(Xây dựng) - Trong quá trình thi công bể chứa nước sạch 6.000m3, Nhà máy nước Cầu Nguyệt (xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng), nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Bạch Đằng 201 đã bị “tố” làm lún nứt nhiều nhà dân.
Dự án xây dựng bể chứa nước sạch 6.000m3, có mức đầu tư gần 27 tỷ đồng, nằm hoàn toàn trong khuôn viên của Nhà máy nước Cầu Nguyệt, được Sở Xây dựng Hải Phòng thẩm định thiết kế và cấp giấy phép xây dựng ngày 6/12/2019. Dự kiến hoàn thành ngày 30/6/2020 sau 190 ngày thi công.
Nhà thầu thi công mới ép được khoảng 1/5 số cọc toàn dự án mà nhiều nhà dân đã bị lún nứt. |
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Bạch Đằng 201, nhà thầu tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần Nước và môi trường Việt Nam, nhà thầu tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Hải Phòng.
Mới ép cọc nhà dân đã lún nứt
Người dân xóm Máy nước, thôn Nguyệt Áng 3, xã Thái Sơn, huyện An Lão nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng kiến nghị về việc trong quá trình thi công bể chứa nước sạch 6.000m3 Nhà máy nước Cầu Nguyệt, nhà thầu thi công đã ngang nhiên cho xe tải trọng lớn chở cọc bê tông cốt thép đi vào đường 306, làm hư hại các công trình xây dựng của dân, gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, nhà thầu thi công mới ép được khoảng 1/5 số cọc toàn dự án mà nhiều nhà dân đã bị ảnh hưởng, ít nhiều đã bị lún nứt.
Ông Nguyễn Phú Tảo bức xúc: Đường H36 ngay đầu đường có cắm biển báo, chỉ cho phép xe trọng tải 8 tấn đi qua, thế mà nhà thầu thi công lại cho xe chở cọc bê tông cốt thép tải trọng gần 50 tấn vào thì thử hỏi đường sẽ ra sao?
Xe trọng tải lớn chở cọc bê tông đi vào đường 306. |
Bà Đoàn Thị Thoáng cũng nói “khi họ ép cọc, nhà tôi cách hẳn con mương mà còn rung lên bần bật, cảm giác rất sợ. Hiện tại nhà tôi chưa bị ảnh hưởng nhiều, chỉ mới bị nứt phía trước và đang bị nghiêng hơn so với hiện trạng ban đầu”.
Các hộ dân khác gồm bà Hoàng Thị Thúy, ông Đỗ Văn Vin, ông Đoàn Văn Nam cũng phản ánh việc nhà mình bị lún nứt. Mẹ ông Đoàn Văn Nam chỉ cho phóng viên Báo điện tử Xây dựng thấy những chỗ nứt và nói: “Nhà tôi bị nứt mấy chỗ; trụ cổng cũng bị nứt, cổng vênh không thể nào đóng mở được. Tôi phải gọi thợ đến cắt sửa lại cổng mới đóng mở được”.
Các hộ dân còn bức xúc chỉ vào những vết nứt ngang dọc trên mặt đường 306 và cống nước. “Đấy, họ thi công mà đường xá, cầu cống còn bị nứt như này thì nhà dân làm sao mà yên lành được”, ông Nguyễn Phú Tảo nói.
Bà Vũ Thị Bến - Trưởng thôn Nguyệt Áng 3 cho biết: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương xây dựng bể chứa nước sạch 6.000m3 để cung cấp nước sạch phục vụ đời sống nhân dân thành phố, nhưng chúng tôi đề nghị nhà thầu thi công và Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng phải có biện pháp thi công an toàn để không làm ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và nhà dân. Nếu trong quá trình thi công làm ảnh hưởng thì Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng và nhà thầu thi công phải khảo sát, chụp ảnh hiện trạng hư hại và có phương án bồi thường thỏa đáng. Yêu cầu nhà thầu thi công phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không được cho xe tải trọng lớn chở vật liệu đi vào đường của dân làm hỏng đường”.
Cam kết sẽ bồi thường cho dân
Đại diện nhà thầu thi công Công ty Cổ phần Xây dựng Bạch Đằng 201, ông Phạm Khánh Toàn – Chỉ huy phó công trường thừa nhận, do việc thi công ép cọc mà một số nhà dân bị ảnh hưởng và cống nước phía ngoài dự án bị nứt.
Ông Toàn cho biết: Trước khi thi công, công ty chúng tôi đã thành lập đoàn gồm đại diện UBND xã Thái Sơn, trưởng thôn, đại diện chủ đầu tư, tư vấn giám sát cùng nhà thầu thi công lập biên bản và chụp ảnh hiện trạng các hộ dân xung quanh, có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dự án.
Hiện tại, nhà thầu thi công mới ép được khoảng 1/5 số cọc toàn dự án mà nhiều nhà dân đã bị ảnh hưởng, ít nhiều đã bị lún nứt. |
Theo đó, hiện trạng của các hộ bà Thoáng, ông Nam, ông Vin, bà Thúy đã bị lún nứt từ trước, tuy nhiên khi thi công ép cọc các hộ này cũng đã bị ảnh hưởng; những vết nứt cũ có nứt to hơn hiện trạng ban đầu nhưng không đáng kể. Nhận được kiến nghị của người dân, chúng tôi đã tạm ngừng thi công ngay để xem xét các kiến nghị của họ.
“Căn cứ vào biên bản hiện trạng ban đầu, nhà thầu thi công cam kết sẽ bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân theo quy định pháp luật nếu trong quá trình thi công làm lún nứt nhà dân. Nhà thầu đã lập hai phương án: Một là xây trả lại nguyên trạng, hai là bồi thường tổn thất. Các hộ dân theo dõi nếu nhà lún nứt ảnh hưởng đến sinh hoạt thì báo với nhà thầu thi công để nhà thầu thi công xử lý tạm thời, đảm bảo sinh hoạt cho các hộ dân. Chúng tôi cũng cam kết, khi hoàn thành 70% khối lượng công việc, nếu có kiến nghị của nhân dân và UBND xã về việc bị ảnh hưởng gây thiệt hại thì chúng tôi sẽ mời ngay giám định độc lập lên phương án để xử lý cho người dân”, ông Toàn khẳng định.
Cũng theo ông Toàn, sau khi nhận được phản ánh của dân, chúng tôi đã đóng cửa phía sau nhà máy nước, không chở vật liệu đi vào đường H36 nữa mà đi qua cổng chính của nhà máy nước vào công trường. Hiện tại, việc ép cọc chúng tôi áp dụng đúng phương pháp thi công đã được duyệt như thực hiện ép cừ và ép cọc bo biên để bo phần nền đất lại sau đó ép phía trong để tránh đẩy phần đất nền, giảm tối đa việc ảnh hưởng đến các hộ dân.
Ông Toàn cho biết thêm, tổng số lượng cọc bê tông dự ứng lực dùng cho toàn dự án là 592 cọc, hiện đã ép được khoảng 1/5 số cọc; Cọc ở đây có chiều dài 33m, đường kính 400mm nên sau khi hoàn thành bể nằm trên cọc, theo tiêu chuẩn cho phép bể không được phép lún quá 1cm, nếu bị lún thì bể sẽ bị phá vỡ hết kết cấu ngay. Theo biện pháp thi công đã được duyệt thì không có công đoạn ép cừ phía bờ mương thoát nước nhưng do có kiến nghị của các hộ dân nên chúng tôi đang tiến hành ép cừ phía mương thoát nước để đảm bảo tối đa việc ảnh hưởng đến các hộ dân và các công trình lân cận.
Về vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn lao động, chúng tôi vận chuyển đất đá, vật tư ra vào công trường đúng tải trọng phù hợp; che chắn, bao phủ đúng quy định, không để rơi vãi và thường xuyên vệ sinh, phun nước mặt đường, hạn chế bụi không để ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; đảm bảo an toàn giao thông, bố trí biển báo công trường theo quy định.
Nói về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng cho biết, ngay sau khi nhận được kiến nghị của các hộ dân thôn Nguyệt Áng 3, công ty đã có văn bản yêu cầu nhà thầu thi công xem xét giải quyết các kiến nghị của dân. Đảm bảo vệ sinh môi trường, thi công an toàn, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình của dân.
Được biết, việc xây dựng bể chứa nước sạch 6.000m3 để nâng công suất Nhà máy nước Cầu Nguyệt lên 60.000 m3/ngày phục vụ cho công tác đảm bảo cấp nước an toàn và an ninh nước sạch trên địa bàn thành phố Hải Phòng (cấp nước hỗ trợ cho các khu vực khác khi có sự cố khẩn cấp). Với tầm quan trọng của dự án như vậy, rất cần sự ủng hộ của người dân thôn Nguyệt Áng 3 trong công tác phối hợp giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có) do thi công dự án gây ra.
Bên cạnh đó, nhà thầu thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường và áp dụng biện pháp thi công tối ưu nhất nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các công trình xung quanh.
Mỹ Hạnh
Theo