Thứ bảy 14/09/2024 18:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Lao động

Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

21:47 | 05/08/2024

(Xây dựng) - Ngày 5/8, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: Đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Hội thảo sẽ tập trung làm rõ thực trạng tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, nhất là sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (những kết quả quan trọng đã đạt được, các hạn chế, bất cập cũng như nguyên nhân trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn).

Trên cơ sở đó, thảo luận, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW trong thời gian tới.

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sớm ban hành và tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đến nay, đã có 14/35 đề án, kế hoạch theo chương trình hành động được triển khai thực hiện; 21 nội dung đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất theo tiến độ.

Với tinh thần nhìn lại để đi tới, đổi mới để phát triển, kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã qua, những kết quả đã đạt được, vị trí đang đứng cũng như những thách thức đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn, từ đó định hướng, xác định những giải pháp nhằm phát triển Công đoàn trong tương lai, trên cơ sở bám sát, cụ thể hóa những quan điểm, nội dung nhiệm vụ, giải pháp đã được đề cập trong Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị. Đó là một yêu cầu có tính cấp thiết đối với tổ chức Công đoàn.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận làm rõ 4 vấn đề, gồm:

Thứ nhất, thảo luận và làm rõ giá trị quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tổ chức và hoạt động Công đoàn, về vai trò của Công đoàn là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, thảo luận và đánh giá quá trình xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách về đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới.

Thứ ba, thảo luận, đánh giá khách quan thành tựu, hạn chế và vấn đề đặt ra trong tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam hiện nay, nhất là những những vấn đề mới phát sinh khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thứ tư, thảo luận, đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong đó có cả “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn hiện nay” nhằm quản lý tốt, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của đoàn viên Công đoàn cho sự phát triển của đất nước.

Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận làm sâu sắc thêm các vấn đề thuộc cơ sở lý luận, pháp lý về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới như: Tập trung phân tích các chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tổ chức Công đoàn cũng như những thành tựu to lớn mà tổ chức Công đoàn đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới. Đồng thời, hội thảo cũng đặt ra vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới và tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng, những vấn đề đặt ra và kiến nghị đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Tiêu biểu là tập trung đánh giá thực trạng đổi mới mô hình tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, đổi mới phương thức thu hút, phát triển đoàn viên của tổ chức Công đoàn, nâng cao hiệu quả Công đoàn tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đề xuất một số giải pháp chủ yếu về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Hội thảo vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn đối với tổ chức Công đoàn; không chỉ là hoạt động sinh hoạt khoa học lớn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); kết quả buổi Hội thảo không chỉ có ý nghĩa đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, mà còn là cơ sở, tiền đề để Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương, hai trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, tiếp tục củng cố và phát triển những vấn đề lý luận về tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam; hình thành những tư duy, định hướng chiến lược mới về đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả, vị trí, vai trò, sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam; để Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh toàn diện, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load