Thứ tư 05/02/2025 18:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hà Nội: Cần nhanh chóng xử lý các dự án “bỏ hoang”, chậm tiến độ nhiều năm

11:09 | 25/04/2019

(Xây dựng) – Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội còn tồn tại nhiều dự án “bỏ hoang”, chậm tiến độ và các vị trí “đất vàng” bị biến tướng, sử dụng sai mục đích. TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo và quyết định thu hồi các dự án này, tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng dự án “chây ì” nhiều năm chưa thể giải quyết triệt để.

Dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate tại Quốc Oai.

Trong đó phải kể đến dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate mà Báo điện tử Xây dựng đã có loạt bài viết “Vì sao dự án Hà Nội Westgate “bất động” nhiều năm?” và “Cận cảnh dự án Hà Nội Westgate “ôm” đất bỏ hoang suốt 10 năm”.

Dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate có quy mô khoảng 44,4ha (tên cũ là Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai, Hà Nội) được giao đất từ năm 2008 và đã nhiều lần điều chỉnh, gia hạn thời gian để thực hiện dự án.

Sau đó, ngày 31/10/2013, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 011022002140 cho Cty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Cty CP Tài chính và phát triển doanh nghiệp và Cty Keppel Land Ivestment Hà Nội Pte.Lte) đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate với tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Dù sau đó dự án đã hoàn thành phần giải phóng mặt bằng, tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn chưa chính thức khởi công xây dựng. Dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate đã được giao đất từ 10 năm nay, vào năm 2018, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 948/TB-UBND về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh theo hướng kéo dài thêm 5 năm. Thế nhưng cho đến nay, vị trí khu đất của dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Từ năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư công khai hàng loạt các dự án bất động sản bị thu hồi do chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội như: Dự án Nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên tại 13 Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai) của Cty CP tư vấn thiết kế kiểm định và địa kỹ thuật; Dự án Khu văn phòng tại 18 phố Cao Bá Quát (quận Ba Đình) do Cty TNHH MTV môi trường đô thị làm chủ đầu tư; Dự án bệnh viện đa khoa Quang Trung tại Khu đồng Đế Mơ (quận Hoàng Mai) do Cty CP bệnh viện đa khoa Quang Trung làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị Monaco Garden tại ô CC1, CC3, N4 tại xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) do Cty CP Đầu tư và thương mại hệ thống quốc tế Nettra làm chủ đầu tư.

Được biết, Cty CP Tài chính và phát triển doanh nghiệp là chủ đầu tư của dự án tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 03/7/2008.

Ngoài ra phải kể đến dự án Khu dịch vụ, đào tạo nhân sự cao cấp và văn phòng làm việc tại tổ 6 phường Mễ Trì (quận Nam Từ liêm) do Cty CP thương mại, dịch vụ và đầu tư Phú Hòa làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy xử lý và tái chế rác tại xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) do Cty CP đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư; Cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn giai đoạn I, chi nhánh 2 tại huyện Sóc Sơn của Cty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội; Dự án khai thác đất để làm vật liệu san lấp tại xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) của Cty CP Vật liệu Phú Đạt; Dự án khai thác đất để làm vật liệu san lấp tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) do Cty CP Vật liệu Phú Đạt làm chủ đầu tư; Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở Vai Réo tại xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) do Cty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng làm chủ đầu tư…

Cùng số phận với dự án Khu đô thị Westgate, dự án Sông Hồng City cũng đã “đắp chiếu” 20 năm nay. Từ năm 1994, dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 1059/GP, theo đó Cty Phát triển đô thị (là Cty liên doanh giữa Cty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội và Cty Antara Koh Development (v) Pte. Ltd.,Singapore) xây dựng khu nhà ở, Văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê. Trong đó, thời hạn hoạt động của Cty liên doanh là 45 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

Dự án Nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên tại 13 Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai) do Cty CP Tư vấn thiết kế kiểm định và địa kỹ thuật làm chủ đầu tư nằm trong danh sách bị thu hồi.

Đến tháng 9/1995, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E0373660 cho Cty Phát triển đô thị theo Quyết định số 3299/QĐ-UB để thực hiện dự án Sông Hồng City.

Như vậy, đã 23 năm trôi qua, dự án vẫn “đóng băng” chưa triển khai, cùng với đó chủ đầu tư buông lỏng quản lý, đất dự án bị sử dụng sai mục đích.

Hơn thế, cuộc sống của nhiều hộ dân tạm bợ, vá víu khi nhà đất của họ không được xây dựng sửa chữa, sang nhượng hay mua bán... Trong khi nhiều công trình của người dân đều đã xuống cấp, dân số cơ học liên tục tăng. Ngoài ra, một số người dân còn lấn chiếm, dựng lều quán, ki ốt và các điểm trông giữ xe trái phép gây bức xúc cho những người sinh sống tại khu vực, làm thất thoát tài sản công.

Có thể thấy, Dự án Sông Hồng City “treo” hơn 20 năm không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trên địa bàn, mà còn gây ra những khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần gửi công văn đến các cấp có thẩm quyền báo cáo, đề nghị sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Trước tình trạng trên, cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu các Sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc, đề xuất biện pháp xử lý, xem xét triển khai dự án. Tuy nhiên, những chỉ đạo của UBND TP Hà Nội vẫn chưa giải quyết triệt để được những bức xúc của người dân sinh sống tại khu vực dự án Sông Hồng City.

Có thể khẳng định, để chấm dứt tình trạng trên, các cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay hơn nữa cùng những hành động cụ thể để giải quyết, thu hồi những dự án “chây ì”, “đóng băng” nhiều năm, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, mất trật tự an toàn trên địa bàn TP Hà Nội.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load