(Xây dựng) – Vài tháng trở lại đây, gần chục người dân đã bán đất lúa cho doanh nghiệp với giá 294 triệu/sào, doanh nghiệp cũng đã kịp xây hết tường bao, nhập phần diện tích này vào Công ty của mình, nhưng lãnh đạo xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội lại “hồn nhiên” cho rằng, chỉ là “hỗ trợ”, còn doanh nghiệp lại khẳng định “chúng tôi không mua”?.
Từ đầu tháng 5/2020, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã nhận được thông tin phản ánh gần chục hộ dân ở thôn Bảo Tháp, xã Kim Hoa (các hộ nhà ông Lại, bà Nga, ông Thể, ông Quyết…) đem bán đất lúa với giá 294 triệu đồng/sào, phần đất này sau đó được xây tường bao, nhập vào Công ty TNHH dây và cáp điện Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn).
Nhiều diện tích đất lúa được doanh nghiệp tự ý mua bán với người dân, sau đó xây tường, bao nhập vào diện tích Công ty Hoàng Sơn. |
Nhận được thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã xuống hiện trường và ghi nhận việc hàng trăm mét tường rào kiên cố cũ đã được dỡ bỏ, nhiều thợ xây đang xây dựng tường bao mới cho Công ty Hoàng Sơn. Phóng viên được biết, việc xây dựng này đã diễn ra nhiều tuần nay, sau khi có Công ty đã thu mua hàng chục ruộng lúa non của người dân ở các xóm Giải, xóm Đông, xóm Gai… thôn Bảo Tháp.
Ngay sau đó, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với ông Lê Xuân Trường - Chủ tịch xã Kim Hoa, nhưng ông Trường lại tỏ ra không biết vụ việc trên, sau đó liên tục “trốn tránh” rồi kéo dài lịch hẹn làm việc với phóng viên. Sau hơn một tháng kiên trì liên lạc, phóng viên cũng có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Kim Hoa.
Tại buổi làm việc, ông Lưu Đức Bình - cán bộ địa chính cho biết: Công ty Hoàng Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án giai đoạn 2007 – 2008. Phần diện tích mới xây dựng của Công ty Hoàng Sơn vào khoảng 500m2. Phần diện tích này biết không phải mua lại mà là “hỗ trợ thêm” người dân, ngày trước Công ty đã bồi thường. Khi triển khai Công ty chưa có văn bản thông báo về công tác triển khai xây dựng đối với địa phương.
Thông tin thêm, ông Dương Thế Đăng - Phó Chủ tịch xã Kim Hoa, cho biết: Vào đầu năm 2020, tại cuộc họp với đại diện các ban, ngành của xã, Chủ tịch xã có thông báo là Công ty Hoàng Sơn có nguyện vọng là muốn tiếp tục triển khai xây dựng nốt đoạn tường rào của Công ty.
Tuy nhiên, khi phóng viên xin cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc mua bán trước đây và “hỗ trợ” bây giờ thì lãnh đạo xã Kim Hoa lại không cung cấp được bất kỳ một giấy tờ gì.
Hàng trăm mét tường bao đã ôm trọn cả chục ô đất lúa của người dân, nhưng ông Trần Việt Hưng, đại diện Công ty Hoàng Sơn lại khẳng định không mua của dân. |
Để có thêm thông tin và theo hướng dẫn của lãnh đạo UBND huyện Mê Linh, phóng viên liên hệ với ông Trần Việt Hưng - đại diện Công ty Hoàng Sơn về vấn đề thu mua, chuyển đổi đất nông nghiệp của người dân. Nhưng rất bất ngờ, ông Trần Việt Hưng lại trả lời khác hoàn toàn với lãnh đạo xã Kim Hoa. Ông Hưng khẳng định: "Tôi nghĩ có sự nhầm lẫn, chắc chắn chúng tôi không mua. Công ty mua thì phải phải xuất tiền ra mua chứ... Bọn tôi về đây làm ăn lâu dài, chứ có phải về đây buôn đất đâu".
Phóng viên cũng trao đổi với nhiều người dân thôn Bảo Tháp, họ đều khẳng định là nhiều hộ dân đã bán đất lúa cho doanh nghiệp và kể rành mạch từng hộ dân đã bán. “Làm gì có chuyện hỗ trợ với giá 294 triệu/sào, cao gấp nhiều lần giá ngày xưa mọi người bán cho công ty Hoàng Sơn những năm 2007 – 2008”, Một người dân ở xóm Giải khẳng định với phóng viên.
Ở xã Kim Hoa, không chỉ “kỳ lạ” với chuyện mua bán đất lúa trên mà còn nhan nhản các trường hợp tự ý chuyển đổi, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Trả lời về vấn đề này, ông Lưu Đức Bình - cán bộ địa chính cho hay thời gian qua địa phương cũng đã tiến hành lập biên bản, hồ sơ gửi các cấp xin ý kiến xử lý. Đối với các văn bản xử lý sẽ báo cáo Chủ tịch rồi trả lời phóng viên sau. Tuy nhiên, sau buổi làm việc, phóng viên chưa nhận được thông tin phản hồi của lãnh đạo xã Kim Hoa.
Phải chăng, lãnh đạo xã Kim Hoa đã và đang thể hiện sự yếu kém, hay vì sự “mập mờ” nào đó mà buông lỏng công tác quản lý đất đai tại địa phương để doanh nghiệp tự ý mua bán, chuyển đổi đất lúa, để người dân san lấp, xây dựng trên đất nông nghiệp làm nơi kinh doanh,.. rất cần sự vào cuộc của huyện Mê Linh.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Văn Nhất
Theo