Thứ sáu 26/04/2024 07:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Gánh nặng mang tên phí dịch vụ chung cư

16:45 | 29/09/2021

(Xây dựng) – Đại dịch Covid–19 đã đẩy người dân tại các đô thị lớn vào hoàn cảnh kiệt sức vì mất thu nhập nghiêm trọng, chật vật duy trì cuộc sống tối thiểu nhất là đủ ăn, đủ nước sạch và đủ điện dùng. Trong khi thực tế thì cuộc sống sinh hoạt nay đã khác xưa nhiều lắm, trong đó đã phát sinh những chi phí mới trở thành gánh nặng trong quỹ chi tiêu hàng tháng của mỗi gia đình. Mới đây, cử tri Hà Nội đã đề xuất mong muốn được giảm giá phí dịch vụ chung cư để phần nào giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được xem xét tới.

ha noi ganh nang mang ten phi dich vu chung cu
Các cư dân sống tại chung cư đểu mong được giảm giá phí dịch vụ do gặp khó khăn về tài chính, việc làm không ổn định.

Cư dân bị ảnh hưởng bởi dịch

Dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của nhiều người trong xã hội. Đối với những người dân sống tại các tòa chung cư, họ không chỉ phải lo về các khoản tiền để ổn định cuộc sống mà còn phải trả một khoản phí chung cư hàng tháng theo quy định của Nhà nước.

Trong khuôn viên các tòa chung cư thương mại thường được tích hợp thêm nhiều dịch vụ tiện ích như bể bơi, khu vui chơi cho trẻ em… để phục vụ riêng cho cư dân sống tại đây. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên mọi dịch vụ tiện ích đều đóng cửa để phòng chống dịch.

Theo khảo sát, trong các tháng Hà Nội thực hiện giãn cách, cư dân nhiều khu đô thị mới vẫn phải đóng đầy đủ mức phí từ 1-2 triệu đồng bao gồm cả những tiện ích này mặc dù không được sử dụng dịch vụ. Vào thời điểm thu nhập bị giảm mạnh, cư dân đều muốn có thể được giảm bớt một phần chi phí, tuy nhiên ban quản lý, ban quản trị đều không có động thái giảm giá phí do vướng nhiều nguyên nhân.

Hay tại nhiều dự án chung cư xã hội, chung cư tái định cư, mức phí dịch vụ cư dân phải đóng vẫn thực hiện theo đúng quy định. Trong khi đó, đối tượng mua nhà ở xã hội, chung cư tái định cư lại thường có thu nhập thấp hơn so với những người mua nhà ở thương mại. Việc xoay xở chi tiêu và đóng phí trong khoản thu nhập ít ỏi đã khiến nhiều gia đình gặp khó khăn, đặc biệt là khi lao động chính trong một số gia đình làm kinh doanh nhỏ lẻ hoặc nhân viên quán ăn, cửa hàng bán quần áo… mất việc vì đóng cửa nhiều tháng nay.

Gia đình chị Nguyễn Hải Anh đã mua một căn hộ 62m2 tại tòa chung cư xã hội nằm tại quận Long Biên từ năm 2015. Hiện tại, mức phí dịch vụ mà chị phải đóng theo diện tích căn hộ là 4.000 đồng/m2, phí trông giữ xe là 80.000 đồng/xe máy, 30.000 đồng/xe đạp thường, 60.000 đồng/xe điện với 2 chiếc xe máy, 1 xe đạp thường và 1 xe đạp điện và tiền nước. Như vậy tính ra mỗi tháng chị Hải Anh phải đóng gần 700.000-800.000 đồng tiền chi phí dịch vụ.

“Chồng tôi làm công nhân thu nhập một tháng 6-7 triệu đồng, còn tôi làm việc tại cửa hàng bán đồ ăn thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Do dịch bệnh, chủ hàng ăn về quê không bán nữa nên tôi mất việc, giờ chủ yếu phải dựa vào nguồn thu nhập của chồng. Thu nhập bấp bênh khiến gia đình tôi phải tìm cách chi trả đủ các khoản sinh hoạt như tiền điện, tiền nước, tiền phí chung cư, tiền ăn uống và mua bán hàng ngày, chưa kể các khoản phí khác phát sinh”, chị Hải Anh chia sẻ.

Được biết, khoản phí chung cư vẫn được giữ nguyên trong suốt thời gian khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều cư dân nhà ở xã hội cũng đã có đề xuất với ban quản trị về việc có thể linh hoạt các phương án giảm giá phí hỗ trợ cư dân khi nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính, không có việc làm ổn định.

Tuy nhiên, việc giảm giá hay thay đổi giá phí dịch vụ phải được biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư (bất thường hoặc thường niên), chưa có chính sách áp dụng riêng trong mùa dịch. Do vậy, việc đề xuất này khó thực hiện khi ban quản trị và bên công ty quản lý vận hành nhà thông báo không đủ cơ sở để chấp thuận đề xuất dù thấu hiểu khó khăn của cư dân.

Chưa có căn cứ pháp lý để giảm giá

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, thành phố Hà Nội đã có chính sách an sinh xã hội miễn giảm tiền nước sinh hoạt, miễn giảm học phí. Tuy nhiên chưa có chính sách miễn giảm phí dịch vụ chung cư các khu đô thị.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, quy định về phí, lệ phí thì tại Điều 2 Thông tư số 85/2019 của Bộ Tài chính quy định về danh mục 21 khoản phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, trong đó không có phí dịch vụ chung cư. Ngoài ra, quy định về giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được quy định tại Điều 106 Luật Nhà ở số 65/2014.

Đầu năm 2017, UBND thành phố ban hành Quyết định 243/2017/QĐ-UBND về công bố khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn. Trong đó quy định khung giá cụ thể đối với loại nhà chung cư có thang máy từ 1.200-16.500 đồng/m2/tháng và loại nhà chung cư không có thang máy từ 700-5.000 đồng/m2/tháng.

UBND Hà Nội cho rằng, khung giá dịch vụ nhà chung cư đã được UBND thành phố quy định đã được áp dụng từ ngày 12/1/2017 cho đến nay và chưa có sự thay đổi về giá dịch vụ.

Bên cạnh đó, tại Điều 3 của Quyết định 243/2017/QĐ-UBND quy định: “Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, Ban quản trị nhà chung cư căn cứ các quy định Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng để xây dựng giá (hoặc điều chỉnh giá) dịch vụ nhà chung cư báo cáo Hội nghị nhà chung cư quyết định mức giá dịch vụ nhà chung cư để làm cơ sở tổ chức thực hiện”.

Như vậy, giá dịch vụ nhà chung cư do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Trường hợp chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.

Ngoài ra, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ban hành về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư trên địa bàn.

Tại Điều 7 có quy định hỗ trợ một phần các nội dung chi cho công tác quản lý vận hành nhà chung cư phục vụ tái định cư theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 của Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Theo đó, mức hỗ trợ một phần kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư phục vụ tái định cư được xác định bằng 50% mức giá dịch vụ quản lý vận hành đang áp dụng của tòa nhà nhưng tối đa không quá mức giá dịch vụ quản lý vận hành tối thiểu (đồng/m2 sàn sử dụng) của chung cư theo khung giá dịch vụ nhà chung cư…

Do đó, UBND Thành phố Hà Nội khẳng định việc miễn, giảm phí dịch vụ chung cư các khu đô thị hiện nay chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện. UBND thành phố cho biết trong thời gian tới các Sở, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo thành phố cơ chế, chính sách liên quan đến giá dịch vụ nhà chung cư theo quy định.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load