(Xây dựng) - Trong cuộc họp thường kỳ tháng 11/2022 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản thống nhất giao Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cao Thắng, huyện Thanh Miện (Hải Dương).
Vị trí triển khai Cụm công nghiệp Cao Thắng. |
Năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định chủ trương đầu tư, cho phép Công ty TNHH YMSA Co.Ltd (Hàn Quốc) thực hiện dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng thuộc địa bàn các xã Cao Thắng và Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1.056 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Dự án có quy mô 8,5 triệu sản phẩm dệt may, 500.000 chiếc túi xách/năm, tạo việc làm cho 10.000 lao động.
UBND tỉnh Hải Dương giao các đơn vị chức năng tiến hành làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Miện và các xã Cao Thắng, Tứ Cường đã phối hợp vận động nhân dân nhường đất lúa cho Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương (nay đã chuyển đổi thành Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương) xây dựng nhà xưởng với hy vọng dự án sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - dịch vụ cho cả khu vực, để con em trong xã và các địa phương lân cận có việc làm mới.
Đại diện chủ đầu tư cho biết trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khách quan ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai dự án. Để thực hiện dự án, diện tích phải giải phóng mặt bằng lên đến hơn 40ha thuộc địa bàn của 2 xã nông thôn. Đây là công việc quá lớn, đòi hỏi các cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư phải nỗ lực, cố gắng trong thực hiện công việc được giao.
UBND huyện Thanh Miện cùng nhà đầu tư phải mất hơn 2 năm để hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng. Ngay cả khi đã thực hiện giải phóng mặt bằng xong, việc bàn giao mốc giới với các hộ giáp ranh trên thực địa cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đến cuối tháng 8/2020 doanh nghiệp mới chính thức thỏa thuận và tiếp nhận đầy đủ ranh giới thực hiện dự án.
Sau khi được bàn giao khu đất năm 2019, Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương tiếp tục gặp phải khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm đó, Hải Dương trở thành một trong những địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất cả nước khiến cho việc triển khai các công việc theo kế hoạch gặp trở ngại.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện dự án, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận thỏa thuận đấu nối đường từ dự án vào Quốc lộ 38B. Thủ tục này phải được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trên cơ sở đề xuất, báo cáo từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đến tháng 8/2021 nhà đầu tư mới hoàn tất thủ tục này.
Năm 2021, khi tiến hành hoạt động thi công, san lấp chuẩn bị mặt bằng, doanh nghiệp cũng gặp cản trở rất lớn trong quá trình mua bán, vận chuyển vật liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hầu hết các đơn vị cung cấp đều không có hàng, giá vật liệu, vận chuyển tăng cao nên việc tìm kiếm nguồn vật liệu và bố trí tài chính cũng là một khó khăn không nhỏ với chủ đầu tư.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản thống nhất giao Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cao Thắng; yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Cụm công nghiệp Cao Thắng thuộc địa bàn các xã Cao Thắng, Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương) được quy hoạch với diện tích gần 49ha, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 130 tỷ đồng. Ngành nghề thu hút đầu tư gồm: công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp phụ trợ; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ và các dự án ít tác động đến môi trường.
Sở Công Thương Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận điều chỉnh vốn đầu tư lên 602 tỷ đồng, bổ sung lĩnh vực cơ khí vào ngành nghề thu hút đầu tư.
Đại diện Công ty Cổ phần May công nghệ cao cho biết, đối với dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách, ngay sau khi được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư đã thực hiện các thủ tục cần thiết để đưa dự án đi vào hoạt động. Chủ đầu tư đã tiến hành thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án, kiện toàn bộ máy, nhân sự quản lý; đăng ký mã số thuế, đăng ký mẫu dấu, mở tài khoản ngân hàng... Đồng thời, thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai, ngày 03/3/2017, chủ đầu tư đã cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương xác lập thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư đã hoàn thành việc ký quỹ số tiền 23.560.000.000 đồng (hai mươi ba tỷ năm trăm sáu mươi triệu đồng) tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hải Dương.
Ngày 3/11/2022, Sở Công Thương Hải Dương có tờ trình về việc giao chủ đầu tư và điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 của UBND tỉnh Hải Dương.
Ngày 2/11/2022, Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cao Thắng tiến hành họp chấm điểm để lựa chọn đơn vị đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cao Thắng. Kết quả, Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương đạt 67,5 điểm, đủ điều kiện để UBND tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư, phù hợp với quy định của Nghị định 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương còn rất nhiều cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Vì thế, việc tìm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp là chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Hải Dương để có thể khai thác một cách hiệu quả nhất quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động cũng như quản lý và xử lý tốt vấn đề môi trường.
Vị Thủy
Theo