Chủ nhật 06/10/2024 18:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Chuyện mùa dịch: Xe ôm xếp hàng chờ khách

10:19 | 14/05/2021

(Xây dựng) – Chỉ vài tuần trước, hình ảnh những tài xế công nghệ vẫn còn chen nhau trên đường phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi Nhà nước có các thông báo về đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, lượng người đi lại giảm đi đáng kể, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của cả xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống.

chuyen mua dich xe om xep hang cho khach
Cả xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống xếp hàng dài vì vắng khách.

Nói chuyện với chúng tôi vào chiều muộn ngày 12/5, chị Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) chia sẻ: “Ế lắm em ạ, người ta sợ dịch có đi xe ôm đâu, xong giờ đặt qua ứng dụng người ta cũng ngại vì phí dịch vụ tăng nữa. Lúc mà dịch chưa căng thẳng như này chị vẫn chạy tầm 20 chuyến mỗi ngày, nên thu nhập ổn định, ai ngờ dịch lại quay lại, giờ mấy xe ôm cứ xếp hàng nói chuyện kể khổ với nhau thôi”.

Bắt gặp chị Yến (làm việc tại Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội), chúng tôi thấy chị đứng trên vỉa hè được một lúc lâu tới hỏi thì chị trả lời chị đang chờ chồng tới đón. “Hồi trước thỉnh thoảng chị cũng bắt xe về cho đỡ mất công chồng đi lại nhưng từ đợt dịch trở lại thì chồng chị không đồng ý đi grab về nữa, anh về sớm hơn nên cắm cơm rồi qua đón chị, hôm nay chị về sớm hơn mọi ngày nên mới chờ lâu một chút thôi”.

chuyen mua dich xe om xep hang cho khach
Nhiều người đứng chờ người nhà, không lựa chọn đi xe ôm vì dịch bệnh.

Bạn Phan Châu Giang (22 tuổi, quê Vĩnh Phúc, đang làm việc tại Hà Nội) nói về lý do không sử dụng xe ôm/xe ôm công nghệ nữa: “Vì dịch đợt này căng thẳng hơn, mỗi giờ mỗi phút lại có các ca mắc mới. F1, F2 Thì ở mọi nơi, mình không biết khi bắt xe có vô tình chung tài xế với F1, F2 nào không. Do rất khó kiểm soát nên bố mẹ đã đề nghị mình mang xe máy lên tự lái cho an toàn”.

Còn bạn Đào Trần Thùy Dương (sinh năm 2000, sinh sống tại Hà Đông) thường xuyên đặt đồ ăn và trà sữa qua các ứng dụng thì dạo này lựa chọn nấu ăn ở nhà, bạn nói: “Thường thì mình đi học, đi làm về muộn, lúc đấy cũng mệt rồi nên lười nấu cơm lắm, đặt luôn online cho nhanh mà còn không phải rửa dọn, ở một mình nấu cơm ăn cũng không ăn hết được trong một bữa, để qua hôm sau thì không còn ngon nữa, đặt online vừa rẻ vừa tiện nên có khi mình đặt đến 6 ngày/tuần đồ ăn ngoài. Còn bây giờ thì sợ lắm không dám lười nữa, cũng được học với làm việc online nên mình dậy sớm đi chợ, nấu cơm, thấy thú vị lắm”.

Bác Đặng Văn Chiến (Long Biên, Hà Nội) hay nhận các đơn trà sữa tại Aeon Mall Long Biên cũng chia sẻ rằng, dạo này các đơn hàng giảm mạnh, phần vì dịch mọi người hạn chế đặt đồ từ ngoài, phí dịch vụ có tăng một chút, nữa là các bạn sinh viên về quê nên mỗi ngày bác chỉ nhận được lác đác chục đơn, bác chỉ nhận ship đồ ăn trà sữa thôi nhưng dạo này có người hỏi xe ôm bác cũng nhận để kiếm thêm được ít nào hay ít đấy. “Thời buổi kinh tế khó khăn mình phải linh động cháu ạ!” - Bác cười hiền.

Một số hãng cũng đã có chính sách hỗ trợ cho tài xế như tăng mức phụ phí cho mỗi chuyến xe thêm từ 5.000 - 15.000 đồng; bổ sung chính sách thưởng theo % số chuyến trong ngày hay tăng thêm thu nhập cho tài xế trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, nhiều hãng cũng cho phép tài xế có thể chuyển vùng hoạt động một cách tự động. Tuy nhiên có lẽ đối với đợt dịch này, cuộc chiến còn dài nên các nhà quản lý cần có các chính sách mới để đảm bảo thu nhập cũng như có phương án truyền thông mới để thu hút khách hàng, đảm bảo an toàn phòng tránh dịch trên từng chuyến xe.

Thị An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load