Thứ tư 05/02/2025 17:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hạ Long (Quảng Ninh): Nên hay không nên “trảm” điểm du lịch sinh thái rừng đẹp nhất ở địa phương

18:53 | 06/12/2018

(Xây dựng) - Ngăn suối Đá Bàn, mở du lịch trái phép và với những tiêu đề tương tự đã khiến dư luận cộm lên, chính quyền sầm sập ra quyết định tháo dỡ công trình xây dựng trên đất. Người vi phạm thì “chạy đôn, chạy đáo” tìm người giúp đỡ tránh hiểm họa khuynh gia. Tiếp nhận thông tin thì trăm người mười ý, nhưng tựu chung có 2 ý kiến khác nhau. Người bảo chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý đất đai, người nặng lòng xót xa với hệ lụy “cải cách đất đai”, khiến một cơ sở kinh tế biến thành đống gạch vụn, người dân mất cơ mất nghiệp.

Cảnh quan môi trường sinh thái.

Báo điện tử Xây dựng thực tế, khách quan lật tìm vụ việc, cho thấy dư luận cộm lên việc ngăn suối Đá Bàn, mở dịch vụ du lịch trái phép là có. Dịch vụ du lịch suối Đá Bàn thuộc tổ 5, thôn Vạn Yên, phường Việt Hưng (TP Hạ Long). Suối Đá Bàn bờ này là đất TP Hạ long, bờ kia là đất huyện Hoành Bồ, hạ lưu chảy qua Cầu Nóng trên Quốc lộ 279 và đổ ra sông Trới. Vài năm nay, thung lũng suối Đá Bàn mọc lên một dịch vụ du lịch sinh thái khá đẹp. Đài đã từng nói, báo đã từng đăng bài ca ngợi cảnh quan du lịch sinh thái ở đây. Ngày 3/9/2018, QTV - Đài truyền hình địa phương còn giới thiệu suối Đá Bàn là điểm mới của du lịch Quảng Ninh.

Dịch vụ này được Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao cấp phép.

Lật lại thời gian, hồi Mỹ không kích khu Mỏ, dân tản cư vào đây tránh bom đạn, dựng nhà, khẩn khai đất hoang làm vườn, chăn nuôi, trồng trọt, trường học cũng vào đây sơ tán. Hết chiến tranh người đâu về đó, chỉ còn vườn tược và một vài căn nhà nhỏ dựng, cốt là để bảo vệ hoa lợi, trong đó có căn nhà tranh của bà Nguyễn Thị Đào. Năm 1996, bà Nguyễn Thị Đào xây dựng trên thổ đất này căn nhà cấp 4, cùng con cái ở luôn trong đó. Cơ ngơi, vườn ao chuồng có đến hàng mẫu đất, nhưng người nông dân vốn ít hiểu biết nên đất nhiều khai ít để tránh thuế đất đai. Cụ thể, bà Đào chỉ khai 380m2 đất thổ cư để nộp thuế hàng năm.

Chứng từ xác định nguồn gốc đất chịu thuế từ năm 2003, trong đó có 380m2 đất ở.

Năm 2003, anh Nguyễn Văn Tuấn (gọi bà Nguyễn Thị Đào là cô ruột), người cũng từng sinh ra trên thổ đất này rời quân ngũ, không việc làm, ngỏ ý mua lại thổ đất này để làm kinh tế theo mô hình VAC, mà khi ấy Nhà nước đang khuyến khích. Bà Nguyễn Thị Đào đã thuận ý, nhượng căn nhà cấp 4, cùng toàn bộ đất vườn và cánh rừng trên 3ha liền khoảnh cho anh Nguyễn Văn Tuấn.

Từ ngày tậu được đất đai bên bờ con suối, anh Nguyễn Văn Tuấn mở nghề VAC làm vườn, đào ao thả cá, nuôi lợn, kết hợp với trồng rừng. Họ đã từng được vinh danh hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương và nhiều năm được Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh khen thưởng.

Ở đây, anh Nguyễn Văn Tuấn ung dung canh tác, còn mở rộng trang trại mà không nghĩ đến việc phải lập số đổ. Năm 2009, phát sinh việc vay mượn ngân hàng cầm cố tài sản thế chấp, người nông dân này mới xin lập điền bạ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), thì lúc này đã muộn. Hộ anh Nguyễn Văn Tuấn không được cấp bìa đỏ, vì thổ đất nằm trong vùng quy hoạch đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn.

Năm 2015, theo phong trào du lịch sinh thái phát triển, anh Nguyễn Văn Tuấn bèn cải tạo ao nuôi cá thành bể tắm nguồn nước trời, nhà ở thì tân trang, cơi nới thành nhà nghỉ, còn xây thêm nhà hàng mở dịch vụ ăn uống.

Suối Đá Bàn mặc dù có tác động của con người nhưng còn giữ được cảnh sơ khai.

Suối Đá Bàn là một dòng suối từ rừng Hoành Bồ chảy ra, bốn mùa nước trong, đông ấm hè mát. Thác đá vốn đẹp, lại được bàn tay tài hoa của người thợ tôn tạo đã trở thành một quần thể du lịch sinh thái trong rừng đẹp nhất TP Hạ Long.  “Hữu xạ tự nhiên hương”, mùa hè dân Hạ Long và các địa phương lân cận kéo đến nghỉ ngơi cuối tuần. Tuổi trẻ thì nhu cầu sinh nhật, họp lớp, bơi lội; người già thì thú vui ngâm mình thư giãn trong làn suối lạnh ngày hè.

Năm 2017, anh Nguyễn Văn Tuấn đã sang tên cho người con là anh Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1993 đứng tên lập doanh nghiệp (Cty TNHH). Anh Nguyễn Thanh Tùng duy trì nghề cha đã dựng và được Sở Văn hóa và Thể thao cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể dục thể thao ở đây (Quyết định số 695/QĐ-SVH&TT).

Khu đất có dịch vụ du lịch sinh thái kề cận chân cầu vượt cao suối Đá Bàn tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Anh Nguyễn Thanh Tùng vừa kinh doanh, vừa lập Dự án đầu tư dịch vụ du lịch sinh thái (có hồ sơ lưu gửi cơ quan thẩm quyền). Tuy nhiên, việc lập một dự án đầu tư phải theo quy trình, không ngày một ngày hai là xong được. Thứ nữa đây còn là đất nằm trong quy hoạch xây dựng dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, con đường chưa xong, không thể dự án đè lên dự án được. 

Dịch vụ du lịch sinh thái suối Đá Bàn vẫn diễn ra bình thường với cơ sở vật chất xây dựng trên đất, chưa có một cơ quan cấp nào đến lập biên bản xử lý hay nhắc nhở. Đùng một cái, khi mà dư luận cộm lên sự việc doanh nghiệp mở du lịch trái phép, thì UBND TP Hạ Long lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và ra quyết định yêu cầu tháo dỡ, nếu không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Quyết định khiến cho chủ hộ kinh doanh không biết mình sai ở đâu.

Người dân xây dựng công trình không phép rõ là sai; Chính quyền xử lý, yêu cầu tháo dỡ là đúng, nhưng xét tình lý còn cộm lên những vấn đề cần quan tâm. Người dân xây dựng trên thổ đất nhà mình có thâm niên đời người, không phải đối tượng “nhảy dù” vào đất rừng... Công trình xây dựng không phép diễn ra bao năm nay, bao thế hệ lãnh đạo, chính quyền cơ sở chưa một lần nhắc nhở. Ai cũng nghĩ đơn giản, một dịch vụ nhỏ bên suối vắng đáp ứng nhu cầu “phượt” rừng, du lịch nhân dân. Công trình là sự chắt chiu đời người, còn là gánh vay nặng lãi đặt lên vai người nông dân chập chững bước vào làm dịch vụ thương mại.

Thế mà chỉ vì phản ứng tức thời của dư luận mà một quyết định “trảm” đưa được ra, khiến địa phương mất đi một cụm du lịch sinh thái bình dân quý giá. Một gia đình nông dân vừa “chân ướt chân ráo” nhập làng nghề dịch vụ rơi vào thảm cảnh bại sản, tan gia.

Nên chăng sai đâu sửa đấy, hướng dẫn cho người dân làm đúng quy trình đầu tư xây dựng để vắt đất hoang ra tiền. Thực tế, TP Hạ Long đã khuyến khích nhà đầu tư khai thác tiềm năng phục vụ dân sinh, chuyển đổi rừng nghèo thành đất dịch vụ giàu như: Sân Gol FLC, vòng quay mặt trời Sun Goup kinh doanh có hiệu quả, được nhân dân hoan nghênh.

Như vậy, TP Hạ Long rất nên giữ và đầu tư điểm du lịch sinh thái rừng đẹp nhất ở địa phương này. Để Hạ Long - thành phố du lịch có thêm một sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc - suối Đá Bàn điểm mới của du lịch Quảng Ninh mà cơ quan ngôn luận của địa phương đã từng quảng bá.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load