Thứ tư 05/02/2025 22:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hà Nội: Tràn lan công trình xây dựng “chây ì” nhiều năm vẫn chưa bị xử lý

10:44 | 18/10/2018

(Xây dựng) – Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng trăm dự án, công trình nhà ở tồn tại dấu hiệu sai phạm xây dựng,sử dụng đất sai mục đích, bị bỏ hoang… Tuy nhiên sau nhiều năm, những công trình trên vẫn chưa được chính quyền và cơ quan chức năng xử lý triệt để. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến công trình của ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương tại huyện Sóc Sơn.

Cụ thể, ngày 16/10, tại buổi giao ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, những công trình vi phạm của gia đình ca sĩ Mỹ Linh ở xã Phú Minh được thanh tra chỉ rõ từ năm 2006 và 2008.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tại buổi giao ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: Dân Trí)

Hơn 5 năm sau (từ năm 2008 đến giữa năm 2013), Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đưa ra kết luận quá trình sử dụng đất của gia đình ông Trương Anh Quân (nhạc sĩ Anh Quân) và bà Đỗ Mỹ Linh (ca sĩ Mỹ Linh) có nhiều sai phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, từ năm 2001, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh nhận chuyển nhượng diện tích 12.691 m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên là công nhân lâm trường). UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất ở 600 m2, trên tổng diện tích 12.691 m2 đất rừng phòng hộ.

Đến năm 2009, ca sĩ Mỹ Linh đã xây dựng các công trình nhà ở phòng thu và các công trình phụ cận gồm: 1 nhà ở và 1 phòng thu diện tích khoảng 390 m2, 1 bể bơi khoảng 60 m2, ngoài ra gia đình Mỹ Linh còn xây dựng nhà để xe, các công trình phụ trợ khác.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, gia đình Mỹ Linh cho rằng việc xây dựng các công trình đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp phép, nhưng không cung cấp được giấy phép xây dựng các công trình cho đoàn thanh tra. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn cũng đã kiểm tra xử lý vi phạm.

Từ năm 2013 đến nay, những vấn đề liên quan đến việc “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn liên tục được phản ánh nhưng không được xử lý triệt để. Chính vì vậy, ngày 10/10 vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu Thanh tra TP và các sở ngành liên quan thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Phú và xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn).

UBND TP Hà Nội nêu rõ, TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn, các sở ngành liên quan rất chậm, chưa triệt để và tiếp tục để xảy ra các vi phạm.

Dù vậy, ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng, những vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn đã được tập trung giải quyết, trong đó có 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch là rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú.

Ông Tuấn khẳng định với báo chí rằng công trình vi phạm của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và phủ Thành Chương của họa sĩ Thành Chương thuộc thẩm quyền của TP và cần phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương án xử lý.

Không chỉ có 2 công trình trên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, trong đó có 76 dự án chậm triển khai từ 5 - 10 năm như: Dự án Làng Việt cổ Hoài Đức ở La Phù (huyện Hoài Đức) rộng 23,4 ha; Khu đô thị Mai Linh tại xã Song Phương và Tiên Yên với diện tích 139 ha.

Khu đất 15-17 Ngọc Khánh bỏ hoang hơn 10 năm và được sử dụng làm bãi đỗ xe trái phép.

Không chỉ vậy, trên địa bàn Thủ đô có hơn 30 dự án sử dụng đất sai mục đích. Điển hình như dự án xây dựng khách sạn trên khu đất 15 - 17 Ngọc Khánh (quận Ba Đình) bị bỏ hoang hơn 10 năm. Khu đất này từng được giao cho Cty TNHH Pacific Thăng Long.

Bên cạnh đó, Dự án xây dựng bể bơi trong khu thể thao quận Tây Hồ lại “biến tướng” làm chỗ trông giữ xe trái phép. Dự án ở số 201 Trường Chinh được giao cho Cty CP Đầu tư TSG Việt Nam xây trung tâm thương mại cách đây 9 năm nhưng được “quy hoạch” thành nhà hàng rộng 2.000 m2.

Nhiều bãi đỗ xe trái phép ngang nhiên tồn tại bên trong các dự án chưa được triển khai.

Tiếp đến là dự án rộng 13.000 m2 xây khách sạn của Sao Phương Bắc tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) nhưng chủ đầu tư không triển khai, hiện chuyển thành sân bóng cho thuê.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, do HĐND TP tổ chức ngày 13/8: Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ kiên quyết thu hồi 47 dự án “đắp chiếu” nhiều năm.

Đáng chú ý, tại phường Ô Chợ Dừa tồn tại công trình lấn chiếm trạm biến áp mất 18 năm xử lý không xong. Trạm biến áp Hồ Cá 1 (ngõ 56, Phố Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa) bị lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường nếu xảy ra cháy nổ…

Người dân ngang nhiên chiếm đất ngay cạnh trạm điện sau đó xây nhà và chuyển nhượng cho người khác. (Ảnh: Tiền Phong)

Được biết, trạm biến áp Hồ Cá 1 được xây dựng và đóng điện năm 1998 thuộc dự án “Cấp điện cho khu nhà bán - Hoàng Cầu - Đống Đa - Hà Nội”, do Cty CP xây dựng số 3 Hà Nội trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư.

Sau khi hoàn thành đóng điện, trạm được bàn giao cho Cty điện lực Đống Đa quản lý. Chủ đầu tư chỉ bàn giao về mặt tài sản trên đất mà không bàn giao giấy tờ về ranh giới đất đi kèm. Do vậy, Cty điện lực Đống Đa chỉ chịu trách nhiệm trong quản lý phạm vi bên trong trạm điện. Phần đất lưu không ngoài trạm biến áp, Cty điện lực Đống Đa không được giao quản lý.

Công trình lấn chiếm hành lang an toàn trạm biến áp Hồ Cá 1, được xây dựng năm 1998 do bà Nguyễn Thị Vinh làm chủ. Ngày 20/8/2001, UBND phường Ô Chợ Dừa đã lập biên bản về hành vi sai phạm khi bà Vinh tự ý dựng lều lán, lấn chiếm 20m2 đất hành lang an toàn của trạm biến áp, đề nghị các ngành chức năng dỡ bỏ công trình. UBND phường cũng đã lập biên bản về vi phạm hành chính  bà Nguyễn Thị Vinh về hành vi vi phạm đồng thời phối hợp các ngành chức năng dỡ bỏ.

Mặc dù được xác định là công trình vi phạm, bà Nguyễn Thị Vinh vẫn được Cty điện lực Đống Đa ký hợp đồng bán điện sinh hoạt. Hợp đồng thực hiện vào ngày 27/12/2007. Hợp đồng ký 5 năm có giá trị đến 27/12/2012.

Ngày 13/4/2009 Cty điện lực Đống đa đã có công văn số 372 Báo cáo Về việc vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình trạm biến áp. Ngày 28/2/2012, Điện lực Đống Đa tiếp tục kiểm tra, phát hiện, lập biên bản việc gia đình bà Vinh tự ý dựng rào, bạt quây quanh khu vực cửa trạm biến áp Hồ Cá 1. Thế nhưng, sau gần 18 năm kể từ khi quyết định xử lý công trình sai phạm được ban hành, công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.

Đến năm 2015, bà Vinh đã bán phần đất lấn chiếm cho bà Lê Minh Hiền. Bà Hiền tiếp tục xây dựng công trình kiên cố, làm quán bán cà phê.

Những công viên lâu nay vốn bị “xẻ thịt” để kinh doanh nhà hàng, quán ăn không phải chuyện lạ lẫm gì. Điển hình như tại công viên Thủ Lệ, ở khu vực tiếp giáp với đường Đào Tấn có mặt tiền dài hàng trăm mét vốn là hàng rào cũng “hô biến” thành một chuỗi các quán nhậu, gara sửa ôtô, quán café; nhiều cửa hàng được xây dựng kiên cố, hoạt động rầm rộ. Hằng ngày, khách ra vào nườm nượp, ôtô, xe máy đỗ tràn cả lên phía vỉa hè. Tuy hiện tượng này đã diễn ra từ lâu nhưng các cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, khiến dư luận bức xúc.

Những nhà hàng, quán café “mọc” lên tại công viên Thủ Lệ.

Nhìn chung, trên địa bàn còn nhiều dự án chậm triển khai, “xẻ thịt” đất dự án để sử dụng sai mục đích gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân. Ngoài ra, việc bỏ hoang đất đai, chậm triển khai dự án gây lãng phí nguồn lực và ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ, chính quyền TP Hà Nội cần có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm những công trình, dự án sai phạm về trật tự xây dựng…

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load