Thứ sáu 26/04/2024 23:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng Nai: Tìm cách trả “món nợ lớn” nhà ở cho công nhân

14:05 | 17/01/2022

(Xây dựng) - “Thiếu nhà ở xã hội, để công nhân ở trong những phòng trọ chật chội, chính là món nợ lớn mà Đồng Nai phải trả trong thời gian tới” - Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã nói như thế trong một lần đi khảo sát nhà trọ công nhân khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra nghiêm trọng tại tỉnh này. Đồng Nai được xem là thủ phủ khu công nghiệp của cả nước với hàng triệu lao động, trong đó hơn một nửa là lao động ngoại tỉnh, nên vấn đề nhà ở cho công nhân lao động trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành.

dong nai tim cach tra mon no lon nha o cho cong nhan
Ông Chu Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Đồng Nai.

Nhà ở công nhân – Món nợ lớn

Đồng Nai là tỉnh có lịch sử phát triển khu công nghiệp lâu đời nhất cả nước. Tỉnh này cũng được mệnh danh là thủ phủ khu công nghiệp và là thị trường thu hút nhiều lao động nhất nhì cả nước. Lượng lao động lớn đổ về trong khi hạ tầng xã hội không theo kịp đã khiến cho những người công nhân lao động phải sống vất vả trong những khu nhà trọ chất chội, kém an toàn, không đảm bảo.

Có thể nói thời điểm hiện nay, bất cứ khu dân cư nào trên địa bàn Đồng Nai cũng có thể tìm thấy những khu nhà trọ do người dân xây dựng dành cho công nhân thuê. Tại các khu nhà trọ này gần như chẳng lúc nào có phòng trống. Nhu cầu nhà trọ nhiều đến mức nó trở thành một phân khúc sôi động trong thị trường bất động sản cho thuê.

Nhu cầu lớn, các khu phòng trọ xây dựng giống nhau như một công thức: diện tích bình quân 15m2, phòng sát phòng, 2 dãy nhà quay mặt vào nhau, lối đi ở giữa khoảng 3m. Tùy theo diện tích đất, chủ nhà sẽ quyết định khu phòng trọ ít dãy hay nhiều dãy.

Diện tích phòng trọ cũng là không gian sinh hoạt cho tất cả thành viên thuê trọ. Trừ diện tích phòng vệ sinh khoảng 2m2, phần diện tích còn lại dành cho tất cả sinh hoạt tối thiểu như ăn, ngủ, chỗ để xe... Lối đi giữa các dãy phòng cũng là chỗ để xe, đồng thời là sân chơi chung của khách trọ và bên trên là không gian phơi đồ. Chính những cảnh tượng này đã tạo nên nét nhếch nhác đặc trưng tại những khu nhà trọ tự phát. Nhà trọ đúng nghĩa là nơi chỉ để ngủ sau những giờ làm việc căng thẳng.

Theo quy hoạch, Đồng Nai sẽ có 39 khu công nghiệp với diện tích khoảng 18.000ha. Hiện nay, mới có khoảng 31 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với khoảng 640.000 công nhân. Trong đó, hơn một nửa là lao động ngoại tỉnh nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Ngoài ra, còn phải kể đến những công nhân lao động không nằm trong các khu - cụm công nghiệp.

Theo số liệu của Ban quản lý khu công nghiệp Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 410.000 công nhân lao động đang có nhu cầu về nhà ở, hiện nay tỉnh đang thiếu khoảng 200.000 căn nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, tính đến cuối tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh mới hoàn thành được gần 1.600 căn nhà ở cho công nhân, chỉ đáp ứng được 1/125 nhu cầu về nhà ở của đối tượng này. Số còn lại, họ phải sống trong các khu nhà trọ chật chội, không đảm bảo.

Sở này cũng cho biết, nếu tính cả 3 dự án đang triển khai, thì tổng số nhà ở xã hội mới chỉ đạt được 4.500 căn. Còn nếu tính cả 2.500 căn dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới thì tỉnh cũng mới có khoảng 7.000 căn, chỉ bằng 1/28 lần so với nhu cầu.

dong nai tim cach tra mon no lon nha o cho cong nhan
Toàn cảnh khu nhà ở xã hội Idico Urbiz - Nhơn Trạch rộng 10ha.

Là một tỉnh phát triển khu công nghiệp lâu đời như vậy, nhưng lại để xảy ra tình trạng thiếu nàh ở trầm trọng cho công nhân, người đứng đầu tỉnh Đồng Nai trong nhiệm kỳ này đã tự nhận đó là “món nợ lớn” mà Đồng Nai phải trả trong thời gian tới.

Mô hình khu đô thị công nhân

Một trong những khu đô thị công nhân nằm trong khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Đồng Nai là Khu nhà ở xã hội Nhơn Trạch - Idico Urbiz. Đây cũng là khu đô thị công nhân duy nhất của tỉnh này cho tới thời điểm hiện tại. Khu đô thị này do công ty Công ty TNHH một thành viên Phát triển Đô thị và KCN Idico xây dựng trên địa bàn xã Phước Thiền và thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, nằm trong khu công nghiệp Nhơn Trạch 1. Gọi là khu đô thị công nhân là bởi ở đây đối tượng ở chủ yếu là công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp và vợ, chồng con cái của họ.

Khu đô thị rộng 10ha, gồm khoảng 10 block nhà cao từ 5-8 tầng, có thang máy. Hàng loạt những công trình tiện ích tương xứng với quy mô của tòa nhà như: một sân bóng đá lớn rộng cả ngàn m2 được bao bọc bởi các tòa nhà; công viên thênh thang được trang bị hàng loạt thiết bị tập thể dục cho cư dân; khu hồ bơi và điểm nhấn khiến cư dân cảm thấy ổn nhất là cụm trường học từ cấp 1 đến cấp 3 nằm ngay trong khuôn viên của dự án.

10 block nhà với 1.500 căn hộ được chủ đầu tư chia thành 2 phần gồm: 6 block để bán và 4 block cho thuê. Theo Ban quản lý cụm nhà xã hội, diện tích bình quân của căn hộ khu bán dao động từ 32 - 58m2, khu căn hộ cho thuê có diện tích nhỏ hơn từ 25 - 45m2. Giá bán chỉ từ 300 triệu đồng/căn, người mua chỉ phải nộp trước 65 triệu đồng, còn lại được trả góp với lãi suất ưu đãi. Đối với bên cho thuê, giá thuê ở mức cao nhất là 1,5 triệu đồng/ căn/ 45m2.

Theo ông Ngô Mạnh Hoạch - Phó Ban quản lý dự án, toàn bộ những người được sử dụng sản phẩm tại cụm nhà này là công nhân và được xét theo tiêu chuẩn của Nhà nước nên tránh được tình trạng mua bán sang nhượng sai đối tượng. Công nhân muốn sở hữu sản phẩm căn hộ phải đạt được những yêu cầu như phải có hộ khẩu tại Đồng Nai, phải là người lao động đang làm việc tại các KCN Đồng Nai, chưa có nhà, đất và lương không phải chịu thuế thu nhập. Người muốn vào thuê thì phải là công nhân đang làm việc tại các công ty trong KCN và phải là người được đóng BHXH.

Về cư trú trong khu nhà xã hội của Công ty Idico, với chị Lê Mỹ Dung, giáo viên mầm non, trường Mầm non Sao Việt, KCN Nhơn Trạch, Đồng Nai, cảm giác an toàn là cảm nhận rõ nhất. “Trước đây khi sống trong những nhà trọ của người dân, trên đường đi làm về chỉ cầu mong sao cái phòng được bình an, bây giờ xe để trong bãi có người bảo vệ nên nghỉ ngơi thấy thoải mái không còn phập phồng nữa…” - chị Dung chia sẻ.

Cùng tâm trạng thoải mái với chị Dung, chị Vũ Phương Ngân, giáo viên trường Mầm non Bình Minh góp chuyện, môi trường cây xanh trong lành, về nhà có thể ra tập thể dục trong công viên bất kỳ lúc nào, con cái cho ra công viên chơi mà không sợ vì có bảo vệ giám sát liên tục. “320 triệu cho một căn hộ 38m2, kèm theo hàng loạt những tiện ích hỗ trợ tạo thành không gian ở, nghỉ ngơi tốt thế này đối với người lao động có thu nhập thấp như chúng tôi là quá ổn rồi. Bạn tôi nhiều người vẫn phải sống trong những khu xô bồ ẩm thấp, mong sao có thêm nhiều những khu nhà thế này, thuê cũng được hoặc bán cho trả góp để người lao động có chỗ ở tử tế, yên tâm làm ăn sinh sống thì quá tốt” - chị Ngân trải lòng.

Quỹ đất đã có, nhưng…

Theo ông Chu Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Đồng Nai, hiện nay số lượng nhà xã hội, nhà lưu trú công nhân vẫn rất khiêm tốn. Việc phát triển nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 dạng nhà ở công nhân: một là nhà ở theo dự án và nhà ở công nhân theo hộ gia đình kinh doanh. Đối với mô hình nhà ở công nhân theo dự án, cái khó chính là chính sách chưa khuyến khích nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng chưa đáp ứng được tốt nhất. “Miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế là những hỗ trợ thiết thực, đầu tư chắc chắn có lời nhưng thời gian thu hồi vốn kéo dài, chưa kể tiền lãi từ những khoản vay đầu tư, trong khi chính sách hỗ trợ vốn thì chưa tiếp cận được, khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại không muốn tham gia phát triển mô hình nhà cho công nhân. Đây cũng là một thực tế khó”- Ông Hùng nói.

Thông thường, cái khó nhất đối với việc xây nhà ở công nhân chính là quỹ đất và vốn. Riêng tại Đồng Nai, ông Hùng cho biết, quỹ đất đã có. Tỉnh Đồng Nai sẽ dành khoảng 310ha đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong giai đoạn 2021 – 2030. Tỉnh đảm bảo đủ quỹ đất để kêu gọi đầu tư, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. “Sắp tới sẽ có thêm 9 KCN, gần như các huyện của Đồng Nai đều có KCN, thật khó để nói mô hình nhà lưu trú mang tính chất hoàn hảo, ưu việt nhất được. Việc chọn mô hình nhà lưu trú công nhân sẽ tùy vào tính chất đặc thù từng địa phương, để có được giá thành thuê phù hợp với thu nhập người lao động và phù hợp với hạ tầng xã hội của từng cụm, từng khu công nghiệp. Trong kế hoạch phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội của tỉnh Đồng Nai có 5 mô hình như: Nhà nước trực tiếp đầu tư để cho công nhân thuê lại, hay mô hình Nhà nước đầu tư hạ tầng, giao đất cho doanh nghiệp sử dụng lao động đầu tư xây dựng và cho công nhân thuê lại… Với bất kỳ mô hình nào thì giá thuê phải được tỉnh kiểm soát, không mang tính kinh doanh mà phải đảm bảo phù hợp với thu nhập của người lao động…”, ông Hùng chia sẻ.

dong nai tim cach tra mon no lon nha o cho cong nhan
Nhà ở công nhân trong “Khu đô thị công nhân”.

Để chuẩn bị cho những bước phát triển nhà ở trong năm mới, tỉnh Đồng Nai đã rà soát tổng quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân, nhà xã hội với số quỹ đất lên đến 640ha. Trong đó, có 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại và khoảng 140ha quỹ đất công để kêu gọi đầu tư, xây dựng nhà công nhân. Quỹ đất đã có nhưng với những khó khăn về chính sách, về vốn như hiện nay, thì “món nợ lớn” nhà ở cho công nhân sẽ vẫn là món nợ khó trả trong thời gian dài. Dẫu có nỗ lực bao nhiêu nhưng nếu không có sự quyết liệt trong việc xây dựng một bộ khung pháp lý riêng cho mô hình này thì tất cả vẫn còn ở phía trước.

Ông Chu Việt Hùng, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản Đồng Nai

Để phát triển nhà ở cho công nhân, trong giai đoạn từ nay đến 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chú trọng thực hiện triển khai dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhóm nhà giành riêng cho công nhân thuê. Sau một thời gian thuê, nếu có điều kiện thì công nhân vẫn có thể mua lại nhà ở xã hội đó.

Để triển khai những dự án nhà ở xã hội này, tỉnh Đồng Nai sẽ chọn những vị trí có quỹ đất sạch, khuyến khích nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu, xây dựng những dự án nhà xã hội giá rẻ. Đặc biệt, đối với công nhân khi thuê rồi nếu muốn mua lại thì sẽ được hỗ trợ sang khu vực nhà ở xã hội do các đơn vị kinh doanh bất động sản đầu tư để đảm bảo ổn định lâu dài.

Nhóm Tâm Bút

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load