Thứ hai 20/05/2024 08:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài tham dự cuộc thi “Phát triển công trình xanh”

Cần làm gì để phát triển trường học xanh (Kỳ I)

08:00 | 18/09/2023

Kỳ I: Giấc mơ xanh và hiện thực thiếu trường lớp

(Xây dựng) - Thiết kế, xây dựng trường học xanh trở thành xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xây dựng trường học xanh còn nhiều rào cản, nhất là trong bối cảnh thiếu trường lớp, quỹ đất hạn hẹn, dân số cơ học tăng nhanh ở các thành phố lớn. Thiết kế trường học đang phải đối mặt giải quyết nhiều vấn đề nội tại, phát sinh.

Cần làm gì để phát triển trường học xanh (Kỳ I)
Trường Tiểu học Đại Kim mới xây dựng 3 dãy nhà khang trang, nhưng đã thiếu lớp học.

Thiếu trường lớp, thiết kế trường học đối mặt nhiều vấn đề

Theo KTS Hoàng Thúc Hào - Công ty Kiến trúc 1+1>2, tại Việt Nam, mô hình trường học truyền thống thường là các khối nhà chữ U, hoặc các khối chữ nhật riêng lẻ, được sắp xếp rập khuôn, nhàm chán, hệ thống phòng học chức năng thiếu thốn, thường xuyên ùn tắc giao thông quanh trường vào giờ cao điểm. Trong các khu đô thị, với quỹ đất hạn chế, mật độ xây dựng lớn, mật độ giao thông cao; thiết kế trường học đối mặt với các vấn đề giải quyết bài toán giao thông đưa đón học sinh; nhu cầu diện tích sử dụng lớn; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn lạc hậu không bắt kịp xu thế, phương pháp giáo dục mới; không gian đô thị ngột ngạt, bức bối và chật chội, nhiều áp lực…

Thiếu không gian, sân chơi cho học sinh; lớp học thiếu ánh sáng, chưa tận dụng được ánh sáng tự nhiên vốn rất tốt cho thị lực, thể chất của trẻ, vẫn phải sử dụng nhiều điện trong chiếu sáng và làm mát. Chưa tận dụng được nước mưa, nước thải để tưới cây cối; thiếu mảng xanh, thiếu cây xanh... đang hiện hữu tại nhiều lớp học, trường học ở Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.

Thiếu trường lớp học là câu chuyện nổi cộm và bức xúc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Hàng trăm phụ huynh phải ăn chực nằm chờ, xếp hàng xuyên đêm để tranh suất cho con vào một trường tiểu học ở quận Hà Đông. Phụ huynh ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, một trong những nơi thiếu trường học trầm trọng, phải bốc thăm cho con để giành suất vào trường mầm non công lập.

Vấn đề thiếu trường, lớp ở Hà Nôi đã được nhiều đại biểu quốc hội đề cập. Ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội thừa nhận: Trong quá trình phát triển, với dân cư tăng rất nhanh, phần lớn là gia tăng dân số cơ học, nên lúc nào chúng ta cũng trong tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Giải quyết khó khăn này không thể một sớm một chiều, nhưng chậm ngày nào, đồng nghĩa với con em chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Không ai có thể phủ nhận học tập tử tế hôm nay là cơ sở cho trẻ, ngày mai có việc làm, sống trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Trong bối cảnh đầy thách thức đó, xây dựng đủ trường học là niềm mong mỏi của người dân; nhưng xây dựng trường học xanh trở thành niềm khát khao của nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên và cộng đồng xã hội, bởi những lợi ích công trình này mang lại. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội với Hà Nội, khi thời gian tới, thành phố sẽ thu hồi loạt ô đất để xây dựng trường học, hiện thực hóa kế hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu xây dựng mới 135 trường học, kinh phí khoảng 10.800 tỷ. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng mới trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học.

Vì sao xây dựng trường học xanh quan trọng?

Theo PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh, trường học là nơi học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ tương lai. Một trường học xanh, thân thiện, gần gũi với thiên nhiên là hình mẫu để những đứa trẻ lớn lên, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, trí tuệ; chính môi trường là yếu tố giáo dục cho trẻ, về bảo vệ môi trường tương lai và phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Xuân Ngọc - Công ty Kiến trúc 1+1>2 khẳng định: Ở trường học xanh; học sinh, giáo viên được thụ hưởng môi trường học tập sinh hoạt tối ưu: Thông gió, ánh sáng tự nhiên, sử dụng năng lượng hiệu quả, cây xanh và vi khí hậu tốt. Ngôi trường xanh chính là ví dụ trực quan để nâng cao hiểu biết, nhận thức của học sinh về vấn đề môi trường, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả, công trình xanh, đô thị xanh, phát triển bền vững... Trong khi năng lượng và chống biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách, toàn cầu.

Cần làm gì để phát triển trường học xanh (Kỳ I)
Môi trường vi khí hậu tốt, thông gió, chiếu sáng tự nhiên sẽ tốt cho sự phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ.

Theo nghiên cứu của nhà môi trường học Gregory H. Kats và Hội đồng Công trình Xanh Mỹ (US.Green Building Council, viết tắt là USGBC), khuôn viên học đường nhiều mảng xanh và thân thiện với môi trường (đặc biệt là cây xanh trên mái và tầng cao của công trình trường học) sẽ giúp học sinh cải thiện sức khỏe, giảm số lượng ngày nghỉ bệnh, tăng cường điểm số tốt, đồng thời, phát triển tinh thần minh mẫn, cùng cảm xúc tích cực cho học sinh lẫn giáo viên. Kết quả nghiên cứu của Đại học Kiến trúc Carnegie Mellon (Mỹ) cho thấy, các lớp học sử dụng ánh sáng tự nhiên phong phú, có 20 - 26% học sinh đạt kết quả kiểm tra cao hơn; lớp học trang trí nhiều loại thực vật, kết quả các môn chính tả, toán và khoa học được cải thiện 10 - 14%.

Ông Phan Anh - Giám đốc Hệ thống Giáo dục Genesis cho rằng: Có ba trụ cột của trường học xanh gồm giảm chi phí và tác động môi trường; tăng cường sức khỏe và hạnh phúc; tăng cường hiểu biết về môi trường và tính bền vững. Bên cạnh việc thiết kế từ hướng nắng, đón gió, vật liệu xây dựng tới tiết kiệm năng lượng, tạo môi trường vi khí hậu tốt… toàn bộ chương trình học tại Genesis School được xây dựng trên hệ quy chiếu sống xanh.

Cơ hội và tiềm năng thiết kế trường học xanh rất lớn. Theo PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên, trường học có nhiều cơ hội để thiết kế, xây dựng xanh, khi có điều kiện thuận lợi, chiều cao tiêu chuẩn dễ dàng đạt được (theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, trường học chỉ xây dựng cao tối đa 4 tầng), có sân chơi và khoảng không...

Theo KTS Hoàng Thúc Hào - Công ty Kiến trúc 1+1>2, tùy theo hệ thống đánh giá, công trình xanh sẽ có những độ phức tạp và yêu cầu khác nhau. Hiện tại, Việt Nam có 4 hệ thống đánh giá là LEED (Mỹ), GREEN MARK (Singapore), LOTUS (Việt Nam) và EDGE (Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC). Xây dựng công trình trường học xanh thường được bắt đầu từ giai đoạn thiết kế ý tưởng; phần lớn điểm số có thể đến từ các giải pháp thiết kế kiến trúc thụ động như tạo nhiều sân chơi, các tiểu vùng cây xanh vi khí hậu cho học sinh, thiết kế thông thoáng gió, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, phù hợp khí hậu từng vùng...

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Vũ Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load