Thứ năm 12/12/2024 23:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Cần quy rõ trách nhiệm việc công viên nước Thanh Hà xây không phép rồi đập bỏ

11:25 | 06/02/2020

(Xây dựng) – Vừa qua, lực lượng liên ngành quận Hà Đông, Hà Nội gồm Công an, tư pháp, quản lý đô thị và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ công viên nước Thanh Hà, sau 6 tháng đưa vào khai thác. Việc một công viên nước hoành tráng hơn 3ha, đầu tư 200 tỷ đồng, xây không phép ở thủ đô Hà Nội đã bị đập toang hoang, khiến dư luận đặt ra câu hỏi, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương đã “ở đâu” trong suốt thời gian doanh nghiệp lắp đặt thiết bị và xây dựng cơ sở vật chất cho công viên?

can quy ro trach nhiem viec cong vien nuoc thanh ha xay khong phep roi dap bo
Để tồn tại xây dựng không phép, sai phép rồi phá dỡ là một sự lãng phí.

Như đã thông tin ở bài viết trước, công viên nước Thanh Hà được Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Trước khi bị phá dỡ, quần thể công viên nước Thanh Hà được xây dựng gồm bể bơi bốn mùa và nhà thi đấu đa năng, là khu vui chơi được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại. Phía bên ngoài công viên được thiết kế, xây dựng với kiến trúc như tường thành của tòa lâu đài. Công viên nước có 9 hạng mục trò chơi mạo hiểm, tốc độ như đường trượt 4 làn, đường trượt xoắn ốc, vòng xoáy khổng lồ, sông lười, hố đen vũ trụ, máng trượt, khu tạo sóng nhân tạo.

Trước đó, cuối tháng 12/2019, UBND quận Hà Đông đã ban hành Quyết định 5079 cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 - chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà, vì xây dựng công trình không phép.

Ông Dương Ngọc Thỏa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Lương, quận Hà Đông cho biết: Toàn bộ công trình công viên nước này xây dựng không có giấy phép, xây dựng trái phép nên bị phá dỡ theo quy định pháp luật. Ủy ban nhân dân quận Hà Đông là cơ quan ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình. Cũng theo ông Thỏa, những văn bản liên quan đến việc yêu cầu tự phá dỡ, thông báo cưỡng chế phá dỡ đã được gửi đến chủ đầu tư trước đó. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện tự tháo dỡ công trình nên buộc phải cưỡng chế.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Tống Văn Nga - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Việc cưỡng chế, phá dỡ công viên nước Thanh Hà là giải pháp xử lý sai phạm trật tự xây dựng đã diễn ra, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Đồng ý rằng, hành vi xây dựng sai phép cần phải được xử lý nghiêm khắc để tránh tái diễn nhưng cũng cần xem lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông, khi một công trình lớn như vậy có thể xây dựng không phép nhưng vẫn được chấp thuận cho vận hành khai thác, rồi sau đó vội vàng đập bỏ.

Cũng theo ông Nga, tình trạng xây dựng không phép do buông lỏng quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, như tại công viên nước Thanh Hà, thời gian qua diễn ra tại nhiều địa phương. Hành vi này cần phải được ngăn chặn ngay từ đầu, trường hợp cần thiết buộc phải điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch xây dựng đô thị cho phù hợp, không thể để xây xong rồi đập bỏ, rất lãng phí.

Cùng quan điểm, chia sẻ với báo chí, ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng: Về thẩm quyền, quận Hà Đông là cơ quan có trách nhiệm quản lý tất cả dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Cần truy trách nhiệm của cán bộ quản lý cấp quận, cấp phường để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Với tất cả những công trình xây dựng không phép, sai phép, bất kể quy mô lớn hay nhỏ thì đều cần áp dụng hình thức cưỡng chế kết hợp với hình phạt bổ sung thật nặng để ngăn ngừa sai phạm.

Theo ông Võ, cần xử phạt vi phạm hành chính thật nặng vì mức phạt hành chính trong lĩnh vực vi phạm trật tự xây dựng hiện nay rất thấp, nên chưa có sức răn đe với các chủ dự án có thể thu lợi rất lớn từ các dự án vi phạm. Ông Võ cho rằng, đang có lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị khi một công viên nước hoành tráng xây dựng không phép giữa thủ đô, đi vào hoạt động sau 6 tháng mới bị cưỡng chế.

Theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tại khoản 2, Điều 2 chỉ rõ: Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại Điều 5 “Trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện” quy định:

1. Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn.

c) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý trật tự xây dựng.

d) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; Cung cấp các thông tin về quy hoạch, giấy phép xây dựng và các thông tin liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.

đ) Kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp thẩm quyền đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; Xem xét, giải quyết kiến nghị chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện.

e) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo đề nghị của Sở Xây dựng để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

g) Cử cán bộ tham gia các hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, pháp luật về trật tự xây dựng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn khi có yêu cầu của cơ quan có liên quan.

h) Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, cơ sở vật chất cho Đội quản lý trật tự xây dựng và các cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.

i) Xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân do buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

k) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng trong việc nhận xét, đánh giá Trưởng phòng Quản lý đô thị, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo yêu cầu về công tác quản lý cán bộ.

l) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất đầy đủ và chính xác về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Xây dựng.

m) Căn cứ Quyết định này, UBND cấp huyện có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa UBND cấp xã, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 1 Điều này.

b) Kiểm tra, giám sát Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; Thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

c) Xử lý Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện, cán bộ, công chức dưới quyền không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

d) Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 29, Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

đ) Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.

e) Hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Như vậy, đến nay công trình vi phạm trật tự xây dựng đã bị cưỡng chế, phá dỡ toang hoang, thiệt hại bước đầu được xác định thuộc về phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm của cán bộ và Chủ tịch UBND quận Hà Đông trong việc buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp công nhiên lắp đặt thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất cho khu công viên thì chưa thấy xử lý. Chắc hẳn dư luận người dân sẽ không phục, nếu việc này không được xử lý thích đáng. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Khánh An – Thanh Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load