(Xây dựng) - Vừa qua, cầu Long Biên liên tiếp xuất hiện các lỗ thủng hư hỏng trên bề mặt cầu, điều này khiến cho người dân lưu thông trên cầu trở nên hoang mang vì sự thiếu an toàn.
Cầu Long Biên – biểu tượng văn hóa lịch sử của Hà Nội. |
Cầu Long Biên thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có chiều dài 1691,15m. Cầu được xây dựng từ năm 1899, đến năm 1902 hoàn thành và đưa vào khai thác. Trải qua hơn 120 năm khai thác, sử dụng, cầu nhiều lần được khôi phục, gia cố sửa chữa do bị chiến tranh phá hoại cũng như bị hư hỏng kết cấu.
Theo thiết kế, phần đường bộ ban đầu cũng chủ yếu dành cho ôtô nên phần hệ thép đỡ hai phía bánh ôtô được gá vào hệ dầm nên khá chắc chắn, trong khi tấm đan ở giữa chịu lực yếu hơn do chỉ kê lên thép mỏng. Tuy nhiên, sau này do lượng xe máy, xe thồ qua cầu quá nhiều gây áp lực lên các tấm đan ở giữa, dẫn đến tình trạng mặt đường thường xuyên hư hỏng.
Đáng lo ngại là hiện tượng xe quá tải lên cầu. Dù hai bên đầu cầu có biển cấm ôtô, biển cấm xe đạp thồ, xe máy thồ lưu thông trên cầu từ 5h00 - 20h00 và biển cảnh báo cầu yếu, các phương tiện hạn chế qua lại nhưng lượng phương tiện lên cầu vẫn rất đông, nhất là vào giờ cao điểm.
Năm 2021, cầu Long Biên được “rót” 8,5 tỷ đồng, năm 2022 được khoảng hơn 9,7 tỷ đồng, bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, cầu đường bộ và kinh phí tuần cầu, bảo vệ cầu.
Trước đó, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải triển khai đầu tư, sửa chữa cầu Long Biên tại dự án “Khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1, gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025” với tổng mức đầu tư hơn 256 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ yếu sửa chữa các hư hỏng lớn, đảm bảo an toàn khai thác vận tải đường sắt trong thời gian chờ cầu riêng cho đường sắt được xây dựng mới theo tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Vì vậy, phần đường bộ chưa được đầu tư nhiều.
PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, bảo tồn cầu Long Biên nguyên trạng hiện nay, đồng thời gia cố bền vững để giữ chức năng cầu. Đừng mang gánh nặng lớn khoác lên cầu Long Biên, bởi đây chỉ là một phần của quỹ di sản, không nhất thiết phải đem tất cả giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội lên cầu như làng nghề, vườn treo, nghệ thuật...
Còn GS.KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm rằng: Chỉ nên tính tới khả năng tận dụng cây cầu với tư cách là một công trình giao thông trong một thời gian ngắn nữa. Sớm muộn cũng phải sử dụng những công trình đường sá hiện đại, đưa tuyến đường sắt cũ ra khỏi nội đô. Về lâu dài, chỉ nên quy hoạch cầu thành tuyến dành cho xe máy trong khoảng thời gian cũng không dài, cho đi bộ và xe đạp. Cần trùng tu, nâng cấp và khôi phục những đặc điểm cơ bản cấu trúc và diện mạo vốn có của cầu. Cuối cùng, cần cải tạo thích nghi để phục vụ các nhu cầu văn hóa và du lịch, trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm cấu trúc và hình dạng của cầu.
Về ý tưởng biến cầu Long Biên thành một công trình nhấn vào nét văn hóa, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng khoảng không gian giữa cầu, nơi có đường xe lửa và rộng chừng 4m, có thể dành cho việc tổ chức một dãy dài các gian trưng bày. Tại đó, có thể tổ chức shop hàng lưu niệm và hàng thủ công, các điểm dịch vụ đa dạng, các quầy giải khát… Những quầy hàng này có kính gắn hai bên và mái che ở trên để ít ảnh hưởng đến hình dáng chung của cầu.
“Ở châu Âu người ta gọi dãy hành lang như thế là passage, là một trung tâm mua sắm, dạo chơi ở nhiều đô thị lớn. Với giải pháp này, ta có thể tạo nên một dạng “chợ - cầu”, có một không hai”, ông Kính đề xuất.
Hạ Ly
Theo