Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS cho rằng rủi ro điều chỉnh do dịch COVID-19 khiến tâm lý thị trường thận trọng trong ngắn hạn, do đó, xu hướng tăng có thể bị đảo ngược.
Bảng giá chứng khoán được cập nhật thường xuyên tại sàn HOSE. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN) |
Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tuần giao dịch qua (từ 4-7/5). Dù VN-Index vẫn tăng nhưng không thể vượt lên mốc 1.250 điểm, cùng với việc khối ngoại đã trở lại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng.
Với diễn biến hiện tại, các chuyên gia phân tích từ công ty chứng khoán có góc nhìn thận trọng về xu hướng thị trường tuần tới.
Chờ đợi tín hiệu tiếp theo
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS cho rằng rủi ro điều chỉnh do dịch COVID-19 khiến tâm lý thị trường thận trọng trong ngắn hạn, do đó, xu hướng tăng có thể bị đảo ngược. Các nhà giao dịch nên cẩn thận và chờ đợi tín hiệu tiếp theo.
Ngưỡng 1.200 điểm trở thành ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quan trọng nhất. Ở chiều ngược lại, vùng 1.300 điểm được kỳ vọng sẽ là ngưỡng kháng cự trong tuần tới.
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC cho biết, phiên cuối tuần qua (7/5), chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm. Dòng tiền đầu tư suy yếu và chỉ co cụm vào một số nhóm ngành khi chỉ có 3/19 nhóm ngành giảm điểm. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Thanh khoản tăng mạnh cùng với hoạt động bắt đáy của thị trường tại ngưỡng 1.232 điểm cho thấy VN-Index nhiều khả năng sẽ tích lũy ngắn hạn trong vùng 1.230-1250 điểm.
“Với xu hướng như vậy, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tái cơ cấu danh mục vào các cổ phiếu cơ bản tốt trong nhịp tích lũy này," BSC khuyến nghị.
Có quan điểm tương đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS nhận định về kỹ thuật vùng 1.240-1.245 điểm vẫn đang hỗ trợ cho chỉ số trong ngắn hạn. Các chỉ báo kỹ thuật như đang phát đi những tín hiệu tiêu cực hơn sau phiên giảm cuối tuần qua. Độ rộng thị trường chứng kiến sự áp đảo của số mã giảm điểm. Diễn biến này phần nào cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Công ty chứng khoán này vẫn nghiêng về khả năng chỉ số tiếp tục đi ngang trong vùng 1.230-1.265 điểm, trước khi xác nhận xu thế rõ ràng hơn trong ngắn hạn.
Trong khi đó, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) dự báo trong tuần giao dịch từ 10-14/5, thị trường có thể sẽ giảm về những ngưỡng thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 4-7/5, VN-Index tăng 2,42 điểm lên 1.241,81 điểm; HNX-Index giảm 1,89 điểm xuống 279,86 điểm.
Giá trị giao dịch mỗi phiên trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó, với hơn 23.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 22,9%, lên 85.397 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 16,5%, lên 3.056 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 4,1%, lên 9.107 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 2,6%, lên 475 triệu cổ phiếu.
Về diễn biến nhóm cổ phiếu, các nhóm ngành có sự phân hóa mạnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 2,6% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như: TCB tăng 14,8%, CTG tăng 7,4%, VIB tăng 5,6%, VPB tăng 5,1%, ACB tăng 1,6%... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 2,1% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tăng mạnh là HPG tăng 4,6%, NKG tăng 15,4%, HSG tăng 15,6%...
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN) |
Ở chiều ngược lại, hàng tiêu dùng là nhóm giảm mạnh nhất với 4,8% giá trị vốn hóa. Các mã như: SAB giảm 8,4%, VNM giảm 7%, MSN giảm 3,1% BHN giảm 0,4%...
Tiếp theo là dịch vụ tiêu dùng với mức giảm 3,2% giá trị vốn hóa. Các mã như HVN giảm 6,2%, VJC giảm 4,3%, MWG giảm 0,5%...
Về diễn biến khối ngoại, tuần qua khối này bán ròng 61,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.910 tỷ đồng.
Thực tế, chỉ số VN-Index tăng nhẹ trong bối cảnh diễn biến của các thị trường chứng khoán thế giới nghiêng về xu hướng tích cực, đặc biệt các chỉ số chứng khoán Mỹ còn lập mức cao kỷ lục trong tuần qua.
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục
Chốt phiên cuối tuần (7/5), chỉ số Dow Jones phục hồi sau khi giảm vào đầu phiên, tăng 0,7% lên mức kỷ lục 34.777,76 điểm.
Chỉ số S&P 500 SPX tăng 0,74% và cũng lập mức cao kỷ lục mới là 4.232,6 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,88% lên 13.752,24 điểm.
Giới phân tích cho rằng báo cáo việc làm tháng Tư của Mỹ kém hơn nhiều so với dự báo đã không ảnh hưởng đến đà đi lên của thị trường chứng khoán.
Theo Giám đốc đầu tư của Cornerstone Wealth, Cliff Hodge, thị trường đang phục hồi khi sự thất vọng về báo cáo việc làm đã để ngỏ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì các điều kiện tài chính nới lỏng lâu hơn, có nghĩa chưa giảm kích thích cũng như tăng lãi suất trong thời gian tới.
Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,7% và chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,2%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,5%.
Trong khi đó tại thị trường châu Á, chứng khoán Tokyo giảm bớt đà tăng hồi đầu phiên nhưng vẫn đóng cửa trong vùng tăng điểm. Cụ thể, chỉ số Nikkei-225 phiên này tăng 0,09% lên 29.357,82 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc kéo dài chuỗi tăng điểm sang phiên thứ ba liên tiếp nhờ hy vọng ngày càng tăng về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc. Phiên này, chỉ số Kospi tăng 0,58% và khép phiên ở mức 3.197,2 điểm.
Các thị trường Sydney, Singapore, Mumbai và Bangkok đều lên điểm.
Ở chiều ngược lại, chứng khoán Trung Quốc đi xuống do hoạt động chốt lời sau đợt tăng trong phiên sáng. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,09%, xuống 28.610,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,65%, xuống 3.418,87 điểm.
Chứng khoán Wellington, Manila và Jakarta cũng đi xuống./.
Theo Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)