Thứ bảy 20/04/2024 07:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thi công đạt hơn 30% khối lượng công việc

13:48 | 02/11/2022

(Xây dựng) – Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án (DNDA) cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đến thời điểm hiện tại khối lượng công việc các nhà thầu đã thi công được là hơn 30%, đạt giá trị tài chính khoảng 2.200 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Đèo Cả đạt khối lượng 31,20% (tương đương 1.418 tỷ đồng). Phần còn lại do nhà thầu 194 đảm nhiệm thi công.

cao toc cam lam vinh hao thi cong dat hon 30 khoi luong cong viec
Nhà thầu tập trung nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ công tác thi công để công trình về đích trước kế hoạch 90 ngày.

Để đạt được khối lượng trên, trong thời gian qua DNDA đã tổ chức bố trí sắp xếp bộ máy nhân sự ở đây theo mô hình hợp nhất, Ban điều hành dự án điều hành hoạt động các khối của DNDA, thi công được quản lý tập trung, chỉ đạo thống nhất trong triển khai công việc nhằm tiết giảm chi phí trong thời gian triển khai thi công dự án.

Tuy nhiên, để dự án về đích đúng tiến độ, theo ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, trong thời gần đây Đèo Cả đã đầu tư trên 500 tỷ đồng mua sắm máy móc thiết bị và đang tiếp tục đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất vật liệu, máy móc thiết bị đặc chủng phục vụ công tác thi công hầm, cầu. Đặc biệt đối với nhân sự 10 tháng đầu năm 2022, Đèo Cả đã tuyển dụng 1.000 nhân sự và dự kiến năm 2023 tiếp tục tuyển dụng thêm 1.000 lao động nữa. Đồng thời đã có sự chuẩn bị tốt về kế hoạch tài chính, để khi được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải tin tưởng giao các dự án lớn thì có thể bắt tay triển khai công tác thi công đồng loạt các hạng mục của dự án.

Để các dự án triển khai được thuận lợi, ông Nguyễn Tấn Đông mong muốn một số vấn đề liên quan như: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cần ưu tiên cho các hạng mục hầm, cầu trước… để thực hiện trước công tác chuẩn bị; Nguồn vật liệu đa số mỏ vật liệu theo hồ sơ tư vấn thiết kế không sử dụng được, hoặc không đáp ứng đủ khối lượng theo nhu cầu thi công. Nguồn đất đắp, nguồn cát xây dựng quyết định rất lớn đến tiến độ thi công dự án, nhưng đa phần thiếu nguồn cung (cung không đủ cầu). Vật liệu đá có thể sản xuất được bằng cách tận dụng khối lượng đá khoan trong các hầm, nhưng đất, cát thì không thể sản xuất được, do vậy nếu không có vật liệu thì không thể nói đến tiến độ hay cam kết hoàn thành đúng kế hoạch hay tiến độ được. Chính vì vậy, các dự án rất cần Bộ Giao thông vận tải làm việc với địa phương để ưu tiên nguồn vật liệu và GPMB để khi nhà thầu tiến hành thi công có thể bắt tay vào thực hiện được ngay.

Tại dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, tỉnh Ninh Thuận đã rất quyết tâm, quyết liệt và mặc dù có chủ trương, nghị quyết của Chính phủ nhưng vẫn mất đến 9 tháng mới có quyết định cấp phép khai thác, điều này cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án. Để đạt được tiến độ của dự án như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu, tỉnh Ninh Thuận đã rất hỗ trợ dự án trong việc tháo gỡ khó khăn nguồn đất đắp và GPMB cho dự án.

cao toc cam lam vinh hao thi cong dat hon 30 khoi luong cong viec
Tận dụng đá khoan hầm Núi Vung để nghiền đá thành phẩm phục vụ công trình.

Ông Đặng Tiến Thắng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (DNDA) cho rằng: “Để đạt được tiến độ dự án như ngày hôm nay, các đơn vị thi công đã nỗ lực và phối hợp với chính quyền nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc của dự án từ khi dự án bắt đầu. Tuy nhiên, để hoàn thành dự án đạt tiến độ yêu cầu, còn một số khó khăn hiện tại cần sớm được tháo gỡ: Thứ nhất: Giá nhiên, nguyên vật liệu tăng đột biến, chi phí dự phòng giá nguyên vật liệu gần như không bù đắp được giá cả tăng đột biến như thời gian qua. Thứ hai: Liên quan đến các vấn đề về lãi suất cho vay, lãi suất huy động tăng đã kéo theo lãi suất tín dụng cho xây dựng nói chung, các dự án hạ tầng giao thông nói riêng cũng tăng theo và dự kiến sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Điều này cũng gây áp lực và ảnh hưởng rất lớn cho các nhà đầu tư và nhà thầu trong các dự án PPP giao thông. Thứ ba: Trạm dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật và tiếp nhiên liệu, cụ thể tại dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, chiều dài tuyến gần 80km nhưng trong hợp đồng chưa bao gồm trạm dừng nghỉ, do đó khi đưa vào khai thác có thể phần nào gây ra bất tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông và có nguy cơ gây ra dư luận không tốt cho dự án. Không có trạm dừng nghỉ cũng ảnh hưởng tới yêu cầu khai thác theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc. Thứ tư: Liên quan đến phương án kết nối với hệ thống đường hiện hữu tại địa phương, tỉnh Ninh Thuận có đề xuất bổ sung nút giao với Tỉnh lộ 709, công trình trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận để phát triển hệ thống cảng nước sâu Cà Ná. Đến nay, tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện nút giao này ngay trong giai đoạn 1 chứ không nên để sang giai đoạn 2 như kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải đề ra nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức. Thứ năm: Vấn đề liên quan đến kết cấu mặt đường: Hiện nay, một số dự án cao tốc Bắc Nam chưa có thiết kế đồng bộ (một số dùng bê tông nhựa polime, một số dùng kết cấu nhựa đường 60-70…). Riêng đối với dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có thời tiết thất thường, số giờ nắng cao nhất cả nước, thời gian qua Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng có ý kiến cần cải thiện lớp bê tông nhựa kết cấu bề mặt để đảm bảo chất lượng, nhằm tránh hằn lún mặt đường. Về vấn đề nay, DNDA cũng đã đề xuất báo cáo với Bộ Giao thông vận tải nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi thống nhất chính thức từ Bộ Giao thông vận tải để triển khai công tác bê tông nhựa lớp trên.

cao toc cam lam vinh hao thi cong dat hon 30 khoi luong cong viec
Hầm Núi Vung dài 2.200m đã khoan được hơn 1.200m.

Thứ sáu: Liên quan đến nguồn vốn: Đối với nguồn vốn Nhà nước tại các dự án khác thường là áp lực và không giải ngân được theo tiến độ kế hoạch vốn. Tuy nhiên, tại dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã giải ngân vượt kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho dự án trong năm 2022. Dự kiến từ nay đến cuối năm, theo nhu cầu thi công thì cần phải bộ sung thêm, nhà đầu tư đã có kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho dự án để kịp thời giải ngân cho các gói thầu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nhà thầu thực hiện dự án về đích vượt tiến độ như Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đã cam kết với Thủ tướng Chính phú khi Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dự án trong chuyến khảo sát cao tốc Bắc - Nam vào ngày 5/2/2022.

1. Dự án thành phần ĐTXD đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

2. Hình thức và quy mô đầu tư:

+ Dự án được đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

+ Quy mô xây dựng: Đường cao tốc với quy mô 04 làn xe, vận tốc 80Km/h:

- Công trình Hầm Núi Vung: Giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 02 ống hầm, hoàn thiện 01 ống hầm phục vụ khai thác với 02 làn xe, vận tốc 80km/h.

3. Nhà đầu tư (NĐT): Tập đoàn Đèo Cả, Công ty 194.

4. Doanh nghiệp Dự án: Công ty Cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

5. Thời gian thực hiện: Các công trình cầu, đường 24 tháng, Công trình hầm Núi Vung 30 tháng kể từ ngày khởi công Dự án.

6. Phạm vi dự án:

- Điểm đầu tại Km 54+00 phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang – Cam Lâm).

- Điểm cuối tại Km 134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết).

- Tổng chiều dài tuyến 80 km (Khánh Hòa 5km; Ninh Thuận 63km; Bình Thuận 12km):

+ Tập đoàn Đèo Cả: Km92+260 – Km134: Chiều dài L= 41,74km;

+ Công ty 194: Km54 – Km92+260; Chiều dài L= 38,26km.

Lê Cương – Minh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load