(Xây dựng) – “Mỗi người công nhân là một mắt xích không thể thiếu đối với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Họ cũng là những người quyết định hiệu quả của năng lực sản xuất, thay đổi quá trình phát triển kinh tế đối với doanh nghiệp. Bởi vậy, họ cần được chính quyền và doanh nghiệp đối đãi tốt hơn, chăm chút tốt hơn nữa...”.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nguồn cung mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhà ở dành cho công nhân. |
Chính sách nhà ở cho công nhân thiếu thống nhất, còn “nằm trên giấy”
Vấn đề nhà ở cho công nhân đã được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây. Trong các năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách trong việc xây dựng và hình thành các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Thế nhưng, bên cạnh việc nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thì những bất cập vẫn cần phải được nói đến, để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc, để sớm tạo được điều kiện tốt nhất cho những công nhân đang sinh sống và làm việc trong các khu công nghiệp.
Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của công nhân, kéo theo đó là năng lực cũng như kinh nghiệm sản xuất bị hạn chế là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, do các thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn còn “nằm trên giấy”. Hầu hết dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại không dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Theo góc nhìn của doanh nghiệp thì vẫn còn khá nhiều điểm tắc nghẽn trong cơ chế, chính sách, các quy định… Trong đó được nhắc đến việc giá nhà xây và bán cho công nhân thì phải bán ở mức thấp nhất, thế nhưng các tiêu chuẩn để Nhà nước chấp thuận cho chủ trương đầu tư được đủ điều kiện bàn giao cho khách, thì lại áp theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có 369 khu công nghiệp được thành lập (gồm cả các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114.000ha. Bên cạnh đó là 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích khoảng 766.000ha, 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000ha.
Trên cả nước, hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó, 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha. Con số diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng chưa đến một nửa chỉ tiêu, chỉ chiếm tỷ trọng 41,6%.
Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2,58 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Thành lập “Tổ phối hợp” giữa Bộ Xây dựng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, mà chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân, thậm chí có khu công nghiệp còn không có đường giao thông để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa…
Trong khi đó, việc bảo đảm về an sinh xã hội trong khu công nghiệp là yếu tố được quan tâm của những nhà sản xuất lớn khi lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, bên cạnh những ưu đãi khác… Do vậy, thúc đẩy hoàn thiện và đồng bộ các chính sách mới về phát triển nhà ở gắn liền với khu công nghiệp cần là yếu tố được lên hàng đầu.
Trong một cuộc họp gần đây giữa Bộ Xây dựng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những giải pháp chi tiết, cụ thể, thiết thực và có lộ trình. “Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, hai đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Trước mắt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Xây dựng có thể thành lập “Tổ phối hợp” để đi khảo sát tại một số địa phương nhằm ghi nhận đúng thực trạng khó khăn, qua đó đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời.
Ngoài ra, hai bên cũng cần trao đổi, góp ý vào việc sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó tập trung vào những nội dung nhằm tháo gỡ cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động; xây dựng chính sách riêng về nhà ở cho công nhân lao động khu công nghiệp – khu chế xuất” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng gợi ý.
Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả sản xuất, đem đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Hơn thế, môi trường kinh doanh khép kín sẽ đảm bảo duy trì cho việc sản xuất trong thời điểm dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp và chưa có hồi kết.
Kiến Tài
Theo