Thứ sáu 26/04/2024 19:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Điểm danh một số dự án nhà ở xã hội để người dân sử dụng không đúng mục đích

22:12 | 13/01/2022

(Xây dựng) – Thành phố Hà Nội vừa “bêu tên” 1 số dự án nhà ở xã hội để xảy ra tình trạng hàng trăm trường hợp mua nhà ở xã hội rồi cho ở nhờ, thuê lại, hoặc không sử dụng hoặc đập thông căn hộ trái phép.

ha noi diem danh mot so du an nha o xa hoi de nguoi dan su dung khong dung muc dich
Dự án Ecohome 1 và Ecohome 2 có tổng 358 trường hợp cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng căn hộ.

Ngày 31/12/2021, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5488/QĐ-UBND về chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố có 12.659 căn hộ nhà ở xã hội tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn có khoảng 43 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, phục vụ một số nhóm đối tượng theo quy định, tương đương 49.721 căn hộ. Trong đó có 26 dự án độc lập gồm 19.320 căn hộ và 17 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có nhà ở xã hội với khoảng 30.401 căn hộ.

Qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích. Trong đó có thể kể đến như một số sai phạm điển hình như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích tại dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng. Cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng căn hộ tại dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp; Khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 Khu đô thị mới thuộc các lô đất N1 + N3 Khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp.

Quyết định số 5488/QĐ-UBND cũng chỉ ra nguyên nhân có thể dẫn đến 1 số trường hợp không đúng đối tượng vẫn được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là do Cục thuế Hà Nội không cung cấp thông tin người nộp thuế mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho Sở Xây dựng với lý do bảo mật thông tin người nộp thuế. Từ đó, Sở Xây dựng không nắm được đối tượng nào không đủ điều kiện để loại khỏi danh sách hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.

UBND Thành phố Hà Nội cũng xác định nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do các chủ đầu tư dự án, UBND các quận, huyện nơi có nhà ở xã hội và các bên liên quan chưa thực hiện tốt việc giám sát đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định.

Ngoài ra, trong công tác quản lý vận hành, bảo hành, bảo trì nhà chung cư là nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai kế hoạch, chỉ đạo của thành phố tại 1 số quận, huyện còn chậm, thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Công tác quản lý Nhà nước tại địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm khiến hiệu quả chưa cao; UBND các quận, huyện chưa sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; Một số chủ đầu tư chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư…

Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có trao đổi với đại diện chủ đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 và Ecohome 2 là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô và được Công ty trả lời như sau: Tổng số căn hộ tại 2 dự án này là gần 2.000 căn, cả 2 dự án đã được xây dựng và bàn giao đi vào sử dụng trên 5 năm (Ecohome 1 trên 7 năm và Ecohome 2 trên 6 năm). Do vậy, cả hai dự án Ecohome 1 và Ecohome 2 đều đã đáp ứng thời gian tối thiểu 5 năm (thời gian tối thiểu người thuê mua trả hết tiền) và đối chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành thì 2 dự án này thì người thuê mua được thực hiện đầy đủ các quyền của chủ sở hữu nhà ở.

Theo Luật sư Lê Hữu Linh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Mặc dù pháp luật có quy định rõ sau thời gian 5 năm kể từ khi trả hết tiền thì chủ sở hữu nhà ở xã hội có quyền bán lại, cho thuê lại. Nhưng, thời điểm nào để xác định được thời điểm trả hết tiền thuê mua đủ 5 năm. Trả hết tức là phải trả hết 100%. Ví dụ như trường hợp dự án Ecohome 1 và Ecohome 2 nói trên, mặc dù đã được bàn giao trên 5 năm nhưng nếu tính thời điểm người dân trả hết tiền thì chưa chắc đã đáp ứng đủ 5 năm? Các cơ quan chức năng cần phải làm rõ để tránh tình trạng “mập mờ” trong quá trình quản lý bán, cho thuê của các chủ đầu tư. Đảm bảo công bằng xã hội, áp dụng đúng đối tượng được hưởng ưu đãi.

Hiện nay, vấn đề nhà ở xã hội đang được Nhà nước và nhân dân rất quan tâm, sau khi Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Thực trạng nhà ở xã hội và giải pháp” đã nhận được sự đồng tình của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh. Từ đó, tạo bước đệm phát triển cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, những tồn tại nói trên của 1 số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội là “hồi chuông” cảnh báo cho các nhà quản lý, các chủ đầu tư, chính quyền các cấp phải thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, giám sát chặt chẽ từ quá trình phê duyệt dự án, đầu tư xây dựng, sàng lọc đối tượng, quản lý vận hành nhằm thực hiện có hiệu quả “chiến dịch” nhà ở xã hội.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load