Chủ nhật 28/04/2024 03:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải với sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập

08:55 | 12/10/2023

(Xây dựng) - Chiều 11/10, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải (GTVT) với sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập quốc tế” do Báo Giao thông tổ chức. Đây là sự kiện hướng đến Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Sự kiện có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đại diện các cơ quan chức năng và hơn 20 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải với sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn phát biểu tại Tọa đàm.

Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu mang đến một góc nhìn toàn diện hơn về chặng đường vượt khó, vươn lên, sự chuyển mình thần tốc của doanh nghiệp giao thông Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo đà cho doanh nghiệp giao thông trong nước nâng cao nội lực, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu ngoại tại các dự án quy mô lớn được bàn luận sôi nổi tại Tọa đàm.

Nâng cao nội lực, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu ngoại

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn không khỏi bùi ngùi khi thị trường xây lắp giao thông đã vắng bóng những "cánh chim đầu đàn" là các doanh nghiệp Nhà nước có bề dày như các Cienco (Bộ GTVT), Tổng Công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng)...

Giai đoạn 2021 - 2030, để các doanh nghiệp trong nước trưởng thành, vươn tầm như quốc tế, bên cạnh sự đoàn kết giữa các nhà thầu hiện nay, Chính phủ cũng cần quan tâm xây dựng một số doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt thị trường xây lắp để tăng sức cạnh tranh. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu xây dựng 1 - 2 doanh nghiệp giao thông trực thuộc Nhà nước để thực hiện những công việc, dự án trong trường hợp đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc đề xuất.

Đóng góp với Tọa đàm, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng thời gian qua, doanh nghiệp giao thông Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc. Nếu trước đây, các doanh nghiệp chỉ được chỉ định những gói thầu dưới 500 triệu thì nay, giá trị gói thầu được chỉ định lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Theo ông Hoàng, năng lực doanh nghiệp đã gia tăng, cơ hội tiếp cận gói thầu lớn đã có, song để lớn mạnh hơn, doanh nghiệp giao thông Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải với sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả tại Tọa đàm.

Khẳng định dư địa phát triển đối với doanh nghiệp trên thị trường xây lắp giao thông ngày càng lớn khi phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông được Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Các dự án cao tốc quy mô đã được Chính phủ cho phép phân chia giá trị từ 2.000 - 10.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp tăng nội lực, có bộ hồ sơ tài chính nhằm tiến tới xa hơn đủ đấu thầu quốc tế.

Sẽ tiếp tục rà soát tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn lực cho nhà thầu

Mặc dù nhà thầu nội đã vươn lên làm chủ các dự án giao thông, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố đang “kéo chân” doanh nghiệp Việt. Một trong những giải pháp tiếp tục được đề cập nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam, đó là điều chỉnh định mức đơn giá trong dự toán xây dựng. Đây cũng là một trong những giải pháp được lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia tại tọa đàm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng thừa nhận, định mức đơn giá áp dụng cho dự án giao thông hiện nay chưa được như kỳ vọng. Ví dụ điển hình là đơn giá nhân công hiện cao cũng chỉ 300.000 đồng nhưng thực tế, giá doanh nghiệp phải đi thuê phải từ 400.000 - 500.000 đồng. Theo ông Vân, thời điểm xây dựng trình ban hành Thông tư 12, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát hơn 1.000 định mức. Hiện hệ thống định mức không chỉ được các Cục chuyên ngành tiếp tục rà soát mà quá trình triển khai dự án, lực lượng tư vấn có trách nhiệm rà soát, xây dựng định mức chưa có hoặc chưa phù hợp. Nếu không gỡ được định mức là thất bại. Có những định mức 20 năm nay vẫn tồn tại. Trong thời buổi trí tuệ nhân tạo, phải tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, hầu hết vật liệu thi công dự án giao thông lớn hiện nay là vật liệu thông thường, phải lấy báo giá của địa phương. Thời điểm lập dự án, dự toán, nhu cầu khối lượng vật liệu chưa thể được dự báo chính xác, giá vật liệu ở địa phương cũng chưa bị đẩy lên cao khi các dự án giao thông lớn triển khai ồ ạt.

“Cục Quản lý đầu tư xây dựng – Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, sớm lập lại các định mức để đơn giá áp dụng trong đầu tư xây dựng dự án giao thông sớm được điều chỉnh sát với thực tiễn” - Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Vân cho biết.

Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, giai đoạn 2011-2015 thu hút đầu tư nhiều dự án PPP, trong đó Bộ GTVT là 72 dự án chủ yếu theo hình thức BOT huy động 252.000 tỷ đồng. Mạng lưới kết cấu và kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể. Bước sang giai đoạn 2016-2020, chỉ có 4 dự án thực hiện theo hình thức PPP với tổng giá trị đầu tư 26.000 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, Luật PPP ra đời và hiệu lực từ 1/1/2021, có 6 dự án phê duyệt chủ trương theo phương thức PPP và đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư.

Do tác động bởi chính sách các dự án BOT giao thông có vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp phải phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Khi dự án không đủ doanh thu thì các ngân hàng quan ngại dự án PPP sẽ rủi ro, siết lại tín dụng dài hạn. Tháo gỡ khó khăn này, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc Việt Nam đang trình Thủ tướng xử lý các dự án BOT giao thông và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thu hút nguồn lực rót vốn vào dự án.

GS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà thầu chưa thực sự là đối tác, chưa thực sự bình đẳng trong triển khai đầu tư đối tác công tư, làm nguội lạnh khát vọng của các nhà đầu tư. Hiệp hội đã rà soát, tập hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong Luật PPP hiện nay để đề xuất sửa đổi Luật PPP.

“Quốc hội, Chính phủ cần lắng nghe các nhà đầu tư để rà soát, chỉnh sửa các cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi trong triển khai và mong muốn các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đóng góp sức mạnh, nguồn lực, trí tuệ vào sự phát triển của ngành GTVT Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Trần Chủng nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ gửi lời chúc mừng, lời tri ân đến các doanh nghiệp ngành GTVT đã đóng góp công sức không nhỏ cho sự phát triển của ngành, của đất nước. Theo Thứ trưởng, các vấn đề mà doanh nghiệp ngành GTVT đặt ra trong tọa đàm ngày hôm nay rất đúng, rất trúng, những băn khoăn, trăn trở rất thật.

Doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải với sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập
Quang cảnh Tọa đàm.

Những kiến nghị về hạn chế, tồn đọng trong cơ chế, chính sách mà các doanh nghiệp nêu ra, với trách nhiệm là cơ quan quản lý, Bộ GTVT sẽ xem xét, nghiên cứu để có những giải pháp tháo gỡ.

Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có một chương về đường cao tốc, đề nghị các doanh nghiệp là những người thực hiện trong thực tế cần tập trung nghiên cứu để có những góp ý, Bộ GTVT sẽ xem xét, tiếp thu để hoàn thiện cho phù hợp.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load