Thứ năm 14/11/2024 05:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Đô thị Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá

08:30 | 28/01/2023

(Xây dựng) - Với quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các đô thị Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá; kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.

Đô thị Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet).

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 27/1/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, phổ biến và triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hội nghị).

Thông báo nêu rõ: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị ban hành về phát triển đô thị Việt Nam bền vững. Để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2022 về Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó thực hiện tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" với quan điểm, mục tiêu nhằm cụ thể hóa một cách tốt nhất, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Phát triển đô thị là động lực phát triển của nền kinh tế

Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức để thiết thực hưởng ứng Ngày Đô thị Việt Nam 8/11 cũng là Ngày Đô thị hóa Thế giới, kết hợp đánh giá tình hình phát triển đô thị trong thời gian qua và đặc biệt là triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Các ý kiến tại Hội nghị đều đã khẳng định: Phát triển đô thị là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và tích cực chủ động hội nhập hiệu quả.

Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội đối với mỗi quốc gia, mỗi khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt. Phát triển đô thị đồng thời là động lực của phát triển kinh tế, là cảm hứng cho sự phát triển chung của đất nước. Hiện nay, khu vực đô thị đã có những đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của quốc gia. Nếu phát triển đúng hướng, phát triển bài bản, có tầm nhìn, có đột phá, đô thị sẽ phát huy được hết vai trò của mình. Nhưng trong kịch bản ngược lại, phát triển đô thị thiếu định hướng và tầm nhìn có thể gây ra những hậu quả phải giải quyết lâu dài.

Đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan của Thế giới, phát triển đô thị Việt Nam vì vậy không thể nằm ngoài xu thế này, phải kết hợp nội lực với ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để phát triển. Đô thị luôn gắn với văn minh, sáng tạo, đổi mới, cơ hội phát triển, nhưng cũng là khu vực tập trung nhiều thách thức cần giải quyết như vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, phòng chống rủi ro không báo trước. Do đó, việc quan tâm hoạch định chính sách, các giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ thiết yếu để nắm bắt được xu thế, hóa giải được những khó khăn, thách thức để phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng

Trong nhiều năm qua, các chủ trương của Đảng về phát triển đô thị đã được kịp thời thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện để phát triển đô thị có hiệu quả, qua đó đã hình thành một quá trình liên tục, xuyên suốt từ chủ trương, cơ chế, chính sách tới thực tiễn phát triển đô thị, hình thành nên sự thống nhất và lưu tâm chung của các cấp, các ngành.

Sau 35 năm đổi mới, nhất là sau 10 năm thực hiện điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam được phê duyệt năm 2009, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, khẳng định là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao cả về tinh thần và vật chất. Diện mạo kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng, có nhiều giải thưởng quốc tế, giao lưu với các nền kiến trúc, văn hoá quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc. Diện mạo đất nước thay đổi thông qua phát triển đô thị. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Cùng với sự nghiệp đổi mới của Đảng, công tác đô thị cũng đổi mới, đô thị hoá đã trở thành động lực phát triển của cả nước và của mỗi vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức trong phát triển đô thị cần giải quyết như: vấn đề quá tải về hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước, hạ tầng viễn thông; thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng gay gắt; tình trạng các dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị chậm được đầu tư, dự án "treo" còn phổ biến; hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa,… chưa phát triển ngang tầm với kinh tế, đã bộc lộ nhiều hạn chế và hiện nay đang bị quá tải, nhất là khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

Thách thức đặt ra là làm thế nào để tăng trưởng của các đô thị không gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, không áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có, không phát triển phân tán thiếu bền vững, không làm hạn chế các cơ hội của thế hệ tương lai; nâng cao chất lượng quy hoạch, chất lượng đô thị, quản lý phát triển đô thị, thực hiện thành công mục tiêu cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị hiện hữu, bảo tồn di sản, khắc phục các điểm nghẽn trong phát triển, tạo lập các nguồn lực mới cho đô thị phù hợp quy định và tình hình mới; thúc đẩy sự hình thành và phát triển mới các mô hình đô thị bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn ở đô thị, ngày càng nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng với những rủi ro không báo trước.

Hướng tới phát triển đô thị xanh

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể hướng tới phát triển đô thị xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, thông minh và phát triển bền vững. Các chỉ tiêu đề ra khá cao, do vậy, để hoàn thành cần có tư duy, cách tiếp cận mới và nỗ lực rất lớn trong thực hiện. Với yêu cầu này, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tham mưu triển khai thực hiện cần tập trung lưu ý một số quan điểm chỉ đạo lớn.

Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, trên cơ sở đánh giá cụ thể hiện trạng để đưa ra mục tiêu, đề ra nhiệm vụ sát với tình hình thực tế, có tính khả thi.

Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, cần có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của tỉnh, của vùng, phát hiện ra những tồn tại yếu kém để giải pháp xử lý phù hợp. Tư tưởng chỉ đạo phải xác định coi trọng công tác quy hoạch, quy hoạch để tạo ra nguồn lực, đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch sẽ tạo ra nguồn lực tối ưu. Ngược lại, không có đầu tư đúng mức cho công tác quy hoạch có thể gây lãng phí nguồn lực trong tổ chức thực hiện, phát triển thiếu bền vững, không tạo được đột phá. Công tác quy hoạch phải tổng thể nhưng thực hiện phải phân kỳ, có nguồn lực đến đâu làm đến đấy, triển khai có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với nguồn lực và thời gian, cần làm đến đâu chắc đến đó, việc nào phải xong việc đó, tránh dàn trải.

Quy hoạch và phát triển đô thị phải đa dạng hóa nguồn lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực của nhà nước với xã hội, nguồn lực của nhân dân, đẩy mạnh hợp tác công tư. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực từ con người, đất đai, biển, sông nước, nguồn lực từ truyền thống lịch sử, văn hóa. Phân bổ, khai thác và sử dụng nguồn lực phải đảm bảo hiệu quả, hợp lý.

Phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, các ngành. Tăng cường kiểm tra, giám sát. Tăng cường và thực hiện thực chất công tác tổng kết, đanh giá kết quả thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị theo đúng chỉ đạo, quan điểm của Đảng: "Tổng kết để xây dựng lý luận, tổng kết để biết cái nào làm tốt thì tiếp tục phát huy, cái nào chưa làm tốt thì có giải pháp khắc phục".

5 nhóm nhiệm vụ

Chương trình hành động của Chính phủ với 33 nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương chủ động, tích cực thực hiện thiết thực, hiệu quả; trong đó tập trung 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:

(1) Nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức: Quan điểm chỉ đạo là phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung. Nhận thức đúng thì hành động đúng, có tư duy phương pháp luận và phương pháp tiếp cận đúng với yêu cầu nhiệm vụ, chức năng quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao nhận thức về phát triển đô thị, bao gồm 3 trụ cột chính gồm: công tác quy hoạch, công tác xây dựng và công tác quản lý. Từ nhận thức như vậy cần có hành động tương xứng, phù hợp.

(2) Nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị:Trước hết là nâng cao chất lượng công tác tư vấn quy hoạch, công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Chất lượng kiến trúc và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cần được lồng ghép hài hòa ngay từ khi nghiên cứu và trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, thiết kế, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, bảo đảm đô thị có bản sắc vùng miền, phát triển bền vững.

(3) Nhóm nhiệm vụ về đầu tư phát triển, xây dựng đô thị: Phải có nguồn lực, huy động được đủ nguồn lực. Quan điểm là phải phải kết hợp giữa nội lực và ngoại lực; nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội, của tư nhân, nguồn lực của các nhà đầu tư và nguồn lực của hợp tác công tư. Yêu cầu các bộ ngành, các tỉnh, thành phố vận dụng tối đa khuôn khổ pháp lý hiện hành, trọng tâm là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để huy động các nguồn lực hợp pháp trong phát triển đô thị. Tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra khu đô thị, khu vực phát triển mới, tạo ra sinh kế cho người dân. Tiếp tục hoàn thiện các mô hình chính quyền đô thị.

(4) Nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng: Phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của một ngành, một cấp, mà đòi hỏi mà phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các cấp, các ngành, giữa các địa phương, giữa các vùng miền để tạo ra nguồn lực. Vì vậy các ngành, các cấp cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng; phối hợp, thống nhất trong phát triển đô thị vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc.

(5) Nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật: Tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống cơ chế chính sách hiện hành về quy hoạch và phát triển đô thị, phát hiện các rào cản, vướng mắc, các mâu thuẫn, chồng chéo hoặc lạc hậu, cần tháo gỡ trên tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; hoàn thiện từng bước, làm tới đâu thì chắc tới đó. Tăng cường bám sát thực tiễn và kịp thời phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp. Đặc biệt lưu ý giải quyết các yêu cầu thực tiễn bức xúc như tắc nghẽn giao thông, ngập úng đô thị, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; vấn đề ô nhiễm môi trường trong đô thị; vấn đề phát thải nhà kính; các vấn đề thiếu hụt về hạ tầng văn hoá xã hội như: y tế, giáo dục, thể thao, cây xanh.

Các giải pháp trọng tâm

Để các mục tiêu đề ra trở thành hiện thực, các cấp, các ngành đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động phải quyết liệt, trọng tâm hơn nữa để thực sự có sản phẩm, kết quả mong muốn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải tích cực hướng dẫn, chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng chương trình hành động cụ thể của địa phương. Kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về đô thị nhằm tích hợp các nguồn lực, không để tình trạng quy hoạch phân tán, nhiều chương trình triển khai chồng chéo, thiếu hiệu quả; đồng thời phối hợp kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.

Các Bộ ngành trung ương chủ động xây dựng và giám sát các chỉ tiêu có liên quan đến phát triển đô thị. Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên để Chính phủ có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời; xem xét xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, hướng dẫn để xác định, tạo lập nguồn lực thực hiện; hướng dẫn địa phương về bố trí, phân bổ nguồn lực để triển khai Chương trình hành động tại địa phương.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị trên cả nước là chủ thể trực tiếp quản lý, tổ chức triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Sự thành công của Chương trình hành động này phụ thuộc vào sự chủ động, sáng tạo trong đổi mới tư duy cấp địa phương. Do vậy, địa phương cần quán triệt sâu sắc Chương trình hành động của Chính phủ, bổ sung các chỉ tiêu vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy, xây dựng cơ chế thực hiện nghiêm túc; bám sát các chỉ tiêu; giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Đối với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền, lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong toàn xã hội về vai trò, vị trí về đô thị. Đây sẽ là một trong những yếu tố đảm bảo việc triển khai thành công 33 nhiệm vụ thuộc 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp của Chương trình hành động của Chính phủ.

Với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, các đô thị Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá; kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; chất lượng sống tại đô thị tiến tới mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng cho cư dân đô thị; kiến trúc đô thị phát triển hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn, phát huy.

Thu Hằng – Đặng Ngân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load