Thứ sáu 29/03/2024 15:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công tác thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ngành Xây dựng

19:18 | 16/04/2021

(Xây dựng) – Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng. Phát huy vai trò là đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện công tác thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

cong tac thanh tra gop phan nang cao hieu qua quan ly nha nuoc nganh xay dung
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.

Qua thanh tra kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 13 nghìn tỷ đồng

Đây là những đóng góp đáng ghi nhận của Thanh tra Bộ Xây dựng trong suốt những năm qua (giai đoạn 2016-2021). Thời điểm mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 nhưng Thanh tra Bộ vẫn luôn giữ vững kỷ cương, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, phối hợp chặt chẽ của các Cục, Vụ, Cơ quan liên quan phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn từ 15/12/2015 đến 15/6/2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 340 Đoàn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và chỉ đạo của Bộ trưởng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: Quy hoạch, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản; giải quyết khiếu nại về nhà đất...; thanh tra hành chính đối với các đơn vị trực thuộc Bộ.

Kết quả, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 337 kết luận Đoàn thanh tra. Trong đó kiến nghị, yêu cầu xử lý về kinh tế (lũy kế từ 15/12/2015 đến 15/9/2020) 13.226,9 tỷ đồng; bao gồm: Yêu cầu phê duyệt lại dự toán 5.889,9 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 715,5 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về ngân sách Nhà nước địa phương 6.267,9 tỷ đồng; yêu cầu thu về quỹ sắp xếp doanh nghiệp của các Tổng Công ty 2,5 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản chủ đầu tư 70,7 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 174,6 tỷ đồng; vi phạm khác 126 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng đã ban hành 447 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với số tiền 186,4 tỷ đồng. Đồng thời, giai đoạn vừa qua cũng đã ban hành 339 Văn bản đôn đốc yêu cầu thực hiện Kết luận Thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tiến hành đôn đốc trực tiếp và kiểm tra việc thực hiện Kết luận Thanh tra tại 4 đơn vị và triển khai 6 đoàn kiểm tra việc thực hiện Kết luận Thanh tra đối với 12 Kết luận Thanh tra.

Các đơn vị được thanh tra thực hiện theo yêu cầu của Kết luận Thanh tra hoặc thông qua công tác đôn đốc. Kết quả, việc thực hiện Kết luận Thanh tra đã khắc phục tính sai dự toán là 1.012 tỷ đồng; thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ là 122,7 tỷ đồng; giảm trừ thanh, quyết toán là 170,2 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ cũng đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 22,3 tỷ đồng; thực hiện các quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả với số tiền 34,2 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã báo cáo Bộ trưởng để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về xây dựng trên các lĩnh vực: Quy hoạch, hoạt động xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động thường xuyên của các cơ quan quản lý và đề án do Bộ Xây dựng triển khai. Ngoài kiến nghị xử lý về kinh tế nêu trên, Kết luận Thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân và kiến nghị các hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

cong tac thanh tra gop phan nang cao hieu qua quan ly nha nuoc nganh xay dung
Lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các Cục, Vụ và các đơn vị trực thuộc Bộ tại Lễ kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam.

Thanh tra, kiến nghị xử lý những vấn đề “nóng” của ngành Xây dựng

Thời gian qua, vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm đánh giá cao qua công tác thanh tra chính là việc công khai các Kết luận Thanh tra, đặc biệt là việc kiểm tra, xử lý những vấn đề nóng của ngành Xây dựng như: Tranh chấp chung cư, quản lý kinh phí bảo trì chung cư… Đây là những vấn nóng, nhiều lần được Quốc hội chất vấn và yêu cầu có những giải pháp xử lý triệt để.

Cụ thể, tại 15 Kết luận Thanh tra do Chánh Than tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành, rất nhiều những vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư đã được Thanh tra Bộ nêu rõ.

Đặc biệt, qua thanh tra, Thanh tra Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư chuyển trả cho Ban quản trị nhà chung cư tổng số tiền là 250 tỷ đồng.

Cùng với đó là việc ra các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 chủ đầu tư với số tiền là 820 triệu đồng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ phần lấn chiếm không gian sử dụng chung để trả lại cho cư dân.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thực hiện hoàn thành 11 Đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, giải quyết triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đôn đốc kiểm tra bảo đảm thực hiện nghiêm các kết luận và kiến nghị xử lý sau thanh tra.

“Công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư là vấn đề nóng, phức tạp mà dư luận bức xúc lên án trong suốt thời gian qua. Sự vào cuộc của Đoàn thanh tra là việc làm cần thiết, qua đó cảnh báo cho các chủ đầu tư có ý định chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tại 22 nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Việc cố tình chiếm 2% quỹ bảo trì và chiếm dụng không gian sở hữu chung nhà chung cư sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí sẽ bị điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm, nếu để ra sai phạm”, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.

Cũng theo tìm hiểu được biết, sau khi công bố Kết luận Thanh tra, nhiều thư cảm ơn của Ban quản trị chung cư đã được gửi tới cơ quan thanh tra, qua đó bày tỏ cách làm công tâm, minh bạch, hiệu quả của đoàn thanh tra; những bức xúc của người dân về việc chiếm dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư sau khi công bố kết luận thanh tra cũng đều được giải tỏa.

Hoàn thiện thể chế, tiếp tục đổi mới công tác thanh tra

Có thể khẳng định, qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị xử lý nhiều vấn đề nóng của ngành Xây dựng trong suốt những năm qua. Ngoài những vấn đề kể trên, một trong những đóng góp quan trọng của Thanh tra Bộ chính là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tuyên tryền phổ biến pháp luật của ngành Xây dựng.

Theo đó, trình Chính phủ ban hành các nghị định: Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định về hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 02/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP…; Thông tư 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018 quy định chi tiết Nghị định 139/2017/NĐ-CP; Quyết định số 917/QĐ-BXD ngày 05/11/2019 ban hành Tiêu chí xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ Xây dựng…

cong tac thanh tra gop phan nang cao hieu qua quan ly nha nuoc nganh xay dung
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng tìm hiểu về những đổi mới trong công tác thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về thanh tra cho công chức, thanh tra viên làm công tác thanh tra chuyên ngành Xây dựng. Cụ thể, trong năm 2020, được sự đồng ý của Bộ trưởng, Thanh tra Bộ đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị “Tọa đàm và tổng kết thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng” đối với 19 tỉnh thành phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó đã ghi nhận nhiều tình huống, bất cập từ thực tế, đồng thời tiếp tục nâng cao, tăng cường mối quan hệ phối hợp với Sở, Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương.

Cũng qua công tác thanh tra, theo đề xuất của Thanh tra Bộ, Bộ Xây dựng cũng đã giao cho các đơn vị nghiên cứu để sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung trên 136 tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật trong 07 lĩnh vực như: Hoạt động xây dựng; Nhà và thị trường bất động sản; Quản lý chi phí, phương pháp lập dự toán…

Về công tác thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ Xây dựng đều được xây dựng đúng quy định của pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ.Việc xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm được lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ công tác khảo sát, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện, bám sát yêu cầu quản lý Nhà nước của Bộ, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà dư luận, xã hội quan tâm và theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/04/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra.

Thanh tra Bộ cũng đã trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 917/QĐ-BXD ngày 05/11/2019 về Tiêu chí xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ Xây dựng. Đặc biệt, để các kế hoạch được triển khai hiệu quả, hoạt động giám sát của công tác thanh tra cũng được thực hiện khách quan từ khi công bố quyết định đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại của người được giao nhiệm vụ giám sát và được công khai rộng rãi tại buổi công bố Quyết định thanh tra, để các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của Đoàn thanh tra.

Trao đổi về những giải pháp, kế hoạch trọng tâm của công tác thanh tra trong những năm tới, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng chia sẻ: Trong thời gian tới, để đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Thanh tra Bộ sẽ tập trung bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và năng lực thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng từng thành viên đoàn thanh tra gắn với đạo đức công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính”.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, ưu tiên tập trung nhân lực và thời gian giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo; thực hiện việc tổng hợp bất cập, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách và quy định của pháp luật qua thanh tra.

Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giám sát đoàn thanh tra, trách nhiệm người được giao nhiệm vụ giám sát và công tác xử lý sau thanh tra; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đối với các kết luận thanh tra đã có hiệu lực thi hành chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa triệt để.

Cùng với đó là việc tiếp tục đổi mới công tác thanh tra; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham mưu giúp lãnh đạo Bộ thực hiện tốt Luật Tiếp Công dân và Nghị định hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 35 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư…

Với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đề ra, tin tưởng trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác thanh tra, qua đó góp phần giữ vững kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng.

Kim Thoa – Mai Thu – Vũ Bích

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load