Thứ bảy 14/09/2024 15:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Lao động

Doanh nghiệp muốn xây nhà ở cho công nhân nhưng “vướng” đủ đường

08:49 | 05/04/2021

Tại tỉnh Đồng Nai, nhu cầu nhà ở công nhân rất lớn, nhiều doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư xây nhà ở công nhân nhưng không có quỹ đất. Các nhà đầu tư cũng ít chú ý tới mảng xây dựng nhà ở công nhân vì “ngại” hồ sơ thủ tục phức tạp.

doanh nghiep muon xay nha o cho cong nhan nhung vuong du duong
Khu ký túc xá triệu USD được xây dựng dành riêng cho công nhân và gia đình sinh sống ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: Hà Anh Chiến

Nhà đầu tư không mặn mà với nhà ở công nhân

Tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó tới 60% là người nhập cư. Thực tế, đa phần công nhân đều phải sinh sống trong các khu nhà trọ xập xệ, cũ kỹ, thiếu các điều kiện về an toàn… đặc biệt là ở TP.Biên Hoà.

Chị Vũ Thị Duyên (38 tuổi, quê Thái Bình) vào Đồng Nai làm công nhân từ năm 2003 tại Công ty Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, Đồng Nai). Năm qua, do dịch bệnh COVID-19, cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn, công việc không ổn định. Tuy nhiên, chị vẫn phải gánh khoản tiền thuê nhà trọ, điện nước, chưa kể tiền ăn uống hằng ngày…

“Hai vợ chồng làm công nhân nuôi 2 đứa con thì không mua nổi được mảnh đất có đầy đủ pháp lý chứ chưa nói tới xây nhà. Tôi mong muốn địa phương giúp công nhân sở hữu được nhà ở công nhân, có thể bằng hình thức trả góp phù hợp với thu nhập của người lao động” - chị Duyên mong ước.

Tương tự, anh Trịnh Văn Lợi (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cũng chia sẻ, lao động (NLĐ) ở Đồng Nai chủ yếu nhập cư từ các tỉnh về Đồng Nai làm việc từ hai bàn tay trắng nên không có nhà ở, phải đi thuê trọ. “Cơ quan nhà nước cần có thêm những chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ về nhà ở cho NLĐ, giúp họ đỡ đi một phần cuộc sống” - anh Lợi cho biết.

Đồng Nai hiện có 13 dự án nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng . Trong đó, có 3 dự án nhà ở công nhân do các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thực hiện và 10 dự án do các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của NLĐ. Đồng thời, “mảng” xây dựng nhà ở công nhân ít nhà đầu tư chú ý xây dựng vì “ngại” hồ sơ thủ tục phức tạp hơn so với nhà ở thương mại, căn hộ hoàn thành lại bị khống chế về giá bán. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp chỉ đề xuất thực hiện các dự án khu dân cư thương mại.

Ngoài ra, vấn đề thủ tục về đất đai rườm rà, tốn kém thời gian, chi phí đi lại đã khiến một số doanh nghiệp muốn làm nhà ở cho công nhân cũng “nản chí”. Tổng Giám đốc một công ty quản lý vận hành nhiều KCN ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, các KCN hình thành trước năm 2005 theo quy hoạch chưa có khu đảm bảo phúc lợi cho NLĐ. Chỉ những KCN phát triển gần đây mới có quy hoạch 1/500 được phê duyệt có bố trí khu dịch vụ y tế, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa - thể thao, nhà ở cho công nhân…

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của các bộ ngành, các khu này phải tách ra dự án riêng, không được để trong tổng thể KCN đã được phê duyệt. Việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian, chi phí điều chỉnh quy hoạch của doanh nghiệp, làm lỡ cơ hội đầu tư, gây chậm trễ việc đảm bảo an sinh phúc lợi cho NLĐ. Đại diện một công ty tại huyện Nhơn Trạch cũng nói rằng, công ty có 8.000m2 đất trong KCN rất thuận lợi để làm nhà ở công nhân. Nhưng theo quy định, dự án muốn thực hiện phải làm thủ tục xin cho tách khu đất trên ra khỏi KCN. Thủ tục tách thửa đất rất phức tạp và mất nhiều thời gian đi lại nên công ty tạm dừng, đợi chính sách thông thoáng hơn sẽ triển khai.

Không còn quỹ đất xây nhà ở công nhân

Trong khi đó, các doanh nghiệp có đông công nhân lao động (CNLĐ) ở khu vực TP.Biên Hoà, H.Vĩnh Cửu sẵn sàng chi tiền xây nhà ở cho công nhân nhưng lại không có quỹ đất. Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Công ty Taekwang Vina (có 35.000 công nhân) - cho biết, trước đây, công ty thuê nhà ở cho công nhân ở huyện Nhơn Trạch, thuê xe đưa rước công nhân lên TP.Biên Hoà làm việc nhưng quãng đường xa gần 30km khiến công nhân cũng nản chí mà nghỉ việc. Sau đó, công ty có kiến nghị chính quyền địa phương nhưng được cho biết là quỹ đất TP.Biên Hoà không còn.

“Quỹ đất gần nhà máy thì công nhân mới đi làm thuận lợi được, còn các quỹ đất ở quá xa thì không phù hợp” - ông Phúc chia sẻ thêm.

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐCS Công ty Changshin Việt Nam (có 36.000 công nhân) - nói rằng: “Quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân rất khan hiếm, nhưng chúng tôi xây dựng 1 năm 10 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho NLĐ. Đến nay, công ty đã xây được vài trăm căn nhà Mái ấm Công đoàn cho NLĐ”.

UBND tỉnh Đồng Nai mới có văn bản về việc thống nhất đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Theo đó, tỉnh chấp thuận về mặt chủ trương cho Tổng LĐLĐVN đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội có diện tích 2,3669ha tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Dự kiến dự án thiết chế của Công đoàn trên địa bàn Đồng Nai với diện tích trên 3ha, quy mô gồm các khối chung cư nhà ở công nhân, các khối nhà ở thấp tầng, nhà văn hóa đa năng sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm sức chứa 5.000 người, siêu thị Công đoàn, văn phòng tư vấn pháp luật, nhà thuốc, phòng khám bệnh, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa, xã hội của công nhân, hệ thống vườn hoa, cây xanh, sân thể thao… Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỉ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn tài chính tích lũy của Tổng LĐLĐVN và vốn vay ưu đãi...

Theo HÀ ANH CHIẾN/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load