(Xây dựng) - Ngày 26/3, tại Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã diễn ra Hội nghị góp ý “Định hướng nội dung nghiên cứu về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2025- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Các đại biểu góp ý kiến với định hướng nội dung về ATVSLĐ giai đoạn 2025- 2030. |
Tham dự có TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (Bộ LĐTB&XH) và các đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Viện Khoa học ATVSLĐ) đã trình bày nội dung đề án nghiên cứu về ATVSLĐ giai đoạn 2025- 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Theo đó, chiến lược phát triển Viện phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030, các chủ trương, chính sách về khoa học và công nghệ của Đảng, Nhà nước để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Phát triển Viện trở thành trung tâm khoa học và công nghệ mạnh, phát triển bền vững; góp phần đẩy mạnh tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo ATVSLĐ, môi trường lao động của doanh nghiệp và người lao động. Hoạt động khoa học và công nghệ của Viện Khoa học ATVSLĐ gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao và đổi mới sáng tạo.
Theo báo cáo, mục tiêu của định hướng là xây dựng Viện thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam; đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao. Đồng thời là một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ATVSLĐ, môi trường lao động và phát triển nguồn nhân lực, chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Đến năm 2030, Viện đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong chính sách, công nghệ đánh giá rủi ro mất ATVSLĐ, hệ thống công nghệ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đạt trình độ tiên tiến ở châu Á; nâng cao vai trò tư vấn trong công tác quản lý ATVSLĐ; xây dựng chính sách và chiến lược phát triển an toàn, vệ sinh lao động, phát triển nguồn nhân lực và kinh tế - xã hội.
Mục tiêu đến năm 2045, Viện Khoa học ATVSLĐ trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thuộc nhóm hàng đầu trong khu vực, một số lĩnh vực đặc biệt là nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở châu Á và thế giới, phát triển mạnh và hài hòa cả về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân lực về ATVSLĐ, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quan trọng của cả nước và khu vực.
Viện Khoa học ATVSLĐ trở thành cơ quan hàng đầu về tư vấn trong hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội.
Bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn, Bộ LĐTB&XH phát biểu. |
Bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn, Bộ LĐTB&XH cho biết: Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Chỉ thị số 31) về tăng cường công tác ATVSLĐ trong tình hình mới trên nền tảng của Chỉ thị 29 về công tác ATVSLĐ đã phân tích những tồn tại, hạn chế và đánh giá 7 nhiệm vụ giải pháp.
Điểm khác biệt của Chỉ thị này là đã đưa các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể (tỷ lệ tai nạn lao động giảm ít nhất 4% năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp ít nhất 5%; số cơ sở phát hiện yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%).
Chỉ thị số 31 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan doanh nghiệp, người lao động: Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Đồng thời nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước.
Theo bà Hạnh, hiện tại công tác quản lý an toàn tại các cấp cơ sở còn một số bất cập mà Chỉ thị số 31 đã đưa ra và hướng đến quản lý hiệu quả. Đặc biệt là việc phát huy nguồn quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp có hiệu quả cao nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh: Cục đã lưu ý những nội dung chiến lược, kế hoạch về ATVSLĐ trong bối cảnh mới. Cần lưu ý hơn nữa những chiến lược về chăm sóc sức khỏe cho người lao động, nâng lên tầm cao mới.
Công tác an toàn trong bối cảnh hội nhập cũng phải tương thích với tình hình mới. Đặt vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước một tầm nhìn mới, với những định hướng đến năm 2030 để có những giải pháp tương xứng. Tiến tới xây dựng thể chế hài hòa đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Tới đây, Cục An toàn lao động sẽ đề xuất tiến tới công khai công tác quan trắc để bảo đảm các kết quả ATVSLĐ.
Đại diện Viện Khoa học ATVSLĐ ký kết với doanh nghiệp. |
Nhân dịp này, Viện Khoa học ATVSLĐ đã ký kết với 4 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Vận tải 3C, Công ty Dệt may Á Châu, Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp và khoáng sản Thành Nam, Công ty Đầu tư thương mại và xây dựng Vượng Phát. Đây là các doanh nghiệp có quá trình phát triển với những sản phẩm uy tín và luôn chú trọng công tác ATVSLĐ, bảo vệ môi trường làm việc và sức khỏe người lao động.
Mai Nam Sơn
Theo