(Xây dựng) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 31/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Thông tư 31 quy định, tổ chức thu phí được để lại 50% (thay cho mức 85% hiện nay) số tiền phí thu được để trang trải các chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 50% (thay cho mức 15% hiện nay) số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung Điểm 6.2, mục B của Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC. Cụ thể như sau: Phí thực hiện thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp (đối với mỗi kiểu dáng công nghiệp) có nguồn gốc Việt Nam, không bao gồm các khoản phí phải nộp cho văn phòng quốc tế đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, đều ở mức 2 triệu đồng.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 263, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nộp đơn, hồ sơ yêu cầu thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp phí, lệ phí sở hữu công nghiệp. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi nộp đơn, hồ sơ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp phải nộp phí, lệ phí theo quy định.
Thông tư 31 có hiệu lực kể từ 1/7/2020.
Khánh Diệp
Theo