Thứ bảy 20/04/2024 14:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đại Từ (Thái Nguyên): Khai thác than đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân

15:02 | 07/08/2020

(Xây dựng) - Thời gian gần đây, người dân 2 xã Na Mao và Phú Cường (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) liên tục phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản của mỏ than Minh Tiến - Công ty Cổ phần Yên Phước đã làm nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân bị tàn phá nghiêm trọng. Người dân cho rằng, nguyên nhân là do Công ty Cổ phần Yên Phước đổ thải phía trên đỉnh núi và nổ mìn khai thác than gây ra. Mặc dù, người dân cũng đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được nhận được hỗ trợ thoả đáng.

dai tu thai nguyen khai thac than de doa nghiem trong den tinh mang va tai san cua nguoi dan
Gần chục nghìn m3 đất đá khu vực bên trên 3 bể lắng thuộc chân bãi thải mỏ than Minh Tiến bị sụt lún (ngày 6/8) đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Mưa to gió lớn… tự bảo nhau mà chạy!

Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã khiến khoảng gần chục nghìn m3 đất đá chân bãi thải từ mỏ than Minh Tiến bị sụt lún, cuốn theo đất đá từ các khu vực đang thi công của mỏ tràn bùn từ trên cao xuống, gây thiệt hại cũng như uy hiếp đến tính mạng và tài sản người dân.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Âu Văn Sầu (xóm Ao Soi, xã Na Mao) lo lắng: Công ty Cổ phần Yên Phước khai thác đánh mìn làm bị nứt rạn nhà cửa của khoảng 70 - 80 hộ dân. Khi trời mưa, đất với đá trộn lẫn quện vào nhau đổ ập từ trên xuống bất cứ lúc nào. Những ngày mưa người dân phải cắt cử người lớn ở nhà trực. Trên núi cứ nghe thấy tiếng đất đá xô to là phải đưa người già và trẻ em chạy đi lánh. Người dân chỉ biết chạy đi chứ không dám ở nhà, khi nào thấy hết nguy hiểm thì mới dám về.

Ông Âu Văn Sầu (xã Na Mao) lo sợ việc sụt lún, sạt lở đất đá đe dọa đến tính mạng và tài sản của các hộ dân sinh sống dưới chân bãi thải. Bà Âu Thị Mệnh và bà Trần Thị Đa (xã Na Mao) bức xúc khi những phản ánh của người dân không được chính quyền quan tâm xử lý.

Theo báo cáo nhanh ngày 6/8 của UBND xã Na Mao về khu vực nguy cơ sạt lở đất đá thuộc chân bãi thải Công ty Cổ phần Yên Phước, do mưa lớn kéo dài đã gây ra hiện tượng sụt lún đất đá khu vực bên trên 3 bể lắng thuộc chân bãi thải với chiều dài khoảng 30m và lún sâu khoảng 0,6m, ước tính khoảng 9.000m3.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã có thông báo cho các hộ dân phía dưới chân bãi thải sơ tán, di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã tổ chức cắt cử lực lượng thường trực tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Trước đó, ngày 11/6/2020, UBND xã Phú Cường cũng đã có báo cáo về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản của mỏ than Minh Tiến trên địa bàn xã bao gồm các vấn đề về bùn, đất tràn xuống cánh đồng thuộc xóm Chiềng; nổ mìn gây ô nhiễm; lấn đất công do UBND xã quản lý; vận chuyển than làm hỏng đường bê tông.

Hiện tại, việc sụt lún, sạt lở đất đá vẫn đang diễn ra nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân sinh sống dưới chân bãi thải. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Hoàng Ngọc Bích - Chủ tịch UBND xã Phú Cường chia sẻ: Qua các ý kiến phản ánh của nhân dân, xã cũng đã đề nghị với các cấp chính quyền chỉ đạo Công ty Cổ phần Yên Phước tiếp tục có những phương án hỗ trợ đền bù cho nhân dân trong vùng nguy cơ sạt lở. Về ảnh hưởng môi trường, nguồn nước thì cũng phải có phương án khắc phục hậu quả.

Bất an khi sống trong chính ngôi nhà của mình (!)

Nguyên nhân gây sạt lở, nứt nhà được cho là do tác động từ việc nổ mìn của mỏ than Minh Tiến đã gây chấn động mạnh. Gần trăm hộ dân bị nứt nhà cửa. Một số nhà rạn nứt nặng đã ảnh hưởng tới toàn bộ kết cấu công trình, không thể sửa chữa được.

dai tu thai nguyen khai thac than de doa nghiem trong den tinh mang va tai san cua nguoi dan
Người dân lo sợ trước những vết nứt ngày càng to.

Bà Âu Thị Mệnh (xã Na Mao) nghẹn ngào: Đấy các cô xem, vết nứt ngang dọc càng ngày càng to ra. Nó xuất hiện từ khi Công ty Cổ phần Yên Phước khai thác nổ mìn. Chính quyền cũng đến kiểm tra nhiều lắm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì. Sợ lắm, ban ngày thấy có động thì còn biết đường mà chạy, chứ đêm hôm mưa gió nó mà sập thì biết chạy đi đằng nào?

Cùng chung lo lắng, bà Trần Thị Đa (xã Na Mao) chia sẻ: Nhà cháu tôi nó nứt ngang qua đầu đốc, khi mưa nó dò nước xuống sợ lắm. Tôi phải bảo chúng nó mưa gió đừng có mà đến đấy, nó sập cái đầu đốc nhà xuống là chết đấy. Mà có gió nó còn đổ cả tảng ý. Giờ nhà nó nứt cả bên trong lẫn bên ngoài rồi.

Mặc dù cơ quan chức năng các cấp tỉnh Thái Nguyên đã có động thái kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, song Công ty Cổ phần Yên Phước vẫn tổ chức khai thác coi thường pháp luật, phớt lờ các quy định, đe dọa sự an toàn của nhân dân trong mùa mưa bão.

UBND huyện Đại Từ cũng đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Yên Phước thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho các hộ dân gần khu vực lở đất tại xóm Ao Soi, xã Na Mao. Cụ thể, để đảm bảo tính mạng và tài sản cho các hộ dân sinh sống gần khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở đất, sạt lở bãi thải, đặc biệt trong mùa mưa bão, UBND huyện yêu cầu Công ty Cổ phần Yên Phước dừng ngay việc đổ thải vào khu vực giáp ranh với khu vực đất bị lún nứt, sạt trượt tại xóm Ao Soi, xã Na Mao và thực hiện gia cố toàn bộ khu vực khai thác, hạ tải khu vực bãi đổ thải; thường xuyên kiểm tra để có biện pháp đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường…

Trước những bức xúc của người dân, ngày 30/7, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên (đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì Đoàn Thanh tra liên ngành) cũng đã công bố Kết luận Thanh tra số 1311/KLTT-SCT, ngày 20/7/2020 do ông Nguyễn Văn Thủy – Phó Giám đốc Sở Công Yhương tỉnh Thái Nguyên ký, về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than của Công ty Cổ phần Yên Phước.

Theo đó, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này đã có một số vi phạm như: Khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được khai thác (theo bề mặt) 843m2. Đặc biệt, doanh nghiệp còn sử dụng sai mục đích 189.844m2 đất rừng sản xuất vào hoạt động khai thác khoáng sản, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định; không thu gom chất thải theo quy định; kê khai thiếu khối lượng đất đá thải, thiếu sản lượng để tính phí bảo vệ môi trường; lập sổ theo dõi xuất nhập vật liệu nổ ghi chưa đầy đủ, hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung...

Sở Công Thương đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt Công ty Cổ phần Yên Phước theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Công ty Cổ phần Yên Phước trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật theo Giấy pháp khai thác khoáng sản được Chủ tịch UBND tỉnh cấp; thường xuyên duy trì quản lý kỹ thuật khai thác, tuân thủ quy trình, quy phạm trong khai thác theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên QCVN 04:2009/BCT, tiêu chuẩn quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên TCVN: 5326:2008, thực hiện quan trắc dịch động.

Yêu cầu Công ty Cổ phần Yên Phước tăng cường hoàn chỉnh hệ thống đê ngăn, mương thoát nước, các hạng mục phụ trợ của bãi thải theo thiết kế đã được phê duyệt, đảm bảo công tác thoát nước khu vực khai thác và bãi thải không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; thực hiện cắt tầng khu vực khai thác đảm bảo tuân thủ theo thiết kế mỏ; phải cắm mốc khép góc khu vực khai thác khoáng sản theo tọa độ ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản; hoàn thiện hồ sơ thuê đất đối với 189.844m2 đất không có hồ sơ sử dụng đất; kê khai đúng phí bảo vệ môi trường theo quy định…

Có hay không sự “chống lưng” cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật?

Sai phạm cũng đã được chỉ rõ, sạt lở nghiêm trọng đã và vẫn đang diễn ra, bãi thải vẫn sừng sững ngay trên đỉnh đầu, sẵn sàng ập xuống khu dân cư bất cứ lúc nào, hiểm họa mất an toàn trong mùa mưa bão vẫn đang hiện hữu khiến người dân ăn ngủ không yên… Thế nhưng, biện pháp xử lý được Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đưa ra dường như chỉ mang tính hình thức khiến người dân không khỏi bất an.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nông Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết: Mỏ than Minh Tiến có đặc điểm là khai thác trên đỉnh núi, không như các công ty khác là khai thác ở chân núi và trong lòng đất. Khi than và các chất thải chưa kịp xử lý, chỉ cần mưa là nguy cơ sạt lở cao. Đã có nhiều hộ bị ảnh hưởng không thể khắc phục được, mà chỉ hỗ trợ theo thời vụ. Những ngày mưa bão như thế này, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và cứu nạn của xã lúc nào cũng căng như dây đàn, túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng cứu người dân khi bị sạt lở.

Một cán bộ chia sẻ: Thảm cảnh kinh hoàng vụ sạt lở bãi thải mỏ Phấn Mễ tại thôn Khuôn 1, xã Phục Linh cũng trên địa bàn huyện Đại Từ hồi năm 2012 luôn hiện hữu trong tâm trí người dân. Chỉ vì thiếu quan tâm trước những lời kêu cứu của người dân mà 10 căn nhà và 6 mạng người đã bị vùi lấp dưới bùn than. Những diễn biến tại mỏ khai thác của Công ty Cổ phần Yên Phước cũng đang rơi vào tình trạng tương tự như mỏ than Phấn Mễ, hiểm nguy luôn rình rập trên đầu.

Khi được hỏi về việc mỏ than hoạt động đã gây thiệt hại cũng như uy hiếp đến tính mạng và tài sản người dân như vậy, nhưng đã bao giờ chính quyền yêu cầu mỏ dừng hoạt động để khắc phục hậu quả chưa? Chính quyền của cả 2 xã Na Mao và Phú Cường đều có cùng câu trả lời là: Địa phương không vào được bên trong nên cũng không biết những sai phạm của mỏ than Minh Tiến có bị đình chỉ hoạt động hay không. Nhưng 2 xã này chưa bao giờ nhận được thông báo nào về việc mỏ than bị đình chỉ để khắc phục hậu quả cho dân (?)

dai tu thai nguyen khai thac than de doa nghiem trong den tinh mang va tai san cua nguoi dan
Đá tảng, đất và chất thải trộn vào nhau đổ từ trên cao xuống uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân bất cứ lúc nào.

Cũng theo phản ánh của người dân, Công ty Cổ phần Yên Phước thực hiện khai thác tại mỏ Minh Tiến nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường phù hợp, nổ mìn làm nứt nhà của nhiều hộ dân, đổ thải khai thác sai chỉ giới, chất thải nhiều lần vùi lấp hàng chục ha ruộng của người dân… Người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền đề nghị có biện pháp đảm bảo môi trường, đảm bảo an toàn cuộc sống cho họ. Tuy nhiên đến nay đời sống của người dân vẫn bị đe doạ, hiểm họa ập xuống bất cứ lúc nào.

Bài học nhãn tiền từ mỏ than Phấn Mễ “phạt cho tồn tại” khiến dư luận đặt câu hỏi: Dựa vào đâu để Công ty Cổ phần Yên Phước lại có thể “ngang nhiên” vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường? Có hay không sự “chống lưng” để doanh nghiệp coi thường tính mạng và tài sản của người dân? Cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần vào cuộc xác minh có hay không việc bảo kê tại mỏ than Minh Tiến.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Như Ý – Thu Quân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load