(Xây dựng) - Theo phản ánh và các chứng cứ của một số người tham gia đấu giá 6 lô đất ở Phương Khê, phường Đồng Hoà, quận Kiến An, TP Hải Phòng thì cuộc đấu giá này có nhiều bất thường, thiếu công bằng, minh bạch như để lộ thông tin người đấu giá và người trúng đấu giá không có mặt tại buổi công bố giá. Tuy nhiên, đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá lại khẳng định trình tự thủ tục đấu giá đều đúng quy định của pháp luật.
Người tham gia đấu giá ngăn cản không cho đấu giá viên ra ngoài khi chưa lập và ký xong biên bản đấu giá.
Theo phản ánh của nhiều người tham gia đấu giá thì trước ngày diễn ra công bố giá họ đã nhận được cuộc gọi và tin nhắn của một số máy lạ hẹn gặp “dàn xếp” kết quả cuộc đấu giá.
Tại buổi gặp “dàn xếp”, “cò giá” có trong tay danh sách toàn bộ những người tham gia đấu giá và nói nếu những ai chấp nhận dàn xếp, không tham gia đấu giá sẽ được nhận 3 triệu đồng sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
Theo đoạn ghi âm mà chị TD – một người tham gia đấu giá cung cấp cho thấy “cò giá” có bản danh sách những người tham gia đấu giá. Chị ngạc nhiên hỏi: “Sao anh lại có được danh sách này, người ta cho anh à?”.
Vì khi chị đến đăng ký tham gia đấu giá không có ai ở đó ngoài chị và 1 người bạn nữa cũng đăng ký tham gia đấu giá thì một “cò giá” nói ý rằng cái này không ai người ta cho; một cò giá khác bảo “Như thế là các em biết được là cái hệ thống của nó là như thế nào, tóm lại là như thế…”. Vậy hệ thống ở đây là ai? Tổ chức nào?
Lý giải vấn đề này, ông Phạm Tuấn – đấu giá viên điều hành buổi đấu giá, Giám đốc Cty CP đấu giá và dịch vụ tư vấn Hải Phòng khẳng định: “Thông tin người tham gia đấu giá không công bố công khai và chỉ có Trung tâm phát triển quỹ đất quận Kiến An và Cty biết, còn những người khác không cần thiết phải biết”.
“Tôi không biết tại sao lộ thông tin đấu giá nhưng chắc chắn tôi không để lộ thông tin ra ngoài và Trung tâm quỹ đất quận Kiến An cũng vậy”, ông Tuấn khẳng định.
Theo văn bản ông Tuấn ký gửi Báo điện tử Xây dựng thì: “TP Hải Phòng là một trong những địa phương thường xuyên tổ chức đấu giá đất vào mục đích nhà ở. Nhiều người có nhu cầu mua đất làm nhà ở hoặc kinh doanh.
Những người tham gia đấu giá đất ở Hải Phòng hoặc địa phương khác quen biết nhau và có cùng một nhu cầu mua bán đất là chuyện bình thường. Họ có nhu cầu mua đất hoặc để cho người khác mua với giá phải chăng nên họ trao đổi với nhau để dìm giá hoặc bàn bạc với nhau để mua giá thấp.
Tuy nhiên, Cty và Trung tâm phát triển quỹ đất quận Kiến An đã dự kiến có thể xảy ra việc một số người thường xuyên tham gia đấu giá thông đồng, dìm giá nên đã chọn hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp. Hình thức này có ưu điểm là trong thời hạn quy định những người tham gia đấu giá phải nộp đủ hồ sơ và phiếu trả giá.
Như vậy, chỉ khi những người tham gia đấu giá nộp hồ sơ thì mới biết được có bao nhiêu người tham gia đấu giá nộp hồ sơ hợp lệ. Những người tham gia đấu giá có ý định dàn xếp việc tham giá cũng không làm thay đổi được giá trả, vì phiếu trả giá đã bỏ vào hòm phiếu, được Cty và Trung tâm phát triển quỹ đất quận Kiến An niêm phong sau khi hết hạn nộp hồ sơ”.
Thế nhưng, nhiều người tham gia đấu giá nhận được điện thoại và tin nhắn của “cò giá” cho biết họ không hề biết người nhắn tin và gọi điện dàn xếp giá là ai và chưa gặp bao giờ cho đến khi gặp tại buổi hẹn dàn xếp giá.
Như vậy, dù Cty CP đấu giá và dịch vụ tư vấn Hải Phòng khẳng định không để lộ thông tin nhưng việc “cò giá” có bảng danh sách những người tham gia đấu giá để liên lạc và thoả thuận kết quả đấu giá, đã làm cho người tham gia đấu giá hoang mang, nghi ngờ. Họ hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về sự thiếu công bằng, minh bạch của cuộc đấu giá.
Người tham gia đấu giá còn phản ánh: Sau khi công bố kết quả trúng đấu giá của từng lô đất, ông Trần Văn Trình, người trúng đấu giá đã không có mặt để ký biên bản trúng đấu giá và khi đấu giá viên công bố lô đất cuối cùng cũng là ông Trình trúng, ông này vẫn không có mặt để ký biên bản trúng cả 6 lô đất.
Chứng cứ khẳng định việc này là những video ghi lại cảnh khi buổi đấu giá kết thúc khá lâu, ông Trình không có mặt để ký biên bản trúng đấu giá; đến tận khi người tham gia đấu giá gây sức ép, yêu cầu huỷ kết quả đấu giá hoặc gọi ông Trình phải có mặt ký biên bản đấu giá thì mãi sau ông Trình mới có mặt ký biên bản.
Lý do người tham gia đấu cho rằng ông Trình không có mặt tại buổi công bố giá là do khi vào cửa, không ai kiểm soát chứng minh thư hay giấy tờ tuỳ thân chứng minh người tham gia đấu giá có mặt tại cuộc đấu giá.
Sau khi công bố người trúng đấu giá từng lô đất, đấu giá viên đã không cho lập biên bản trúng đấu giá ngay và cũng không gọi người trúng đứng lên để chứng minh người này có mặt. Vì thế, không ai biết người trúng đấu giá là ai, có mặt trong hội trường buổi công bố giá hay không?
Trao đổi với đấu giá viên Phạm Tuấn về vấn đề này, ông Tuấn khẳng định ông Trình có mặt tại buổi công bố giá, và khi kết thúc buổi công bố ông Trình mới ra ngoài, khi nào lập biên bản xong sẽ vào ký. Chứng cứ ông Trình có mặt là việc kiểm soát giấy mời và giấy tờ tuỳ thân khi vào cửa, còn tôi không biết ông Trình là ai.
Khi phóng viên hỏi: “Người tham gia đấu giá có video chứng minh ông Trình không có mặt tại buổi công bố giá. Vậy ông có video chứng minh ông Trình có mặt không?” Ông Tuấn trả lời rằng: “Tại hội trường buổi công bố giá không có camera nên không có video chứng minh việc này”. Tuy nhiên ông Tuấn cũng thừa nhận, khi công bố người trúng đấu giá từng lô đất đã không yêu cầu người trúng đứng lên và lập biên bản ngay mà phải sau khi công bố người trúng cả 6 lô đất mới lập biên bản trúng đấu giá.
Ông Tuấn khẳng định với phóng viên Báo điện tử Xây dựng rằng: “Việc điều hành buổi đấu giá như vậy là đúng quy định pháp luật, và vẫn làm thế từ trước đến nay. Trong quá trình đấu giá pháp luật không quy định phải lập biên bản sau khi công bố kết quả trúng từng lô đất, đã không quy định thì tuỳ nghi”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng khẳng định người tham gia đấu giá bắt buộc phải có mặt tại buổi công bố giá và khi công bố người trúng đấu giá từng lô đất pháp luật không quy định người trúng đấu giá phải đứng lên hay không đứng lên để chứng minh có mặt tại buổi công bố giá và việc này không quan trọng vì người trúng đấu giá có quyền từ chối ký biên bản.
Trong trường hợp từ chối ký biên bản nghĩa là từ chối kết quả trúng và bị mất tiền cọc. Khẳng định này của ông Tuấn đã bộc lộ sự mâu thuẫn bởi đã là bắt buộc thì không thể nói là không quan trọng.
Mặc dù cả ông Tuấn và nhân viên Cty của ông đều khẳng định có kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của người tham gia đấu giá nhưng khi phóng viên khẳng định nhiều người tham gia đấu giá phản ánh không ai kiểm tra chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân của người tham gia đấu giá khi vào cửa thì một nhân viên tên Nhung của Cty CP đấu giá và dịch vụ tư vấn Hải Phòng lại cho biết: “Có một số trường hợp em không kiểm tra do Cty tổ chức đấu giá nhiều nên có biết mặt một số “cò đất”.
Sự bất nhất trong trả lời như trên đã cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu kiểm soát người tham gia đấu giá đất của Cty CP đấu giá và dịch vụ tư vấn Hải Phòng.
Về việc khi buổi công bố giá kết thúc, những người tham gia đấu giá đều không biết người trúng đấu giá là ai và cũng không có mặt trong hội trường, trong khi đó ông Tuấn lại xách cặp đi ra ngoài khi chưa lập và ký xong văn bản khiến những người tham gia đấu giá hoài nghi hơn về tính pháp lý của cuộc đấu giá dẫn đến tranh cãi.
Ông Tuấn cho biết: “Trong quy định không cấm việc đấu giá viên đi ra ngoài khi buổi công bố giá đã kết thúc. Tôi được đi ra ngoài, khi nào tổ thư ký làm xong biên bản trúng đấu giá thì sẽ vào ký”. Việc đấu giá thành giá 24 triệu đồng/m2, vượt rất cao so với giá khởi điểm là 4 triệu đồng/1m2, đã làm lợi cho ngân sách quận Kiến An và TP Hải Phòng nhiều tỷ đồng.
Như vậy theo lý giải của ông Tuấn và các nhân viên của ông thì rõ ràng buổi đấu giá 6 lô đất Phương Khê còn nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức để tránh gây hiểu lầm cho những người tham gia đấu giá như phải kiểm tra chặt ngay từ khâu cửa vào giấy tờ tuỳ thân của người tham gia đấu giá.
Ông Đào Xuân Trung - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Kiến An đã nói: “Quy định pháp luật không quy định phải lập biên bản trúng đấu giá nhưng để chặt chẽ thì nên lập biên bản ngay sau khi đấu giá thành từng lô đất. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong những lần đấu giá sau, sẽ yêu cầu đơn vị ký hợp đồng đấu giá lập biên bản ngay khi đấu giá thành từng lô đất”.
Nhóm PV
Theo