Bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch CĐ KKT Hải Phòng - đề nghị lấy tháng 7 là Tháng Công đoàn (CĐ) Việt Nam để CĐ các cấp tổ chức thêm được nhiều hoạt động chăm lo phúc lợi cho công nhân lao động.
Thiết thực nhất với người lao động tại các khu công nghiệp là có cơ sở đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân. Ảnh minh họa: T.E.A |
Phần lớn công nhân thuê trọ trong dân
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng tại 98 khu công nghiệp (KCN) với hơn 800.000 lao động (chiếm 1/2 số công nhân tại các KCN trên toàn quốc), chỉ 6 KCN có nhà văn hóa, 6 khu có nhà tập luyện thể thao. Đáng nói là, chỉ 3 KCN có cơ sở y tế. Trong đó, riêng khu kinh tế Xuân Lộc (Đồng Nai) được Nhà nước đầu tư một bệnh viện trị giá khoảng 200 tỉ đồng, khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) được Nhà nước đầu tư một bệnh viện trị giá 70 tỉ đồng.
Cơ sở mẫu giáo chỉ có 4 trường, tiểu học 3 trường, trung học cơ sở 4 trường, đạt tỉ lệ 3-4% trên tổng số các KCN được khảo sát. Thiết thực nhất với NLĐ tại các KCN là cơ sở đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân thì cũng chỉ có 2/98 KCN được xây dựng, với tổng mức đầu tư 81 tỉ đồng, trong đó riêng cơ sở đào tạo tại khu kinh tế Dung Quất trị giá 75 tỉ đồng...
Về vấn đề nhà ở, tại các KCN, mới khoảng 5% số công nhân được ở trong các nhà trọ do các doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng, số còn lại chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê nhà trọ của tư nhân. Với các phòng trọ do tư nhân xây dựng, hầu hết diện tích sử dụng bình quân từ 3-4m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước.
Việc xây nhà ở cho người lao động (NLĐ) tại các KCN, khu chế xuất (KCX) thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị...). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng NLĐ không muốn vào ở vì quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc.
Từ những thực trạng chung và những hạn chế riêng tại Hải Phòng, để NLĐ được thụ hưởng phúc lợi tốt hơn, CĐ Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Một trong số đó là tập trung chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS tham gia xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở. Bình quân hàng năm có 4.833 ý kiến, kiến nghị được giải đáp trực tiếp tại các cuộc đối thoại, hội nghị NLĐ, nội dung tập trung vào chủ yếu vào tiền lương, các loại phụ cấp như tiền ăn ca, thâm niên, tiền thưởng, điều kiện làm việc...
Đề nghị lấy tháng 7 là Tháng Công đoàn Việt Nam
Về tổ chức thêm nhiều hoạt động chăm lo cho công nhân lao động (CNLĐ), bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch CĐ KKT Hải Phòng - đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo các cấp chính quyền tỉnh, thành phố lớn cần có chủ trương, giải pháp cụ thể trong việc tạo quỹ đất sạch gần những KCN, KKT có đông CNLĐ để xây dựng các thiết chế CĐ, khu thể thao. Hỗ trợ kinh phí đối ứng cho Tổng liên đoàn trong việc xây dựng một số thiết chế CĐ có quy mô lớn tại một số tỉnh, thành phố lớn có đông CNLĐ.
Với Tổng LĐLĐVN, bà Hằng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên CĐ, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm, dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên CĐ. Sớm có đề án đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở một số KCN tại các tỉnh, thành phố có đông CNLĐ nhưng quỹ đất không đảm bảo để xây dựng thiết chế CĐ.
Đặc biệt, bà Hằng đề nghị lấy Tháng 7 là Tháng CĐ Việt Nam vì đây là tháng có Ngày thành lập CĐ Việt Nam (28.7) để các cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để CĐ các cấp tổ chức thêm được nhiều hoạt động chăm lo phúc lợi cho CNLĐ.
Theo LINH NGUYÊN/Laodong.vn