(Xây dựng) - Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản, đề án xây dựng kế hoạch chi tiết soạn thảo đối với văn bản, đề án được giao chủ trì, phân công cụ thể lãnh đạo đơn vị phụ trách, chuyên viên thực hiện, tiến độ thực hiện.
Một Hội nghị phổ biến Quy chế làm việc của Chính phủ, Quy chế soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Xây dựng. |
Theo đó, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2025, bao gồm các văn bản, đề án đã được giao trong Chương trình công tác năm 2025 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo khác của cấp có thẩm quyền.
Các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản, đề án xây dựng kế hoạch chi tiết soạn thảo đối với văn bản, đề án được giao chủ trì, phân công cụ thể lãnh đạo đơn vị phụ trách, chuyên viên thực hiện, tiến độ thực hiện; gửi Vụ Pháp chế để theo dõi, đôn đốc.
Đối với các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ thời gian trình quy định, tham mưu Bộ Xây dựng trình trước ngày 20 của tháng (riêng đối với các dự án luật, trình trước ngày mùng 10 của tháng); trừ trường hợp có chỉ đạo khác của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình, gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo.
Bộ Xây dựng giao Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình này và báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có).
Đồng thời, tham mưu báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình, kết quả thực hiện văn bản, đề án trong Chương trình công tác năm 2025 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi Văn phòng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh các văn bản, đề án thấy cần thiết bổ sung vào Chương trình để soạn thảo trong năm 2025 hoặc có yêu cầu điều chỉnh, bổ sung văn bản, đề án thì đơn vị đề xuất chủ động báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách xem xét. Trường hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung văn bản, đề án được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì văn bản (hoặc ý kiến) chấp thuận là cơ sở để triển khai thực hiện.
Ý Nhi
Theo