Thứ sáu 13/09/2024 05:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Lao động

Công nhân xóm trọ san sẻ từng miếng ăn, coi nhau như chị em

09:21 | 05/10/2021

Chúng tôi đến xóm trọ công nhân trên địa bàn thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vào một ngày cuối tuần. Ngày nghỉ, công nhân ở đây tập trung nấu nướng, san sẻ miếng ăn, thậm chí cùng nhau than thở chuyện đời, chuyện gia đình. Và mỗi người trong số họ đều có hoàn cảnh éo le khác nhau.

cong nhan xom tro san se tung mieng an coi nhau nhu chi em
Công nhân trong xóm trọ nghỉ ngơi, trò chuyện với nhau trong ngày cuối tuần. Ảnh: Bảo Hân

Lương 6 triệu đồng, gửi 4 triệu đồng nuôi con

Vừa bước đến cửa phòng trọ, PV nghe thấy tiếng than thở của nữ công nhân vọng ra: “Ôi giời ơi, nhớ con lắm rồi!”. Thấy vậy, nam công nhân đứng bên ngoài đáp lại: “Nhớ con thì về đi, bỏ ra 230.000 đồng xét nghiệm nhanh COVID-19 rồi về quê”. Nhưng giọng anh này bỗng khựng lại: “230.000 đồng bằng với thùng sữa của con đấy. Lỡ về quê bị cách ly lại thêm khổ”.

Hỏi chuyện mới biết, đã gần 4 tháng nay, chị Bùi Thị Sự (quê ở Hoà Bình) chưa thể về quê nội ở Thanh Hoá thăm các con. Chị Sự hiện là công nhân Công ty TNHH Thời trang Star (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội).

cong nhan xom tro san se tung mieng an coi nhau nhu chi em
Chị Bùi Thị Sự (bên phải) mang nải chuối cho hàng xóm. Ảnh: Bảo Hân

Chị Sự có 2 người con, bé đầu đang học lớp 9, bé thứ 2 năm nay học lớp 1. Chị Sự chưa bao giờ xa con lâu đến vậy. "Gọi điện về nhà, bao giờ chúng cũng hỏi tôi: 'Mẹ ơi, bao giờ mẹ về với con. Mẹ về đi nhé'. Mỗi lần nghe con nói như vậy, tôi day dứt lắm” - chị Sự bần thần.

Chồng chị Sự làm công nhân xây dựng, đang “mắc kẹt” ở Sóc Trăng vì dịch. Theo chị, trước đây công việc của anh thường phải đi làm xa nên vợ chồng rất ít khi được gặp nhau. Tuy vậy, thời điểm chưa có dịch, anh vẫn có thể xin nghỉ vài hôm để vợ chồng cùng về quê thăm các con. Còn bây giờ: "Không biết Tết đến gia đình có được đoàn tụ không" - chị Sự thở dài.

Lương của chị Sự ở mức 6 triệu đồng/tháng, trong đó chị gửi về nuôi 2 con 4 triệu đồng. Đợt này, chồng chị không được đi làm nên mọi chi tiêu, chuyện học hành của các con đều do chị cáng đáng. 2 triệu đồng để sống được ở thành phố, chị Sự phải dè sẻn hết mức mới có thể bám trụ lại được ở Hà Nội. Bởi vậy, bộ quần áo chị mặc đã thấy những chỗ bị sờn, bạc màu.

Mưu sinh ở thành phố, chị Sự không quen biết ai ngoài mấy chị em công nhân cùng xóm trọ. Chị coi họ như chị em, bạn bè thân thiết. “Chúng tôi hay ngồi lại để chia sẻ, tâm sự. Từ chuyện công ty đến chuyện gia đình. Có món gì ngon cũng san sẻ” - chị Sự nói. Nhờ vậy, chị Sự bớt đi sự trống trải khi phải xa chồng con.

"Chỉ làm công nhân 1-2 năm nữa"

Tại một phòng trọ khác, vợ chồng anh Đinh Văn Thắng đang loay hoay làm thịt vịt để mời hàng xóm dùng bữa trưa. Anh Thắng cho hay, thời gian vừa rồi, công nhân trong xóm trọ gần như chỉ ở trong phòng, ít được gặp gỡ. Mãi đến hôm nay mới có điều kiện để ngồi với nhau.

Căn phòng trọ anh Thắng thuê trông khá tuyềnh toàng, chỉ có chiếc tủ lạnh là đồ giá trị nhất, tường đã có vết nứt. Anh Thắng quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội; vợ ở Sơn La. Anh và vợ quen nhau trong thời gian làm công nhân, rồi 2 người lấy nhau.

Anh Thắng chia sẻ, hai tháng nay, vợ chồng anh phải nghỉ làm việc ở nhà nên không được hưởng lương. Đến ngày 5.9, vợ chồng anh mới được đi làm trở lại. Hai tháng không có thu nhập, mãi gần đây, công ty mới trả lương khiến cuộc sống vợ chồng trẻ này gặp rất nhiều khó khăn.

Mỗi tháng vợ chồng anh mất 500.000 đồng tiền thuê nhà, cộng với tiền điện, nước là khoảng 800.000 đồng; rồi tiền ăn uống, sinh hoạt và nhiều khoản chi khác.

cong nhan xom tro san se tung mieng an coi nhau nhu chi em
Vợ chồng anh Thắng chuẩn bị bữa trưa để đãi hàng xóm. Ảnh: Bảo Hân

Lấy nhau 2 năm nay, anh và vợ không dành dụm được nhiều. Thi thoảng, anh chị phải gửi tiền về hỗ trợ bố mẹ già ở quê.

Hỏi về dự định trong tương lai, anh Thắng suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Vợ chồng tôi không có ý định gắn bó với nghiệp công nhân lâu dài. Làm công nhân thu nhập thấp, nếu muốn được thêm tiền thì phải tăng ca, về lâu dài ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ.

Vì vậy, tôi dự định làm nghề này 1-2 năm nữa, dành dụm được chút tiền, may mắn thì được vài chục triệu đồng đến 100 triệu đồng, rồi về quê Mỹ Đức, thuê mặt bằng, mở cửa hàng tạp hoá để kiếm sống. Vốn ít thì mình mở cửa hàng nhỏ thôi vậy”.

Dự định là thế, còn trước mắt, vợ chồng anh đang phải lo cho sinh hoạt hàng ngày với đồng lương ít ỏi. Anh Thắng mong vợ chồng, bố mẹ 2 bên khoẻ mạnh, bởi có như vậy mới để ra được tiền làm vốn, thực hiện ước mơ nho nhỏ của mình…

Theo Minh Phương - Bảo Hân/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load