồn điển đổi thửa thôn đã giao 962 định suất). Kiểm tra sổ địa chính và bản đồ giải thửa thôn Tứ xã Lương Phong, Đoàn thanh tra thấy rằng việc tố cáo của công dân là có cơ sở.

Cũng tại Kết luận Thanh tra, Đoàn thanh tra huyện Hiệp Hòa đã chỉ ra việc UBND xã Lương Phong đã để diện tích đất công ích vượt quá 5%. Theo các tài liệu sổ sách còn lưu, năm 1992 thôn Tứ đã để quỹ đất công ích là 45.490m2/470.297m2, tương đương với 9,66% tổng quỹ đất nông nghiệp.

Sau dồn điền đổi thửa năm 2004 – 2005, thôn Tứ đã để tổng diện tích đất công ích là 71.121m2 bao gồm: Diện tích đất ở khu Đồng Giềng là: 40.164m2; diện tích đất làm đường, mương là: 16.104m2; diện tích khoán ở các vùng là: 14.853m2. Như vậy, so với tổng diện tích mặt bằng đất nông nghiệp của thôn thì quỹ đất công ích tỉ lệ là: 71.121m2/470.297m2 = 15%. Tỷ lệ đất công ích này so với quy định của Luật Đất đai năm 2003 cao hơn là 10% và so với năm 1992 là cao hơn 5,3%.

Sau quá trình dồn điền đổi thửa, điều khiến người dân bức xúc hơn cả chính là việc tiêu chuẩn của mỗi định suất đã bị hụt đi so với diện tích đất năm 1992. Về nội dung này, Đoàn thanh tra căn cứ vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1998 (cấp giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp giao đến hộ từ năm 1992) xác định được số diện tích giao đến từng hộ trong thôn Tứ là 433,5 m2/định suất. Sau dồn điền đổi thửa, thôn Tứ đã giao cho nhân dân canh tác 388.761m2, tương đương 406,6m2/định suất. Như vậy, người dân đã bị hụt đi 26,9m2/định suất so với diện tích năm 1992.

Đoàn thanh tra đã yêu cầu UBND xã Lương Phong trả lại đủ phần diện tích thiếu hụt cho người dân; đồng thời, đề nghị Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, UBND huyện Hiệp Hòa kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân đã để xảy ra sai phạm.

Bức xúc vì huyện thu hồi đất giao cho doanh nghiệp

Trong khi những khúc mắc, kiến nghị vẫn chưa được các cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng, việc Công ty TNHH Hưởng Dung (Công ty Hưởng Dung) được cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã khiến người dân vô cùng bức xúc. Mặc dù, người dân đã nhiều lần yêu cầu tạm dừng dự án để xác minh lại nguồn gốc đất, thế nhưng dự án vẫn được đang được triển khai.

Theo đó, ngày 23/10, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 964/QĐ-UBND về việc chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty TNHH Hưởng Dung thuê đất (đợt 1) tại xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa.

Cụ thể, chuyển mục đích sử dụng 12.696,2m2 đất trong tổng diện tích 13.455,6m2 đất UBND huyện Hiệp Hòa đã thu hồi tại Quyết định số 1428/QĐ-UBND ngày 29/7/2019 (trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước 12.223m2; đất bằng trồng cây hàng năm khác 146,8m2; đất nuôi trồng thủy sản 167,8m2; đất bằng chưa sử dụng 80,6m2; đất giao thông 78m2). Cho Công ty THHH Hưởng Dung thuê đất (đợt 1) toàn bộ diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng nêu trên (12.696,2m2) để thực hiện dự án Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thời hạn cho thuê đất đến ngày 29/01/2068; phương thức trả tiền: Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.

hiep hoa bac giang gan 2 thap ky sau don dien doi thua chinh quyen van chua the xu ly dut diem kien nghi cua nguoi dan
Theo người dân, khu đất được giao cho Công ty Hưởng Dung thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không thuộc quỹ đất 5%.

Trao đổi với phóng viên về nguồn gốc khu đất trên, ông Đoàn Ngọc Quang, người dân thôn Tứ cho biết: “Ngày trước tôi ở trong danh sách Ban thanh tra ruộng đất nên tôi biết rất rõ về khu đất này. Trước đây, hơn 40.000m2 đất tại khu Đồng Giềng thuộc sự quản lý của thôn, được nhiều hộ dân sử dụng canh tác từ năm 1991. Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, quỹ đất này đã được xác định là quỹ đất công ích 5% và được giao cho một doanh nghiệp may mặc thực hiện dự án nhưng người dân chúng tôi kịch liệt phản đối nên doanh nghiệp đã chuyển đi nơi khác”.

Tìm hiểu được biết, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Thông báo số 378/TB-UBND kết quả giải quyết tố cáo. Nội dung tố cáo được thụ lý: UBND huyện Hiệp Hòa ban hành Thông báo số 417/TB-UBND ngày 5/6/2019 thu hồi 13.049m2 đất công ích 5% tại thôn Tứ, xã Lương Phong trái pháp luật vì toàn bộ diện tích đất trên không phải là đất công ích.

Giải trình về nội dung tố cáo nêu trên, UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, căn cứ theo Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh Bắc Giang về việc thông qua danh mục các dự án, công trình được phép thu hồi đất; Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 29/01/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Tứ, xã Lương Phong (diện tích 39.894,0m2)… UBND huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo UBND xã Lương Phong và các cơ quan liên quan tham mưu tổ chức thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật.

Sau khi ban hành thông báo thu hồi đất, UBND huyện đã tổ chức chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện việc niêm yết công khai Thông báo số 417/TB-UBND và các văn bản pháp lý liên quan tại trụ sở UBND xã Lương Phong và nhà văn hóa thôn Tứ; đồng thời, UBND xã và Ban quản lý thôn đã tổ chức thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã, thôn theo quy định; tổ chức họp triển khai Thông báo số 417/TB-UBND, tại hội nghị, cơ bản các thành phần tham dự đồng thuận, nhất trí chủ trương thu hồi đất.

UBND xã Lương Phong cũng đã tổ chức thực hiện niêm yết công khai theo quy định; kết thúc quá trình niêm yết công khai, các cơ quan đơn vị không nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị của hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức nào. Đến ngày 22/07/2019, UBND xã Lương Phong đã có Tờ trình số 40/TTr-UBND về việc đề nghị thu hồi đất để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Sơn, người dân thôn Tứ cho biết: “Chúng tôi không hề nhận được thông báo bằng giấy tờ văn bản hay thông báo trên loa truyền thanh về việc thu hồi đất tại khu Đồng Giềng để cho doanh nghiệp thuê. Trên thực tế, trước đây đã có công ty vào đây định làm dự án nhưng cuối cùng vì người dân phản đối nên đã phải rời đi chỗ khác. Vì thế không thể có chuyện không nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị nào của người dân. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, các cơ quan chức năng trả lại quyền lợi cho người dân chúng tôi đầy đủ sau đó mới cho tiếp tục dự án”.

Theo ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng thôn tứ, hiện nay, UBND huyện Hiệp Hòa đang thành lập đoàn kiểm tra về để đo đạc lại diện tích cho người dân.

“Hiện tại, huyện cũng đang thực hiện rà soát, đo đạc và kiểm tra lại ruộng. So với năm 1992 có những hộ đang thiếu hàng trăm m2. Việc chia đất cho người dân hiện tại đang có sự mất công bằng, trong khi những người trước đó thừa diện tích vẫn được tiếp tục nhận thêm 26,9m2 như những người thiếu nên người dân rất bức xúc. Người dân cũng không đồng ý việc giao đất cho Công ty Hưởng Dung”, ông Dương thông tin.

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, phóng viên đã liên hệ với ông Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa. Qua điện thoại, ông Bộ cho biết: Sự việc này đã diễn ra từ rất lâu và cũng đã trải qua nhiều đời cán bộ. Hiện nay, UBND huyện cũng đã thành lập tổ công tác về đo đạc, rà soát lại toàn bộ nội dung phản ánh của người dân. Trong tháng 6 đã thực hiện đo đạc xong và tháng 7 thực hiện rà soát lại toàn bộ quá trình từ năm 1992 đến nay.

“Trong tháng 8 này chúng tôi sẽ công khai đầy đủ. Bây giờ tôi cũng không cung cấp được thêm thông tin khi chưa có kết luận rà soát, kiểm tra của tổ. Về việc giải quyết phần diện tích 26,9m2 thì đời chủ tịch huyện trước tôi cũng đã trả cho người dân rồi”.

Về khu đất Đồng Giềng, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: Trước đây cũng đã có dự án Công ty Hà Phong nhưng do người dân phản đối nên dự án đã không thể thực hiện và chuyển đi nơi khác.

“Đợt vừa rồi chúng tôi kiên quyết phải để cho doanh nghiệp vào đây thực hiện. Việc phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao là một trong những chủ trương của huyện, khi có dự án người dân tại đây cũng sẽ được hưởng lợi và có nguồn thu nhập”, ông Bộ thông tin.

Như vậy, đã gần 2 thập kỷ trôi qua, nhưng sự việc của người dân thôn Tứ vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Để tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, UBND huyện Hiệp Hòa cần sớm đưa ra “phán quyết cuối cùng” nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương, đồng thời tạo lòng tin của người dân vào chính quyền.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load