(Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 7, tình hình bão, mưa lũ và các hình thái thời tiết phức tạp từ ngày 11-20/10/2021.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, để chủ động ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan 10 ngày tới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra. UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện một số nội dung:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 6/10/2021 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về ứng phó với tình hình mưa, lũ; đặc biệt cần đề phòng với bão số 8 được dự báo là rất mạnh, di chuyển nhanh và gây mưa lớn trên diện rộng trong những ngày sắp tới trên địa bàn tỉnh ta, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
Chỉ đạo tổ chức đảm bảo an toàn tuyến biển: Nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, kể cả tàu vận tải hàng hóa và tàu đánh cá để kịp thời thông báo cho các phương tiện biết diễn biến thời tiết chủ động vào bờ tránh trú; tuyệt đối không để các phương tiện ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa an toàn; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền tránh trú an toàn theo đúng quy định khi tàu vào neo đậu; tạo điều kiện thuận lợi và bố trí, hướng dẫn cho các phương tiện tàu thuyền của các địa phương, các doanh nghiệp ngoại tỉnh khi vào tránh trú bão vừa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 tốt nhất.
Các địa phương ven biển và vùng đồng bằng: Rà soát ngay các tuyến đê biển, đê sông xung yếu hoặc đang thi công để chuẩn bị các phương án ứng phó thích hợp. Rà soát, nắm chắc số lượng dân cần phải di dời cụ thể để chủ động di dời đến nơi an toàn, phải chú ý đến từng đối tượng một để sắp xếp, bố trí nơi sơ tán một cách hợp lý vừa đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; chủ động bố trí đủ số phương tiện và lựa chọn thời điểm thích hợp để di dời dân theo các kịch bản đã chuẩn bị…
Các địa phương vùng núi: Rà soát ngay các hộ dân, các cơ sở đóng quân của lực lượng quân sự, biên phòng, các cơ sở sản xuất kinh doanh (tên chủ hộ, số điện thoại…) ở trong các vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, vùng có khả năng ngập sâu khi có mưa lớn… Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa đang thi công, hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu. Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Hiện nay, số lượng người dân di chuyển từ các tỉnh phía nam về quê và về các địa phương khác đi qua địa bàn tỉnh (trên các tuyến Quốc lộ 01, đường mòn Hồ Chí Minh) là rất lớn: Các địa phương có tuyến đường Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đi qua kiểm tra, rà soát các vị trí nhà nghỉ, khách sạn, nhà cộng đồng, nhà của dân,… để tạo điều kiện cho người dân di chuyển có chỗ tránh trú khi có bão và mưa, lũ, vừa đảm bảo an toàn cho người dân đồng thời thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Chủ động bố trí lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các phương tiện ý tế để hỗ trợ người dân trong thời gian đang có bão và mưa lũ, tuyệt đối không được để người dân trong quá trình di chuyển không có nơi tránh trú bão, lũ…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ, đập xung yếu, đang thi công; đối với các hồ chứa có tràn xả sâu chỉ đạo chủ động điều tiết các hồ chứa hạ thấp mực nước đảm bảo an toàn, đồng thời tích đủ nước phục vụ sản xuất.
Tình hình diễn biến bão, lũ trong các ngày tới rất phức tạp, yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên cập nhật, báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo kịp thời.
Phương Dung
Theo