Thứ bảy 07/12/2024 03:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Doanh nghiệp môi giới bất động sản “lao đao” vì Covid-19

10:09 | 29/11/2021

(Xây dựng) - Thị trường bất động sản khan dự án mới, thêm tác động từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp khiến không ít môi giới bất động sản chuyên nghiệp lâm vào cảnh lao đao, thậm chí phải bỏ nghề, rời thành phố về quê. Trước thực trạng này, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã đề nghị Bộ Xây dựng và các Ban ngành liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhà môi giới bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

doanh nghiep moi gioi bat dong san lao dao vi covid 19
Môi giới bất động sản “mất việc” vì dịch Covid-19 kéo dài.

Môi giới bất động sản lao đao vì dịch bệnh Covid-19

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là tại các đô thị lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hải phòng, Quảng Ninh... Nhiều công trình xây dựng phải dừng hoặc giãn tiến độ xây dựng. Người dân giảm thu nhập hoặc có tâm lý chờ đợi đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường bất động sản nói chung và lĩnh vực môi giới bất động sản nói riêng.

Có thể dễ dàng nhận thấy sức ảnh hưởng của Covid-19 đến các sàn giao dịch bất động sản là vô cùng lớn khi có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.

Một vị Giám đốc sàn giao dịch bất động sản phải phá sản vì “ngấm đòn Covid-19” cho biết, quãng thời gian những năm 2014 - 2018, làm ăn thuận lợi, phất lên dựng công ty, doanh số cũng đến tiền tỷ mỗi tháng, nhưng đến giai đoạn dịch bệnh Covid-19, thị trường khan dự án nên không thể duy trì công ty, buộc phải phá sản, dồn tiền trả nợ.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay đã là lần thứ 4, diễn biến phức tạp càng khiến những khó khăn thêm trầm trọng, chồng chất. Đáng lo ngại là không ai biết được đến khi nào dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, trạng thái bình thường được thiết lập trở lại. Tâm lý này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Cũng theo ông Đính, đáng lo ngại là trong các gói hỗ trợ của nhà nước, lĩnh vực xây dựng, bất động sản được xem là ngành xương sống của nền kinh tế nhưng không được ưu tiên hỗ trợ. Người lao động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản cũng ít được hưởng ưu đãi.

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng chừng ấy là không đủ để vượt khó. Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng. Có thể nhận thấy những vấn đề khó khăn nhất của các sàn giao dịch bất động sản hiện nay gồm:

Một là, chi phí duy trì doanh nghiệp không hề được giảm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong khi doanh nghiệp không có nguồn thu đã tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.

Hai là, rủi ro bồi thường hợp đồng hoặc liên đới chịu trách nhiệm hoặc rủi ro mất tiền cọc, bị phạt do không thực hiện đúng cam kết tiến độ.

Ba là, khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền để nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội... do không có nguồn thu.

Bốn là, rủi ro bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện... do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.

Đề xuất một số giải pháp gỡ khó và đồng hành với bất động sản Việt Nam

Căn cứ vào thực trạng và dựa vào kết quả khảo sát, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã đề nghị Bộ Xây dựng và các Ban ngành liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhà môi giới bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bổ sung nhóm ngành bất động sản trong đó có ngành dịch vụ môi giới bất động sản cần được xác định là nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.

Thứ hai, được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản BHXH, các nghĩa vụ khác đối với nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch. Cụ thể là bổ sung ngành kinh doanh bất động sản vào “Điều 2. Đối tượng áp dụng” trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 của Chính phủ.

Thứ ba, sớm ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19…Trong đó, giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp Sàn giao dịch bất động sản có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực cho phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Thứ năm, thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư bất động sản làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư cho toàn xã hội.

Mong rằng, những giải pháp này sẽ kịp thời giúp cho các doanh nghiệp môi giới bất động sản phần nào đó khắc phục được khó khăn, ổn định kinh doanh vượt qua đại dịch Covid-19.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HOREA) cho rằng, các chính sách hỗ trợ từ nhà nước hầu như chưa có hỗ trợ riêng nào cho doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản mà chủ yếu là hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, người lao động của xã hội. Để giúp xây dựng, bất động sản vượt qua Covid-19, cần thúc đẩy thông thoáng cơ chế thủ tục hành chính khi triển khai dự án.

Đồng thời, có cơ chế thoáng hơn cho doanh nghiệp, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn vay triển khai dự án, vay mua nhà. Khi xây dựng, bất động sản phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác như nội thất, vật liệu xây dựng, môi giới bất động sản, lắp máy, cơ điện…

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, điều cốt yếu để hỗ trợ cho ngành xây dựng, bất động sản chính là cơ chế chính sách. Làm sao để tạo ra nhiều nguồn hàng mà thị trường bất động sản đang có nhu cầu rất lớn là nhà ở bình dân.

Bài Doanh nghiệp môi giới bất động sản “lao đao” vì Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load